Tại sao các quốc gia thất bại? Thể chế, thể chế, thể chế!
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh quan điểm mà tác giả Robinson đưa ra trong tác phẩm “Tại sao các quốc gia thất bại” là “thể chế, thể chế và thể chế”
Tại sao các quốc gia thất bại? Thể chế, thể chế, thể chế!
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh quan điểm mà tác giả Robinson đưa ra trong tác phẩm “Tại sao các quốc gia thất bại” là “thể chế, thể chế và thể chế”
Chúng ta hãy cùng nỗ lực biến khát vọng thịnh vượng của quốc gia, của dân tộc thành những việc làm và hành động cụ thể, tận dụng triệt để cơ hội, vững vàng vượt qua thách thức, phát huy tối đa những tiềm lực của nền kinh tế, để phấn đấu trở thành một “con hổ kinh tế” mới của châu Á
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
Thể chế, thể chế và thể chế!
Thông điệp trên của Thủ tướng là phần trả lời cho câu hỏi của tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh (Đại học Fulbright Việt Nam) về các giải pháp, quyết sách tăng cường khả năng chống chịu của nền kinh tế Việt Nam trước các cú sốc bên ngoài.
“Thể chế phải làm sao thúc đẩy công cuộc đổi mới đất nước, phát triển nhanh và bền vững. Bên cạnh đó, phải nâng cao năng suất lao động, áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ, phát triển thương mại điện tử. Cơ cấu lại nền kinh tế mạnh mẽ hơn trong từng cấp, từng ngành, từng doanh nghiệp để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, địa phương, sản phẩm”, Thủ tướng nêu.
Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh tại phiên đối thoại chính sách cấp cao của Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2018 do Ban Kinh tế trung ương tổ chức chiều 11-1 ở Hà Nội rằng phải tiếp tục giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp cũng như đẩy mạnh công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm.
Với chủ đề của diễn đàn là “Tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững”, theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, dù tốc độ tăng trưởng năm 2017 đạt 6,81% song kinh tế Việt Nam còn đối mặt nhiều thách thức trong đó “làm thế nào để chúng ta có thể phát triển nhanh và bền vững, thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình”?
Theo người đứng đầu Chính phủ, kinh tế Việt Nam hội nhập kinh tế toàn cầu và là nền kinh tế hấp dẫn nhất thế giới, song chúng ta không được chủ quan và thoả mãn với thành quả đã đạt được.
“Không được phép để quán tính cỗ máy phát triển dừng lại. Trong thời gian tới, Việt Nam cần kiên trì theo đuổi mô hình tăng trưởng mới dựa trên nền tảng là năng suất và đổi mới sáng tạo.” – Thủ tướng nhấn mạnh.
Phải nuôi dưỡng doanh nghiệp tư nhân
Đi vào những giải pháp cụ thể, để kinh tế Việt Nam tăng trưởng nhanh và bền vững, trao đổi với Tuổi Trẻ, các ý kiến chuyên gia kinh tế cho rằng phải làm sao hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân phát triển.
Giáo sư Trần Văn Thọ (Đại học Waseda, Nhật Bản), thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng, cho rằng phải nuôi dưỡng các doanh nghiệp tư nhân.
Theo ông Thọ, Việt Nam cần phải phát triển thị trường vốn, thị trường đất đai, cơ chế thông thoáng bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, trong đó chú trọng đến doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Nhà nước phải có trung tâm hỗ trợ thông tin, tư vấn về thị trường, thậm chí cả cách xây dựng hồ sơ vay vốn… cho doanh nghiệp tư nhân.
Ông Thọ lấy ví dụ ở Nhật Bản, họ có Cục phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, có ngân hàng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, có sách trắng về khối doanh nghiệp này…
Cùng quan điểm trên, tiến sĩ Trần Đình Thiên – Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam – cho rằng nhìn bài học của Hàn Quốc đã khuyến khích doanh nghiệp tư nhân phát triển bằng cách tạo cơ hội cho doanh nghiệp.
Chẳng hạn, theo ông Thiên, nếu doanh nghiệp tăng được thị phần xuất khẩu thì nhà nước sẽ tạo điều kiện như tiếp cận tín dụng dễ hơn, cấp giấy phép thuận lợi hơn.. “Thế nên Hàn Quốc mới có Hyundai, Daewoo…”.
Điều tâm đắc của Thủ tướng là gì?
Đối thoại với các đại biểu, trước câu hỏi của tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh về điều tâm đắc nhất trong chỉ đạo, điều hành, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng bên cạnh kết quả tích cực về kinh tế đã đạt nhiều chỉ số tốt về mặt xã hội, nhất là tỉ lệ hộ nghèo giảm xuống, vấn đề bảo vệ môi trường, tỉ lệ che phủ rừng, trồng rừng được quan tâm.
Theo Thủ tướng, điều tâm đắc là năng lực cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam được Diễn đàn Kinh tế thế giới đánh giá tăng 5 bậc trong năm 2017.
Môi trường đầu tư kinh doanh tăng 14 bậc. Chỉ số đổi mới sáng tạo tăng 11 bậc và chỉ số tín nhiệm đối với hệ thống ngân hàng từ mức “ổn định” lên “tích cực”.
Đồng tiền Việt Nam là một trong những đồng tiền ổn định nhất khu vực châu Á. Chỉ số phát triển bền vững ở Việt Nam tăng 20 bậc.