24/11/2024

Thoả thuận Phòng thủ 5 cường quốc có thể kiểm soát căng thẳng khu vực?

Thoả thuận Phòng thủ 5 cường quốc có thể kiểm soát căng thẳng khu vực?

Quan chức các nước thành viên Thoả thuận Phòng thủ 5 cường quốc (FPDA) nhóm họp bên lề Diễn đàn Shangri-La và tin tưởng có thể kiểm soát an ninh khu vực.

 

 

 

Thỏa thuận Phòng thủ 5 cường quốc có thể kiểm soát căng thẳng khu vực? - ảnh 1
Quan chức các nước thành viên FPDA tại buổi điểm tâm làm việc bên lề Diễn đàn Shangri-La vào ngày 11.6  BỘ TRƯỞNG QUỐC PHÒNG MALAYSIA

Giới chức các nước thành viên Thỏa thuận Phòng thủ 5 cường quốc (FPDA) ngày 11.6 cho hay thỏa thuận này là vững chắc, liên quan và trọng yếu trong việc kiểm soát căng thẳng trong khu vực, theo Reuters.

Sau cuộc họp bên lề Diễn đàn Shangri-La, các quan chức phát biểu tại cuộc họp báo rằng mối quan hệ trong nội bộ nhóm là nồng ấm và tập trung vào tương lai dù tình hình địa chính trị ngày càng phức tạp. Các bên đều tái khẳng định cam kết đối với FPDA.

FPDA thành lập vào năm 1971 trong bối cảnh xung đột vũ trang ở khu vực Đông Nam Á, với các bên tham gia thỏa thuận gồm Anh, Malaysia, New Zealand, Singapore và Úc.

Theo thỏa thuận, các nước thành viên phải tham vấn lẫn nhau trong trường hợp Malaysia hay Singapore bị tấn công vũ trang.

Trong một diễn biến khác, phát biểu tại SLD, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nobuo Kishi cho rằng sự hợp tác quân sự giữa Trung Quốc và Nga đã làm gia tăng lo ngại an ninh trong khu vực và Nhật đang ở tuyến đầu trong khi 2 nước láng giềng tìm cách thay đổi những quy tắc quốc tế.

“Nhật bị bao quanh bởi các bên sở hữu hoặc đang phát triển vũ khí hạt nhân và công khai phớt lờ luật lệ”, ông cảnh báo.

Trước đó, Thủ tướng Nhật Fumio Kishida cảnh báo tình trạng đơn phương thay đổi hiện trạng ở biển Hoa Đông. Tờ South China Morning Post sau đó dẫn lời trung tướng Hà Lôi thuộc PLA cáo buộc Nhật mới là bên thay đổi hiện trạng.

Bên lề SLD, Bộ trưởng Quốc phòng Canada Anita Anand cũng chỉ trích Trung Quốc. “Việc Trung Quốc ngăn chặn máy bay của chúng tôi là rất đáng lo ngại và thiếu chuyên nghiệp, và chúng ta cần đảm bảo rằng sự an toàn và an ninh của các phi công không bị đặt vào nguy cơ, đặc biệt khi họ chỉ đơn thuần quan sát như yêu cầu theo các sứ mệnh cấm vận của LHQ”, bà phát biểu.

Tuần trước, Thủ tướng Canada Justin Trudeau cáo buộc Trung Quốc điều máy bay quấy nhiễu máy bay quân sự của Canada đang làm nhiệm vụ tuần tra chống hoạt động lẩn tránh lệnh trừng phạt CHDCND Triều Tiên do LHQ ủy nhiệm.

Sau đó, Bộ Quốc phòng Trung Quốc bác bỏ cáo buộc, đồng thời tố cáo Ottawa mới là bên khiêu khích.

KHÁNH AN

TNO