Thổ Nhĩ Kỳ thay đổi tên gọi quốc tế thành ‘Türkiye’
Thổ Nhĩ Kỳ thay đổi tên gọi quốc tế thành ‘Türkiye’
Ngày 2-6, Thổ Nhĩ Kỳ (Turkey) chính thức đổi tên nước thành Türkiye tại Liên Hiệp Quốc, sau khi cơ quan này chấp nhận yêu cầu đổi tên từ phía chính quyền Ankara.
Theo báo New York Times, đây là nỗ lực lớn nhất của chính quyền Tổng thống Recep Tayyip Erdogan để thế giới gọi tên nước họ theo tiếng Thổ Nhĩ Kỳ.
Türkiye phát âm là tur-kee-yeh. Cái tên này không mới đối với người dân Thổ Nhĩ Kỳ, vì họ đã dùng nó kể từ khi lập quốc năm 1923.
Tuy nhiên, cách viết và đọc theo kiểu “Anh hóa” là “Turkey” của Türkiye cũng phổ biến không kém. Nhiều người dân Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng cách gọi theo tiếng Anh mang ý nghĩa tiêu cực.
Chiến dịch đổi tên nước tại Liên Hiệp Quốc đã được chính quyền ông Erdogan khởi động từ tháng 12-2021.
“Quá trình chúng tôi bắt đầu, dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan, để nâng cao giá trị thương hiệu của đất nước mình đã hoàn thành”, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu thông báo trên Twitter.
Trong lá thư trình lên Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres, ông Cavusoglu viết: “Tôi trịnh trọng thông báo với ngài về việc sử dụng từ ‘Türkiye’ ở nước ngoài và chiến lược xây dựng thương hiệu, Chính phủ Cộng hòa Turkiye sẽ bắt đầu sử dụng ‘Türkiye’ để thay thế cho các từ như ‘Turkey’, “Turkei’ và ‘Turquie’ từng được sử dụng trong quá khứ để nói đến ‘Cộng hòa Turkiye'”.
“Türkiye là sự đại diện và sự thể hiện tốt nhất cho nền văn hóa, nền văn minh và các giá trị của người dân Thổ Nhĩ Kỳ”, ông Erdogan nói khi phát động chiến dịch đổi tên vào cuối năm ngoái.
Phát ngôn viên Liên Hiệp Quốc Stephane Dujarric cho biết Liên Hiệp Quốc đã chấp nhận sự thay đổi này, và quyết định có hiệu lực ngay khi cơ quan này nhận được yêu cầu từ phía Ankara, theo Đài CNN.
“Các quốc gia được tự do lựa chọn cách mà họ muốn được gọi tên”, ông Dujarric nói.
“Đây là một nỗ lực để chứng tỏ với công chúng Thổ Nhĩ Kỳ tại quê nhà và người Thổ Nhĩ Kỳ sống tại Đức và các quốc gia châu Âu khác rằng ông Erdogan có khả năng khẳng định ý chí của ông vượt ra ngoài ranh giới chính trị của đất nước”, giáo sư Mustafa Aksakal, làm việc tại ĐH Georgetown (Mỹ), bình luận.