24/11/2024

Phương Tây trước lựa chọn khó khăn ở Ukraine

Phương Tây trước lựa chọn khó khăn ở Ukraine

Các nước phương Tây được cho là đang lưỡng lự trong vấn đề cung cấp vũ khí tầm xa cho Ukraine, trong lúc lực lượng Nga đang có nhiều lợi thế ở mặt trận miền đông Ukraine.

 

 

Cục diện hiện nay

Bộ Tổng tham mưu quân đội Ukraine ngày 14.6 cho hay lực lượng Nga đang cố chiếm ưu thế ở trung tâm TP.Severodonetsk thuộc tỉnh Luhansk, trong vùng Donbass ở miền đông Ukraine, theo trang The Kyiv Independent. Phía quân đội Ukraine nói rằng lực lượng Nga cũng đang dùng pháo kích để tấn công một số ngôi làng ở tỉnh láng giềng Donetsk. Trước đó, tỉnh trưởng Luhansk Sergei Gaidai cho hay lực lượng Nga đang kiểm soát 70% Severodonetsk, nhưng khẳng định lực lượng Ukraine đang cố thủ ở Severodonetsk chưa bị bao vây hoàn toàn. Trong khi đó, Hãng tin RIA dẫn lời một phát ngôn viên của lực lượng ly khai được Nga ủng hộ cho hay binh sĩ Ukraine thực tế đã bị bao vây ở Severodonetsk và chỉ có thể đầu hàng hoặc chết.

Những ngày qua, mặc dù vẫn thông báo các bước tiến trong việc đối phó, đẩy lùi lực lượng Nga, nhưng phía Ukraine đã phải thừa nhận những tổn thất lớn và sự thua thiệt về vũ khí trước Nga. Chính quyền Kyiv cho biết mỗi ngày nước này mất 100 – 200 người ở khu vực giao tranh, dù con số đưa ra về đối phương cũng không nhỏ. Hôm 3.6, khi đánh dấu 100 ngày Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine, Tổng thống Zelensky cho hay Nga kiểm soát 20% lãnh thổ Ukraine. Trong số những khu vực bị lực lượng Nga kiểm soát có các thành phố Mariupol, Luhansk, Donetsk, Popasna, Lyman, Izyum và Melitopol, cả tỉnh Kherson, theo Viện Nghiên cứu chiến tranh (Mỹ).

Phương Tây trước lựa chọn khó khăn ở Ukraine - ảnh 1
Cảnh hoang tàn ở một khu vực thuộc Severodonetsk REUTERS

Phương tây đang lưỡng lự ?

Với tình hình lực lượng Ukraine đang thất thế ở miền đông, phương Tây được cho là đứng trước hai lựa chọn đầy khó khăn là tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ukraine hay gây sức ép để Kyiv đàm phán tìm lối thoát cho xung đột. Mỹ và một số nước đồng minh đã gửi cho Ukraine khoảng 100 lựu pháo và vài chục khẩu pháo tự hành. Mỹ và Anh còn hứa sẽ cung cấp cho Ukraine một số hệ thống tên lửa phóng loạt. Tuy nhiên, trong cuộc trả lời phỏng vấn mới đây với The New York Times, Cố vấn Tổng thống Ukraine Mykhailo Podolyak cho rằng số lượng vũ khí mà phương Tây đã cung cấp hoặc cam kết cung cấp cho Kyiv đến nay vẫn chưa đủ để chống lại hỏa lực vượt trội của Nga. Để quân Ukraine có thể đạt khả năng ngang bằng với quân Nga ở miền đông, ông Podolyak cho rằng phương Tây sẽ cần cung cấp cho Kyiv 1.000 khẩu lựu pháo, 300 hệ thống rốc két phóng loạt, 500 xe tăng, 2.000 xe bọc thép và 1.000 máy bay không người lái.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tối 13.6 tuyên bố sẽ “giải phóng” bán đảo Crimea (đã sáp nhập vào Nga năm 2014) cùng Donetsk và Luhansk. Trong khi đó, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cùng ngày tuyên bố mục tiêu chính của chiến dịch quân sự ở Ukraine là bảo vệ

“Cộng hòa Nhân dân Donetsk” và “Cộng hòa Nhân dân Luhansk” vốn được Nga công nhận độc lập chỉ 2 ngày trước chiến sự.

Ông Podolyak cho rằng các lãnh đạo phương Tây lưỡng lự trong việc giải quyết bất lợi lớn của Ukraine về vũ khí tầm xa. Ông suy đoán rằng nhiều chính phủ phương Tây đang viện trợ quân sự một cách chậm rãi với hy vọng Nga và Ukraine sẽ đi đến thỏa thuận ngừng bắn, từ đó giúp xoa dịu những tác động do chiến sự gây ra cho kinh tế toàn cầu. Ông còn nói “các quốc gia châu Âu chủ chốt”, tức những nước như Hà Lan, Pháp và Đức, cũng lo sợ phải đối mặt với hành động quân sự của Nga nếu họ cam kết viện trợ quân sự cho Ukraine ở mức cao hơn.

Trước đó, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg ngày 12.6 nhấn mạnh phương Tây sẵn sàng “trả giá” để tăng cường sức mạnh quân sự cho Ukraine, nhưng Kyiv sẽ phải có một số nhượng bộ lãnh thổ đối với Moscow để kết thúc cuộc xung đột hiện nay, theo Đài RT.

Ngoài ra, CNN ngày 4.6 dẫn một số nguồn thạo tin tiết lộ giới chức ở Mỹ, Anh và EU trong vài tuần trước đó đã gặp thường xuyên trong nỗ lực thúc đẩy một lệnh ngừng bắn và thỏa thuận hòa bình cho Ukraine. Tuy nhiên, quan chức Ukraine lại không có mặt trong những cuộc họp như thế, dù Tổng thống Mỹ Joe Biden bày tỏ tuân theo nguyên tắc “không có gì về Ukraine mà không có Ukraine”, theo CNN.

VĂN KHOA

TNO