Dùng nguồn lực từ đất để ‘nuôi’ dự án
Dùng nguồn lực từ đất để ‘nuôi’ dự án
Theo báo cáo của UBND TP Hà Nội, Vành đai 4 Vùng thủ đô dài 112,8 km có vốn đầu tư dự kiến hơn 85.800 tỉ đồng, huy động từ ngân sách T.Ư, địa phương và vốn huy động từ nhà đầu tư (dự án PPP).
Tại phiên họp chuyên đề của HĐND TP.Hà Nội ngày 20.5, HĐND TP đã biểu quyết thông qua phần ngân sách 23.000 tỉ đồng bố trí cho dự án Vành đai 4, tiến độ thực hiện chia 2 giai đoạn từ năm 2022 – 2027. Dự kiến, nguồn ngân sách T.Ư dành cho dự án là 28.200 tỉ đồng, ngân sách địa phương là 28.203 tỉ đồng, trong đó Hà Nội đóng góp phần lớn với hơn 23.000 tỉ đồng, tiếp đến là Hưng Yên hơn 1.500 tỉ đồng và Bắc Ninh hơn 3.100 tỉ đồng.
Hệ thống đường vành đai là mạng lưới xương sống, kỳ vọng “cứu” giao thông TP.HCM N.T |
Tuy nhiên, phần vốn BOT dự kiến huy động từ nhà đầu tư rất lớn, với hơn 29.000 tỉ đồng, được xem là thách thức không nhỏ, nhất là trong bối cảnh nhiều dự án cao tốc lớn đã phải chuyển từ hình thức PPP sang đầu tư công do không huy động được vốn tư nhân. Để thu hút được nhà đầu tư, trong tờ trình Quốc hội về dự án Vành đai 4, Chính phủ kiến nghị dự án được áp dụng nhiều cơ chế đặc thù như chia sẻ phần giảm doanh thu theo điều 82 luật PPP.
Ông Dương Đức Tuấn, Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội, cho rằng Vành đai 4 Vùng thủ đô có khả năng thu hồi vốn khả thi. Theo tính toán của các bộ ngành, tổ công tác Chính phủ, dự án có khả năng thu hồi vốn trong 21 năm. Dù vậy, suất đầu tư của dự án Vành đai 4 cũng đang gây ra nhiều tranh cãi. Theo tính toán, dự án Vành đai 4 có suất đầu tư trung bình 513 tỉ đồng/km, trong khi Vành đai 3 TP.HCM chỉ 442 tỉ đồng/km, dù có cùng quy mô 4 làn cao tốc, lưu lượng phương tiện của Vành đai 4 dự kiến chỉ bằng 0,8 lưu lượng Vành đai 3. Vì thế, Kiểm toán Nhà nước đang yêu cầu cân đối tính toán lại suất đầu tư Vành đai 4.
KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị VN, nguyên Giám đốc Sở QH-KT Hà Nội, cho rằng có rất nhiều bệ đỡ để thu hút vốn cho dự án Vành đai 4 thành công. Ngoài phần ngân sách đã được bố trí, các cơ chế thu hút vốn tư nhân qua hình thức PPP cũng khả thi. Đặc biệt, đoạn qua Hà Nội sẽ hình thành một loạt khu đô thị mới cấp vùng, cấp quốc gia với hơn 6.000 ha, đây sẽ là khu nội đô mở rộng phía tây Hà Nội. Ngoài ra các tỉnh như Hưng Yên hay Bắc Ninh sẽ hình thành các trung tâm logistics lớn.
“Đây đều là nguồn lực thặng dư từ đất đai, cơ hội thu hút nhà đầu tư rất lớn, vấn đề phải làm thế nào để đồng bộ, song hành các dự án, tạo ra các nguồn lực”, ông Nghiêm đề xuất.
Với Vành đai 3, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cũng nhìn nhận khó nhất hiện nay vẫn là vấn đề giải phóng mặt bằng (GPMB). Giai đoạn 1, dự án GPMB hơn 640 ha đất, với gần 3.900 hộ dân bị ảnh hưởng. Tổng kinh phí đền bù, GPMB làm dự án khoảng 41.600 tỉ đồng. Trong đó, TP.HCM có kinh phí lớn nhất với hơn 25.600 tỉ đồng. Đồng thời hoàn thành kế hoạch GPMB trên địa bàn TP.
Trước đó, khi TP HCM được giao chủ trì nghiên cứu Vành đai 3 đã tính toán có khoảng 514 ha đất nằm dọc tuyến do nhà nước quản lý sau khi rà soát. Khi chưa có hạ tầng kỹ thuật trên đất, các khu này dự kiến đấu giá mang về gần 30.000 tỉ đồng. Ngoài ra, dọc tuyến qua địa bàn TP còn có gần 1.900 ha người dân sử dụng, dự tính thu hồi để đấu giá.
Theo ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (TCIP), báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án, TP.HCM đã chỉ đạo Sở Tài nguyên – Môi trường phối hợp với các địa phương nơi dự án đi qua khảo sát, tính toán sơ bộ đơn giá các khu đất dọc theo dự án tối thiểu dự kiến 15 triệu đồng/m2. Đơn giá này, chưa bao gồm chi phí đầu tư hạ tầng kỹ thuật – xã hội.
“Sau khi dự án được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư, quá trình triển khai dự án cùng với đầu tư các tuyến đường kết nối với các khu đất dọc theo dự án, lợi thế tiềm năng sẽ tăng lên và qua quá trình đấu giá, giá trị các khu đất này sẽ tăng lên. Đối với giá đền bù đất dân cư trong công tác GPMB là 26 triệu đồng/m2”, ông Phúc thông tin.
MAI HÀ – HÀ MAI
TNO