24/11/2024

Kéo vốn tư nhân về TP.HCM

Kéo vốn tư nhân về TP.HCM

Với danh sách gần 200 dự án, nhu cầu vốn cần huy động lên tới gần 43 tỉ USD, TP.HCM cần thay đổi về cơ chế, chính sách, thủ tục để thu hút các nhà đầu tư tư nhân tham gia.

 

 

 

Loạt dự án trọng điểm chờ gọi vốn

UBND TP.HCM vừa chấp thuận danh mục dự án kêu gọi đầu tư năm 2022 do Sở Kế hoạch – Đầu tư đề xuất với 197 dự án và tổng vốn đầu tư 943.937 tỉ đồng (tương đương gần 43 tỉ USD). Trong danh mục này, chiếm phần lớn là các dự án hạ tầng, giao thông, chỉnh trang đô thị trọng điểm.

Điển hình như dự án tuyến đường trên cao số 1 chiều dài 9,5 km với tổng vốn đầu tư 17.500 tỉ đồng; Tuyến đường trên cao số 5 với chiều dài 21,5 km tổng vốn 15.400 tỉ đồng. Hệ thống đường sắt đô thị gồm 12 dự án thành phần như tuyến đường sắt đô thị số 2 (giai đoạn 2) đoạn Bến Thành – Thủ Thiêm và đoạn Tham Lương – Bến xe Tây Ninh; Tuyến số 5… tổng vốn 427.371 tỉ đồng. Ngoài ra còn có các dự án trục cao tốc và các tuyến quốc lộ kết nối khu vực lân cận trị giá 33.555 tỉ đồng của cao tốc TP.HCM – Mộc Bài; Dự án đường trục động lực quốc lộ 50, với chiều dài 8,7 km có tổng vốn đầu tư hơn 3.800 tỉ đồng; Đường Võ Văn Kiệt nối dài (đoạn từ Vành đai 3 đến ranh Long An) với tổng vốn đầu tư hơn 13.800 tỉ đồng…

Kéo vốn tư nhân về TP.HCM - ảnh 1

 

Huy động được nguồn vốn lớn sẽ phát huy nguồn lực của xã hội trong việc phát triển hạ tầng cũng như chỉnh trang đô thị TP  ĐỘC LẬP

Đối với dự án chỉnh trang đô thị và xây dựng nhà ở, tái định cư có nhiều dự án quy mô lớn như Khu đô thị Hiệp Phước tại H.Nhà Bè (1.354 ha); Khu đô thị Đại học Hưng Long tại xã Hưng Long, H.Bình Chánh (511 ha); Khu dân cư đô thị mới, dịch vụ thương mại, kết hợp du lịch giải trí khu dân cư đô thị xã Tân Hiệp H.Hóc Môn (290,18 ha); Khu trung tâm thương mại và dân cư khu vực phía tây TPHCM tại xã Tân Kiên, H.Bình Chánh (239,9 ha); Khu trung tâm dân cư Tân Tạo – khu B, P.Tân Tạo A, Bình Tân (145,68 ha); Khu đại học tập trung tại xã Long Thới, H.Nhà Bè (151 ha)…

Theo số liệu từ Sở Kế hoạch – Đầu tư TP.HCM, từ đầu năm 2022 đến nay, tính chung cả vốn thu hút được dưới hình thức cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và vốn thu hút được qua hình thức góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp của doanh nghiệp (DN) trong nước, TP.HCM thu hút được 1,28 tỉ USD đầu tư FDI, tăng 12,18% tổng vốn đầu tư so với cùng kỳ. Như vậy, với nhu cầu vốn lên tới gần 43 tỉ USD, từ nay đến cuối năm, TP còn rất nhiều việc phải làm.

