Bắt đầu ‘cuộc đua nghẹt thở’ vào lớp 10
Bắt đầu ‘cuộc đua nghẹt thở’ vào lớp 10
Từ nay đến cuối tháng 6, học sinh và cả các bậc cha mẹ ở Hà Nội bước vào cuộc đua “nghẹt thở” để vào lớp 10 THPT cả chuyên và không chuyên.
Dồn dập lịch thi khi thí sinh “thử sức” vào nhiều trường
Ngày 29.5, 1.083 thí sinh tham gia 4 bài thi viết của Trường THPT Chuyên Khoa học xã hội và nhân văn để giành 180 suất vào các lớp chuyên và lớp chất lượng cao. Đây là trường chuyên đầu tiên ở Hà Nội tổ chức thi tuyển trong năm nay.
Cả học sinh lẫn phụ huynh bắt đầu cuộc đua “nghẹt thở” vào lớp 10 THPT ĐẬU TIẾN ĐẠT |
Theo lịch đã công bố, trong 8 ngày, 4 trường THPT chuyên trực thuộc đại học đóng trên địa bàn Hà Nội sẽ tổ chức kỳ thi tuyển sinh lớp 10, gồm: THPT Chuyên Khoa học xã hội và nhân văn, Chuyên Ngoại ngữ, Chuyên Khoa học tự nhiên (thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội) và THPT Chuyên Đại học Sư phạm Hà Nội.
Cả 4 trường đều tổ chức kỳ thi tuyển sinh lớp 10 riêng với lịch thi sát nhau.
Năm nay, kỳ thi của Trường THPT Chuyên Khoa học xã hội và nhân văn diễn ra đầu tiên, vào 29.5. Từ 1 – 6.6, cả 3 trường còn lại sẽ đồng loạt tổ chức thi. Hàng năm, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 của các trường THPT chuyên tại Hà Nội thu hút hàng nghìn thí sinh dự thi. Trong đó, nhiều thí sinh đăng ký vào 2 – 4 trường để tăng khả năng trúng tuyển, tạo ra “tỷ lệ chọi” ở từng trường luôn ở mức cao, thường khoảng 1 chọi 8 trở lên. Mỗi nhà trường lại có một cách ra đề khác nhau trong khi lịch thi dồn dập, tạo ra thử thách rất lớn với các “sĩ tử” mới 14 – 15 tuổi.
Năm ngoái, “tỷ lệ chọi” vào lớp chuyên tiếng Anh của Trường THPT Chuyên Đại học Sư phạm Hà Nội lên tới 1 chọi 30. Năm nay, tổng chỉ tiêu vào 4 trường THPT chuyên trực thuộc ĐH là hơn 1.500 (tính cả chỉ tiêu hệ chất lượng cao ở một số trường).
Với hệ chuyên ở các trường thuộc Sở GD-ĐT Hà Nội, tổng chỉ tiêu là 1.750. Năm nay, “tỷ lệ chọi” vào lớp 10 của Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ dao động từ 1/7,8 – 1/15,2, trong đó lớp chuyên tiếng Pháp cao nhất.
Có con dự thi chuyên tiếng Anh của Trường THPT Chuyên Đại học Sư phạm Hà Nội cùng Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ, chị N.Linh ở P.Văn Phú, Q.Hà Đông, nói tuần tới cả gia đình cùng tham gia cuộc đua khốc liệt nhất. Con đi thi, bố mẹ cũng như “ngồi trên đống lửa” và phải thay nhau xin nghỉ phép để đưa đón, chăm sóc con đi thi.
Chị Linh chia sẻ con đang học ở một trường THCS tư thục danh tiếng. Tuy môi trường học tập tốt, nhiều hoạt động ngoại khóa, nhưng quan điểm của chị là lên cấp THPT sẽ phải học theo kiểu “khổ luyện” để vào ĐH top đầu hoặc có học bổng đi du học. Do vậy, đỗ chuyên là nguyện vọng của con và cả gia đình bởi trường chuyên không chỉ tạo ra môi trường học tập tốt mà còn là nơi rèn luyện các kỹ năng lý tưởng với chi phí phù hợp hơn so với trường tư thục. Quan trọng hơn là trường chuyên có lợi thế đặc biệt khi xét tuyển thẳng vào ĐH hoặc du học.
Khốc liệt giành suất vào trường công
Mùa tuyển sinh năm học 2022 – 2023 sẽ có khoảng gần 40% học sinh Hà Nội không có cơ hội vào học lớp 10 THPT công lập. Đây là áp lực rất lớn đối với phụ huynh, học sinh, khi chỉ còn một thời gian ngắn sẽ diễn ra kỳ thi quan trọng này.
