Chống nạn tin giả bằng kỳ vọng vào người đọc thông minh
Chống nạn tin giả bằng kỳ vọng vào người đọc thông minh
Vấn đề tin giả hiện đang được chú ý không chỉ bởi các hệ luỵ khiến giới truyền thông hứng chịu trực tiếp, mà dường như cả xã hội cũng cảm nhận mình đang ít nhiều bị tin giả ‘dắt mũi’.
Đó chính là động lực để nhà báo Đỗ Đình Tấn dành hơn hai năm viết quyển sách Fake news & chống fake news – vì sao cái giả hấp dẫn hơn cái thật? Tác giả vừa có buổi giao lưu sáng 18-6 nhân dịp ra mắt sách tại Trung tâm Báo chí TP.HCM. Cùng chia sẻ đề tài thú vị này có nhà báo Phạm Thục và sự tham gia của các sinh viên ngành báo chí.
Người đọc dao động: đất sống của tin giả
Trong vai trò là một trong những người đọc đầu tiên tập sách Fake news & chống fake news, nhà báo Phạm Thục cho rằng đây có thể xem là cẩm nang quan trọng cho các nhà báo hôm nay.
“Tin giả có đất sống khi tâm trạng người đọc dao động, xúc cảm quá hoặc trong tình trạng không thể kiểm chứng thông tin thực”, nhà báo Phạm Thục lưu ý. Và tác hại của tin giả hiện chưa thể hình dung hết biên độ, bởi không chỉ ảnh hưởng đến kinh tế mà còn gây xáo trộn xã hội rất nhiều.
Tác giả Đỗ Đình Tấn lưu ý tin giả (fake news) hiện lan vào trong nhiều lĩnh vực, cả trong khoa học. “Tin giả xóa bỏ ranh giới quyền riêng tư của con người, và xóa bỏ ranh giới giữa cái thật và cái giả, lấy giả làm thật, trong khi tôn trọng sự thật là hòn đá tảng của báo chí”, ông Tấn nói về mối xung đột giữa tin giả và công việc của báo chí chính thống.
Ông Tấn cũng nêu ra bối cảnh “hậu sự thật” được xem là một phần nguyên do của việc tin giả lên ngôi: sự thật của báo chí không còn vai trò chính yếu nữa, mà cái phù hợp với cảm xúc của con người đang lấn sân.
“Bây giờ việc ai đưa tin, tin gì không còn có giá trị nữa, mà tin được nhiều like, nhiều share, nhiều tương tác mới được xem là giá trị. Tin giả đạt nhiều tương tác thì thành ra nó cũng có giá trị”, ông Tấn mô tả cách tin giả hình thành trong mắt người đọc.
Cái giả hấp dẫn hơn cái thật?
Vấn đề thú vị được chờ đợi nhất chính là câu trả lời cho thực trạng: Vì sao cái giả hấp dẫn hơn cái thật? Nói như nhà báo Phạm Thục, đây là một câu hỏi rất đau.
Nhà báo Đỗ Đình Tấn cho rằng thực tế đó bắt nguồn từ tâm lý đám đông: “Nhiều người có tâm lý muốn mình sớm biết tin, nên khi thấy tin mới, giật gân thì chia sẻ ngay; lại có loại “thầy bàn”, thích bàn chuyện cho người khác nghe; và cả tâm lý thiên kiến trong nhận thức, chính vì nhận thức lệch lạc từ lâu khiến bộ não ta lừa chính ta”.
Và ông Tấn cũng dẫn ra một ý từ giới chuyên ngành xã hội học của các nước, rằng: Tin giả là tiếng nói ngược dòng của những người bị mất tiếng nói trong dòng truyền thông chủ lưu chính thống. Tiếng nói ngược dòng của những người thấp cổ bé miệng, là cách họ tồn tại về chính trị khi truyền thông chủ lưu không còn chỗ cho họ. Ông Tấn cho rằng đây là điều đáng chú ý.
Nhà báo Phạm Thục chỉ ra chính các lượt thích, chia sẻ “cao ngất ngưởng” của tin giả đã khiến người đọc nhận nhầm đó là giá trị và chạy theo, riết rồi cái giả có giá trị hơn cả cái thật.
Thiết thực hơn, bà Thục đưa ra lời khuyên dành cho các bạn trẻ: Cần phân biệt nhà báo và các “nhà đưa tin” trên mạng xã hội; phân biệt đưa tin và nêu ý kiến, tin tức của báo chí chính thống thì khác với các ý kiến trên những status của Facebook chẳng hạn; kết luận của bản tin cũng khác với suy luận trên mạng xã hội; và người có chức năng đưa tin khác với người thích gì thì đưa.
“Hãy làm người đọc thông minh, có một cách để các bạn ít bị lừa là share chậm thôi, cẩn thận không đủ mà còn phải cẩn trọng khi tiếp nhận các thông tin trên mạng xã hội”, bà Phạm Thục chia sẻ.
Từ phía người tham dự, có ý kiến cho rằng hiện nay đang hình thành những lớp người tin vào tin giả và bảo vệ tin giả. Đây là một nhận định sâu sắc và liên quan đến vấn đề tôn trọng sự thật.
Bởi ở bối cảnh xã hội nào tin giả cũng tìm thấy đất sống, nhưng ở các bối cảnh xã hội có cơ chế để bảo vệ sự thật thì việc chính quyền nỗ lực để minh bạch các thông tin và tạo điều kiện để công chúng tiếp cận thông tin thật là bước khởi đầu cần thiết.
Fake news & chống fake news của Đỗ Đình Tấn đề cập đến các nội dung chính: Fake news, sự lây lan và mục đích được tạo ra; Tin giả, thách thức và khủng hoảng báo chí; Báo chí tự cứu mình và chống tin giả; Pháp luật, cách tiếp cận và chọn lựa khác; Xóa mù, kiến thức và kỹ năng số cho công dân.