Tiếp xúc với các DN, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP, cho biết TP.HCM luôn mở rộng cửa chào đón các nhà đầu tư. Trong giai đoạn tới, TP sẽ phải hành động nhiều hơn để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, chuyển đổi số để tạo môi trường đầu tư minh bạch hơn. TP cũng đang kiến nghị, quan tâm hình thành cơ chế đặc thù để thu hút các nhà đầu tư chiến lược phát triển đường sắt, đường thủy kết nối vùng giữa TP và 7 tỉnh, thành lân cận nhằm thúc đẩy phát triển đô thị của vùng. “Cụ thể, kiến nghị Chính phủ sớm triển khai dự án đường sắt TP.HCM – Cần Thơ để kết nối giữa TP.HCM và các tỉnh ĐBSCL; sớm hình thành các cơ chế thu hút nguồn đầu tư xã hội cho các dự án hạ tầng số, hạ tầng giao thông và hạ tầng đô thị. Những việc này sẽ phát huy được nguồn lực của xã hội rất lớn trong việc phát triển hạ tầng đô thị cũng như trong chỉnh trang đô thị TP và các tỉnh lân cận”, Chủ tịch UBND TP.HCM thông tin.

Kéo vốn tư nhân về TP.HCM - ảnh 2
Huy động được nguồn vốn lớn sẽ phát huy được nguồn lực của xã hội trong việc phát triển hạ tầng cũng như chỉnh trang đô thị thành phố  NGỌC DƯƠNG

Cần tháo nút thắt giải phóng mặt bằng…

Trong danh mục các dự án hạ tầng, giao thông cần kêu gọi xã hội hóa nói trên, có rất nhiều cái tên đã nằm trong danh mục quốc gia các dự án kêu gọi đầu tư nước ngoài giai đoạn 2016 – 2020, sau đó “ế” và tiếp tục góp mặt trong danh sách này giai đoạn 2021 – 2025.

Trao đổi với Thanh Niên, lãnh đạo Sở GTVT TP.HCM thừa nhận tuyến đường trên cao số 1, số 5 hay hệ thống đường sắt đô thị, đường vành đai… đều là những dự án vô cùng cấp bách và bức thiết đối với mạng lưới giao thông TP.HCM hiện nay, song, không thể kêu gọi được vốn ngoài ngân sách. Tập trung thúc đẩy hạ tầng, TP.HCM đã chủ trương dùng ngân sách TP hỗ trợ phần khó nhằn nhất là giải phóng mặt bằng (GPMB) để đẩy nhanh tiến độ các dự án. Tuy nhiên, đại dịch bùng phát nghiêm trọng, ngân sách đổ vào loạt công tác phòng, chống dịch, bảo đảm an sinh xã hội khiến “túi tiền” của TP.HCM đã cạn kiệt, không còn đủ nguồn lực để cân đối vốn cho nhiều dự án theo đúng quy hoạch. Đầu tư công giai đoạn này khó khăn, TP buộc phải chuyển sang kêu gọi nguồn vốn từ xã hội hóa. Thế nhưng, ngoài một số dự án đã tổ chức triển khai theo hình thức đối tác công – tư (PPP) giai đoạn trước như đường Vành đai 2 giai đoạn 3… việc triển khai các dự án tiếp theo theo các hình thức hợp đồng BOT, BT còn gặp nhiều vướng mắc về pháp lý.

“Các dự án giao thông, hạ tầng thường có quy mô và vốn đầu tư lớn, đặc biệt là chi phí liên quan việc bồi thường, GPMB, đòi hỏi cần phải có các nhà đầu tư có tiềm lực tài chính và năng lực phù hợp. Hiện nguồn vốn vay ODA cho đầu tư cơ sở hạ tầng, giao thông đô thị ngày càng được thắt chặt, trong khi quy định pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công – tư (PPP) áp dụng cho dự án giao thông, vẫn còn nhiều bất cập, dẫn đến việc tìm kiếm các nhà đầu tư có tiềm lực phù hợp gặp không ít khó khăn”, vị này thông tin.

Sớm hình thành các cơ chế thu hút nguồn đầu tư xã hội cho các dự án hạ tầng số, hạ tầng giao thông và hạ tầng đô thị. Những việc này sẽ phát huy được nguồn lực của xã hội rất lớn trong việc phát triển hạ tầng đô thị cũng như trong chỉnh trang đô thị TP và các tỉnh lân cận.

Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM

TS Dương Như Hùng, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, cho rằng đối với các nhà đầu tư thì 2 tiêu chí quan trọng nhất được xét đến khi quyết định đầu tư vào bất kỳ dự án nào là suất sinh lời và rủi ro. Khu vực TP.HCM nói riêng và VN nói chung đang có tốc độ tăng trưởng tương đối nhanh so với các nước khác, đây là lợi thế rất lớn. Tuy nhiên, phần rủi ro cũng lớn không kém, lấn át cả những tiềm năng về suất sinh lời.

