24/11/2024

Báo động thiếu dung dịch cao phân tử chống sốc sốt xuất huyết

Báo động thiếu dung dịch cao phân tử chống sốc sốt xuất huyết

Số ca mắc sốt xuất huyết vẫn đang tăng mạnh nhưng theo Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), hiện các cơ sở khám chữa bệnh đang gặp khó khăn khi không có dung dịch cao phân tử HES 200.000, Dextran 40 để chống sốc sốt xuất huyết.

Báo động thiếu dung dịch cao phân tử chống sốc sốt xuất huyết - Ảnh 1.

Bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) cập nhật tình trạng sức khỏe một bệnh nhi mắc sốc sốt xuất huyết cho phụ huynh – Ảnh: X.MAI

Theo các bác sĩ điều trị, việc thay thế dung dịch cao phân tử khác chỉ là phương pháp tạm thời, không đạt kết quả tối ưu.

 

Bệnh viện thay thế dung dịch cao phân tử khác

Trong hội nghị tập huấn hướng dẫn tăng cường công tác điều trị sốt xuất huyết Dengue do Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) tổ chức ngày 22-6, cục này cho hay hiện nay các cơ sở khám chữa bệnh đang gặp khó khăn khi không có dung dịch cao phân tử HES 200.000 dalton, Dextran 40 để chống sốc sốt xuất huyết.

Các chuyên gia đã họp xem xét, đề xuất tạm thời sử dụng dung dịch cao phân tử HES 130.000 daltol 6% hoặc Gelatin succninylated 4% trong trường hợp có chỉ định sử dụng cao phân tử theo hướng dẫn chẩn đoán, điều trị sốt xuất huyết.

Đại diện Cục Quản lý dược cho biết đã nhận được công văn của một số bệnh viện và các sở y tế báo cáo khó khăn trong cung ứng dịch truyền cao phân tử trong điều trị sốc trên bệnh nhân sốt xuất huyết Dengue nặng.

Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 22-6, bác sĩ Đỗ Châu Việt – trưởng khoa hồi sức nhiễm COVID-19 Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) – cho biết hiện khoa đang điều trị nhiều bệnh nhi mắc sốt xuất huyết từ nặng đến rất nặng. Còn tại Bệnh viện Nhi đồng thành phố (TP.HCM), ông Nguyễn Minh Tiến – phó giám đốc bệnh viện – cho biết hiện bệnh viện đang điều trị gần 50 trẻ mắc sốt xuất huyết, trong đó có 5 trẻ nguy kịch đang nằm tại khoa hồi sức tích cực, 6 trẻ nằm ở khoa cấp cứu.

Còn tại Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ, 3 tháng gần đây trong tổng số 500 ca sốt xuất huyết nhập viện điều trị nội trú, có khoảng 100 trường hợp bị sốc sốt xuất huyết diễn biến nặng.

Việc điều trị các ca sốc sốt xuất huyết phải cần dung dịch cao phân tử HES 200.000, đặc biệt là dung dịch Dextran 40 rất phù hợp cho trẻ em. Tuy nhiên tình trạng thiếu dung dịch cao phân tử HES 200.000 và Dextran 40 đã diễn ra từ đầu tháng 5.

 

Hiệu quả điều trị không tối ưu

Theo nhiều bác sĩ điều trị, việc dùng dung dịch cao phân tử khác thay thế HES 200.000 và Dextran 40 trong điều trị bệnh nhân sốc sốt xuất huyết là được, tuy nhiên không đạt hiệu quả tối ưu.

Bác sĩ Đỗ Châu Việt cho hay dung dịch cao phân tử nào cũng có thể điều trị được bệnh sốt xuất huyết. Nếu cần có thể kết hợp thêm albumin, không nhất định phải HES 200.000 hoặc Dextran 40. Bộ Y tế đã bổ sung vấn đề này trong phác đồ điều trị cách đây 2 tháng.

Theo bác sĩ Việt, việc điều trị thành công các ca sốt xuất huyết phụ thuộc rất nhiều vào kinh nghiệm, năng lực, kỹ năng, cách theo dõi, trang thiết bị y tế… của các cơ sở khám chữa bệnh. “Cao phân tử chỉ là một phần trong chuỗi mắt xích đó và loại cao phân tử nào cũng có thể điều trị được, bên cạnh phải kết hợp nhiều giải pháp để hồi sức bệnh nhi sốt xuất huyết. Dù bệnh viện vẫn gặp vài khó khăn nhưng tất cả đều cố gắng thích ứng vượt qua”, bác sĩ Việt chia sẻ thêm.

