Giảm phí, lệ phí để cứu doanh nghiệp vận tải
Giảm phí, lệ phí để cứu doanh nghiệp vận tải
Giá xăng dầu liên tục leo thang khiến các doanh nghiệp vận tải chưa kịp vực dậy hậu Covid-19 đã méo mặt lo thua lỗ vì thu không đủ bù chi.
Từ đầu năm 2022 đến nay, giá xăng dầu đã trải qua hơn 10 lần điều chỉnh tăng liên tục. Theo dự báo, cơn bão giá chưa có dấu hiệu tạm ngưng mà sẽ còn tiếp diễn, đẩy giá xăng dầu tăng lên hơn 35.000 đồng/lít, thậm chí còn cao hơn trong giai đoạn từ nay đến hết tháng 6.
Doanh nghiệp vận tải khốn đốn vì giá nhiên liệu KHẢ HÒA |
Ông Nguyễn Văn Chánh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM, cho biết các doanh nghiệp (DN) vận tải hiện nay đều đang trong tình trạng kiệt quệ, khó khăn đủ đường. Chiếm 30 – 40% tổng chi phí, giá nhiên liệu tăng phi mã trong khi giá cước đã ký với đối tác, bạn hàng không thể điều chỉnh hoặc nếu có cũng không thể tăng tương ứng. Rồi còn tiền phải ứng ra để mua nhiên liệu, kèm theo giá vỏ xe, chi phí sửa chữa, vật tư… tất cả đều tăng, đẩy các DN rơi vào tình cảnh không có khách cũng chết mà có khách cũng khốn khổ. Trong khi đó, DN vận tải đường bộ hiện phải gánh rất nhiều loại chi phí, trong đó có phí bảo trì đường bộ dù có hoạt động hay không cũng phải đóng. Theo quy định, các xe ngưng hoạt động từ 3 – 6 tháng mới được làm đơn đăng ký miễn phí bảo trì đường bộ. Thủ tục nhiêu khê và chỉ xét duyệt trên từng xe, muốn được giảm phí không hề dễ dàng. Chưa kể cũng vì giá xăng dầu tăng quá cao nên tình trạng xe chở quá khổ, quá tải ngày càng diễn biến phức tạp.
“Thay vì chở 1 công (container hàng hóa – PV) giá 2 triệu đồng, giờ họ nhét lên thành 2 công/chuyến, lấy 3 triệu đồng để bù lại cho giá nhiên liệu tăng quá cao. Điều này gây nên cạnh tranh thiếu bình đẳng, các DN làm ăn chân chính đã khổ, lại càng khổ hơn. Chính phủ cần nhanh chóng cân đối, hỗ trợ DN nhờ các chính sách sát sườn, thiết thực như giảm thuế, phí hay cải thiện thủ tục, quản lý triệt để tình trạng xe quá khổ, quá tải để các DN vận tải vượt qua được giai đoạn vô cùng khó khăn này”, ông Nguyễn Văn Chánh nêu ý kiến.
Mới đây, Bộ GTVT vừa có văn bản yêu cầu các Cục Đường sắt, Hàng hải và Đường thủy nội địa VN nghiên cứu, đề xuất giảm phí, lệ phí trong các lĩnh vực. Theo yêu cầu rà soát của Bộ Tài chính về việc giảm thuế, phí, lệ phí trong lĩnh vực GTVT, Thứ trưởng Lê Đình Thọ yêu cầu các Cục chuyên ngành của Bộ nghiên cứu, rà soát. Trường hợp cần giảm mức phí sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt; lệ phí ra, vào cảng biển; lệ phí ra, vào cảng, bến thủy nội địa để tháo gỡ khó khăn cho DN vận tải do ảnh hưởng giá nhiên liệu tăng, các Cục khẩn trương đánh giá tình hình, tác động của việc giảm mức phí, lệ phí đối với các đối tượng nộp phí và ngân sách nhà nước. Từ đó, đề xuất giảm mức thu từng khoản phí, lệ phí và thời gian giảm thu, báo cáo Bộ GTVT để gửi Bộ Tài chính nghiên cứu, ban hành Thông tư theo thẩm quyền.
Trước đó, Bộ Tài chính có công văn về việc xem xét, quyết định chính sách miễn giảm phí sử dụng hạ tầng đường sắt; phí ra vào vùng đất cảng nước, cảng thủy nội địa; đề xuất tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng cho các dịch vụ vận tải; giảm thuế thu nhập DN theo chỉ đạo của Thủ tướng. Theo Bộ này, Quốc hội và Chính phủ đã tiếp tục thực hiện miễn giảm thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập DN, thuế bảo vệ môi trường để góp phần thúc đẩy sự phục hồi, phát triển kinh tế của DN do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Do đó, việc miễn, giảm thuế cho DN thực hiện hoạt động dịch vụ vận tải sẽ thực hiện theo quy định hiện hành.
Đối với đề xuất miễn, giảm phí, lệ phí để tháo gỡ khó khăn cho DN vận tải do giá nhiên liệu tăng, Bộ Tài chính khẳng định pháp luật phí, lệ phí hiện hành không quy định thu phí, lệ phí đối với xăng, dầu. Vì vậy, các khoản phí, lệ phí hiện hành không phải là yếu tố tác động làm giá nhiên liệu trong nước tăng.
Mới đây, Sở GTVT TP.HCM cũng đã có văn bản kiến nghị UBND, HĐND TP điều chỉnh giảm 50% mức phí đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu được vận chuyển bằng đường thủy nội địa. Đồng thời, đề xuất mức thu phí hạ tầng cảng biển của các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng xuất nhập khẩu ở các địa phương khác được hưởng mức hỗ trợ như các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng xuất nhập khẩu tại TP.HCM. Động thái này được đưa ra sau khi hàng loạt DN, hiệp hội, bao gồm cả khối DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và DN trong nước ở các tỉnh giáp ranh TP.HCM đã gửi văn bản tới các cấp để phản ánh việc hoạt động khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
HÀ MAI
TNO