“Rủi ro đầu tiên là khâu GPMB. Hầu hết các dự án đều vướng mắc khâu này, khiến nhà các đầu tư thua lỗ, gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, công tác này liên quan trực tiếp đến luật Đất đai, rất khó để điều chỉnh, thay đổi. Rủi ro thứ hai là luật Bảo vệ quyền lợi cho nhà đầu tư. Luật PPP mới được thông qua, nhưng hàng loạt nghị định, thông tư triển khai cụ thể vẫn chưa hình thành. Chưa kể, rất nhiều tiêu cực trong quá trình triển khai các dự án BOT trong quá khứ đã tạo “vết” tiêu cực khiến nhiều nhà đầu tư e ngại”, ông Dương Như Hùng phân tích.

Kéo vốn tư nhân về TP.HCM - ảnh 3

… và đột phá chính sách

TS Lương Hoài Nam, thành viên Hội đồng Tư vấn giao thông đô thị TP.HCM, cho rằng với nhu cầu vốn để phát triển cơ sở hạ tầng của TP.HCM, T.Ư có cấp bao nhiêu cũng không đủ. Vì thế, định hướng chủ động bù bằng rất nhiều cấu trúc đầu tư khác để huy động được các nguồn vốn là chọn lựa bắt buộc. Trong đó, nên đẩy mạnh xã hội hóa tối đa các dự án hạ tầng giao thông.

Theo ông Nam, để DN và nhà đầu tư nước ngoài bỏ vốn thì dự án phải “ngon”. Trong các dự án hạ tầng hiện nay, phần GPMB rất khó khăn. “Nên chăng, TP.HCM cần thay đổi cách làm, có thể phát triển quỹ đất để lo phần đền bù GPMB trước, sau đó mới kêu gọi đầu tư dự án”, ông Nam gợi ý.

TS Lương Hoài Nam đánh giá tài sản lớn nhất của TP.HCM hiện nay là đất. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều quỹ đất chưa được khai thác hiệu quả. Đơn cử, hơn 50% đất hiện nay là đất nông nghiệp, nhưng chỉ tạo ra 0,8% giá trị kinh tế. Loại hình đất này nếu chưa chuyển đổi mục đích thì cũng không dùng được cho phát triển hạ tầng hay phát triển bất động sản. “Không mạnh dạn áp dụng cơ chế, chính sách mới thì sẽ mãi bế tắc trong bài toán phát triển đô thị”, vị này nhấn mạnh.

Chuyên gia kinh tế – TS Huỳnh Thanh Điền nhận định để thu hút đầu tư khôi phục và phát triển kinh tế, trước hết, TP.HCM cần tập trung đẩy mạnh xem xét và cấp phép đầu tư các dự án lớn, đặc biệt là dự án xây dựng nhà xưởng, văn phòng. Khi nhiều dự án được phép thi công sẽ kéo theo các ngành xây dựng, sắt thép, xi măng, dịch vụ phụ trợ khác do DN vừa và nhỏ đảm nhận phát triển. Đồng thời, các khu đô thị đang điều chỉnh quy hoạch nhiều năm chưa xong cần đẩy nhanh tiến độ phê duyệt để tạo tiền đề đầu tư cho những năm sau. Những thủ tục này, thời gian qua TP làm rất chậm và điều này cần được khắc phục. Ngoài ra, TP.HCM cần khởi động lại chương trình kích cầu hỗ trợ lãi vay cho các dự án tư nhân trong các lĩnh vực TP khuyến khích. Có chính sách hỗ trợ lãi suất sẽ thúc đẩy DN mạnh dạn đầu tư. Khi đó, TP sẽ có thêm nguồn thu từ các loại thuế, phí có liên quan và cũng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

TS Huỳnh Thanh Điền đóng góp ý kiến: “Một điểm cần thẳng thắn nhìn nhận là việc cấp phép các dự án đầu tư lớn còn chậm, tỷ lệ giải ngân các dự án đầu tư hạ tầng quá chậm, chương trình kích cầu bị dừng lại mà chưa khởi động chương trình mới… Đó đang là trở ngại, là điểm nghẽn của TP và cần khơi thông các rào cản này”.

HÀ MAI

TNO