Tương tự, để không gián đoạn việc điều trị trẻ sốc sốt xuất huyết cần dung dịch cao phân tử phù hợp, bác sĩ Minh Tiến cho hay bệnh viện đã áp dụng phương án thay thế dung dịch cao phân tử khác, cụ thể là HES 130.000, đồng thời phối hợp với dung dịch albumin. “Phương án này cũng giúp cứu sống nhiều trường hợp nặng. Tuy nhiên, dung dịch albumin thì rất đắt đỏ. Việc thay thế dung dịch cao phân tử chỉ là phương án tạm thời chứ hiệu quả điều trị không cao”, bác sĩ Tiến nói.

Theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp – phó giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương (Hà Nội) – để điều trị sốc sốt xuất huyết có thể thay thế bằng các loại khác như Dextran 70, Haesteril, Gelafuldin. Tuy nhiên Dextran 40 vẫn được đánh giá là phù hợp, mang lại hiệu quả cao trong chỉ định cho bệnh nhân sốc sốt xuất huyết.

“Trong trường hợp thiếu Dextran, các bác sĩ có thể thay thế bằng cao phân tử Gelafuldin cũng đạt được hiệu quả bù dịch. Tuy nhiên, sử dụng Gelafuldin tỉ lệ rối loạn đông máu sẽ cao hơn, bệnh nhân cũng đối diện với biến chứng nhiều hơn”, bác sĩ Cấp thông tin.

Bác sĩ Cấp cho biết thêm, hiện sốt xuất huyết đang diễn biến phức tạp tại miền Nam. Miền Bắc đỉnh điểm dịch sốt xuất huyết thường vào tháng 10 hằng năm. “Hiện bệnh viện đang lên dự trù và đấu thầu để có nguồn thuốc sử dụng. Tuy nhiên, việc đấu thầu cũng phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố khách quan, nguồn nhập khẩu”, bác sĩ Cấp chia sẻ.

Báo động thiếu dung dịch cao phân tử chống sốc sốt xuất huyết - Ảnh 2.

Từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận gần 63.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 29 trường hợp tử vong. Trong ảnh: khoa sốt xuất huyết – huyết học Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) – Ảnh: X.MAI

Nguyên nhân do đâu?

Trả lời vấn đề này, Cục Quản lý dược cho biết hiện dịch truyền HES 200.000 daltol đã ngừng sản xuất trên thế giới. Trong khi đó, dịch truyền Dextran chưa được cấp giấy đăng ký lưu hành tại Việt Nam.

Trước đó, năm 2020, Cục Quản lý dược đã làm việc và cấp phép khẩn nhập khẩu thuốc Dextran 40 (cơ sở sản xuất: Thai Otsuka Pharmaceutical Co.,Ltd) với số lượng 50.000 túi cho Công ty cổ phần dược phẩm trung ương CPC1, để đáp ứng nhu cầu phòng chống dịch, dùng trong điều trị sốc trên bệnh nhân sốt xuất huyết nặng.

“Thực tế, số lượng thuốc Dextran 40 mà công ty nhập khẩu nhập về Việt Nam là 9.000 túi. Tuy nhiên có rất nhiều cơ sở khám, chữa bệnh dự trù thuốc với số lượng ký hợp đồng và số lượng đặt hàng thấp hơn nhiều. Thậm chí, không lấy hàng theo kế hoạch dẫn đến công ty còn tồn kho gần 3.500 túi đã hết hạn và chờ thiêu hủy.

Bên cạnh đó, Dextran 40 không phải là mặt hàng sẵn có. Công ty nhập khẩu cũng phải đặt trước 3 – 4 tháng mới có thể có hàng. Trong khi đó, bệnh viện gửi dự trù, đấu thầu mua sắm phải mất 5 tháng. Có nghĩa là nếu thời điểm này bắt đầu đặt mua thì nhiều tháng sau mới có hàng”, vị này cho hay.

Bên cạnh đó, vị này thông tin thêm Dextran 40 hiện nay chỉ do 1 công ty nhập khẩu. Hiện, cục đã làm việc với đơn vị sản xuất và nhập khẩu để có thể “xem xét” cung cấp sớm cho Việt Nam trong bối cảnh dịch sốt xuất huyết tăng cao và đã đạt được thỏa thuận, dự kiến sẽ sớm có thuốc về Việt Nam.

Cục Quản lý dược cũng kiến nghị các bệnh viện dự trù mua sắm, ký hợp đồng từ 6 tháng trước khi bắt đầu thời điểm dịch bệnh để có nguồn hàng cung ứng kịp thời.

 

Có 63.000 ca sốt xuất huyết, 29 ca tử vong trong gần 7 tháng

Theo báo cáo của Cục Quản lý khám chữa bệnh, từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận gần 63.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 29 trường hợp tử vong. Trong đó, số trường hợp nhập viện là gần 48.000 (tăng 96% so với năm 2021), số ca tử vong tăng 24 trường hợp. Việt Nam cũng là nước có số ca mắc sốt xuất huyết cao nhất so với Lào, Campuchia, Malaysia, Philippines và Singapore.

DƯƠNG LIỄU – XUÂN MAI
TTO