Cụ thể, theo Sở GD-ĐT Hà Nội, năm học 2021 – 2022, toàn thành phố có khoảng 129.000 học sinh xét tốt nghiệp THCS, tăng khoảng 19.000 học sinh so với năm học 2020 – 2021.
Dự kiến, các trường THPT tuyển vào lớp 10 khoảng 104.000 học sinh. Tuy nhiên, chỉ tiêu vào trường công lập chỉ có khoảng 77.000 học sinh, số còn lại vào trường tư thục. So với năm 2020 – 2021, chỉ tiêu vào lớp 10 trường công lập năm 2022 – 2023 đã tăng thêm 10.000 học sinh. Dù vậy, sẽ vẫn có khoảng 27.000 học sinh trượt trường công lập. Điều này khiến không ít phụ huynh lo lắng đến mất ăn mất ngủ.
Chị Q.H, một phụ huynh chỉ đăng ký cho con vào 2 trường THPT có điểm chuẩn rất “khiêm tốn” các năm trước nhưng không vì thế mà bớt lo lắng, hồi hộp. “Con có học lực chưa tốt lại cộng thêm ảnh hưởng 3 năm liền việc học gián đoạn bởi dịch bệnh nên kết quả càng bấp bênh. Kinh tế của tôi lại không cho phép chọn trường tư thục tốt nên gia đình vô cùng căng thẳng trước kỳ thi này”, chị Q.H tâm sự.
Chị Q.H cũng cho biết, vài tháng qua chị đã cố gắng dành thời gian tối đa cho con, thậm chí còn đón cả ông ngoại ở quê lên ở vài tháng để nhắc nhở, động viên cháu về việc học hành trong lúc bố mẹ đi làm.
Chị K.Trinh, đăng ký cho con nguyện vọng 1 trong những trường top đầu của Hà Nội là THPT Thăng Long, thì lại chia sẻ nỗi lo khác. Theo chị Trinh, nếu nhìn vào “tỷ lệ chọi” của trường này hàng năm thì tưởng như sẽ không quá lo nhưng “tỷ lệ chọi” thấp cũng rất khốc liệt vì chỉ những học sinh thực sự xuất sắc, tự tin vào kết quả học tập toàn diện ở cả 3 môn thi mới dám đăng ký dự thi vào.
“Đó là cuộc đua của những học sinh giỏi nhất nên khốc liệt không nằm ở số đông”, chị Trinh nói.
Mới đây, tại một buổi tọa đàm để kết nối và sẻ chia giữa bố mẹ, thầy cô và các con do Phòng GD-ĐT Q.Hoàn Kiếm tổ chức, một phụ huynh con đang học lớp 9 đã nghẹn ngào bày tỏ lo lắng con mình sẽ bị trầm cảm khi phải chịu áp lực về học hành khi đối diện với kỳ thi căng thẳng vào lớp 10.
Bà Phạm Thu Hà, Hiệu trưởng Trường THCS Ngô Sỹ Liên, cho rằng với việc thi vào lớp 10, bố mẹ kỳ vọng con vào trường tốp đầu là mong muốn chính đáng nhưng để giảm áp lực cho các con và chính bản thân thì bố mẹ cần cùng con đặt ra nhiều phương án khác nhau thay vì chỉ có một lựa chọn khiến các con căng thẳng.
“Ví dụ, nếu không đỗ trường A thì con sẽ vào trường B, không đỗ cả trường B thì sẽ có trường C cho con học…”, bà Hà nêu ví dụ.
Với kinh nghiệm nhiều năm giảng dạy, cô Hoàng Tuệ Minh, giáo viên ngữ văn, Trường THCS Giảng Võ (Q.Ba Đình), chia sẻ cô thấu hiểu những nỗi lo lắng của các bậc phụ huynh trước kỳ thi chuyển cấp quan trọng. Bố mẹ nào cũng kỳ vọng, mong muốn con đạt thành tích cao nhất, đặc biệt là các con chuyển cấp. Kỳ vọng này là chính đáng và là điều dễ hiểu, nhưng đôi khi lại gây nên những áp lực tâm lý đối với lứa tuổi học sinh.
“Cha mẹ cần thay đổi cách nghĩ, nhìn nhận đúng năng lực của con để đặt ra các mục tiêu phù hợp, không quá căng thẳng, áp lực với các con. Mỗi kỳ thi đã trải qua, ở một khía cạnh nào đó, các con cũng đã có sự cố gắng, nỗ lực và thành công nhất định. Vì thế, chúng ta hãy luôn nhìn nhận dựa trên sự tiến bộ của các con để đánh giá, khích lệ và động viên. Khi đó, chắc chắn các con sẽ có tâm lý tốt cho kỳ thi sắp tới”.
Cô Hoàng Tuệ Minh (giáo viên ngữ văn, Trường THCS Giảng Võ, Q.Ba Đình, Hà Nội).
TUỆ NGUYỄN
TNO