Chiến lược “dặm vá” kiến thức chuẩn bị thi cuối cấp
Chiến lược “dặm vá” kiến thức chuẩn bị thi cuối cấp
Học sinh cuối cấp đang trong giai đoạn nước rút ôn tập thi tuyển sinh lớp 10 và tốt nghiệp THPT xét tuyển ĐH. Do cả học kỳ 1 phải dạy học trực tuyến nên các trường lên kế hoạch cụ thể củng cố kiến thức cho học sinh.
Kế hoạch ôn thi tốt nghiệp hiệu quả
Sau khi hoàn tất việc đăng ký thi tốt nghiệp THPT và thông qua kết quả bài kiểm tra học kỳ 2, các trường THPT đã bước vào giai đoạn ôn thi nước rút cho học sinh (HS) cuối cấp.
Bà Lê Hồng Anh, Hiệu phó Trường THPT Võ Văn Kiệt (Q.8, TP.HCM), cho biết đã tổ chức họp phụ huynh HS lớp 12 để trao đổi, triển khai kế hoạch ôn thi. Căn cứ vào nhu cầu của HS, phụ huynh, nhà trường tổ chức lớp ôn tập và củng cố kiến thức sao cho tránh trường hợp HS tự ôn hoặc ở nhà dẫn đến chểnh mảng.
|
Học sinh lớp 9 tại TP.HCM trong những ngày ôn nước rút chuẩn bị kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 diễn ra trong tháng 6 ĐÀO NGỌC THẠCH |
Cũng theo Hiệu phó Trường THPT Võ Văn Kiệt, từ thời điểm này đến cuối tháng 6, giáo viên 9 môn thi sẽ hệ thống củng cố kiến thức tổng quát, cốt lõi nhất. Đồng thời dành khoảng thời gian nhất định để hướng dẫn HS phương pháp, kỹ năng làm bài thi từng môn.
Cũng nhằm chuẩn bị kiến thức cho HS một cách tốt nhất trước khi bước vào kỳ thi trong thời gian hơn một tháng còn lại, ông Lương Văn Định, Hiệu trưởng Trường THPT Võ Trường Toản (Q.12), cho biết nhà trường đã có kế hoạch cụ thể. Trước hết phải “dặm vá” lại những lỗ hổng kiến thức HS gặp phải trong học kỳ 1 học trực tuyến. Sau đó, giáo viên phải tổ chức ôn tập, hệ thống kiến thức theo chuyên đề một cách trọng tâm, cốt lõi. Tuy nhiên, ông Định nói thêm, mục đích tốt nghiệp chỉ là điều kiện cần nên HS còn phải cần thời gian nâng cao kiến thức để tham gia xét tuyển vào các trường ĐH như mong muốn, đặc biệt những trường thuộc tốp đầu.
Còn tại Trường THPT Trường Chinh (Q.12), HS đã chính thức bước vào tháng ôn thi nước rút. Hiệu trưởng nhà trường cho hay, hầu hết HS lớp 12 đều đăng ký học ôn tại trường, mỗi lớp chỉ có khoảng một vài HS không tham gia, chủ yếu là HS có học lực giỏi, có khả năng tự học và học nâng cao để thi lấy điểm xét tuyển vào các trường tốp đầu.
Với HS đăng ký ôn thi tại trường, ông Nguyễn Minh Hoàng, Hiệu trưởng Trường THPT Trường Chinh, cho biết HS sẽ học tổng số 25 tiết từ thứ hai đến thứ sáu, trong đó có một tiết dành cho giáo viên chủ nhiệm sinh hoạt, trò chuyện với HS. HS chỉ học tại trường một buổi, thời gian còn lại trong ngày các em dành để tự học, giải trí, vui chơi thể thao… Việc tổ chức, sắp xếp thời gian cần khoa học, phù hợp, tránh việc ép HS đến trường, áp lực quá sẽ không hiệu quả.
Kỹ năng làm bài lớp 10
Còn với HS lớp 9, chỉ còn khoảng hơn 10 ngày nữa sẽ diễn ra kỳ thi tuyển sinh lớp 10 ở TP.HCM nên hầu hết giáo viên đều tập trung vào rèn kỹ năng làm bài, cách tiếp cận và giải quyết các yêu cầu của đề thi sao cho nhuần nhuyễn nhất.
Để HS không gặp khó với môn ngữ văn, thạc sĩ Trần Tiến Thành, chuyên viên phụ trách môn văn của Sở GD-ĐT hướng dẫn HS kỹ năng làm bài trước khi bước vào kỳ thi cụ thể theo cấu trúc đề thi. Trước hết, khi làm các câu hỏi đọc hiểu, theo thạc sĩ Thành, HS cần đọc toàn bộ văn bản để nắm nội dung. Trả lời ngắn gọn, rõ ràng theo đúng yêu cầu của đề, tránh lan man, dài dòng không cần thiết. Ở câu nghị luận xã hội, cần đảm bảo cấu trúc đủ 3 phần mở bài, thân bài, kết bài. Vận dụng phối hợp các thao tác lập luận vào bài làm, nhất là các thao tác giải thích, chứng minh, bình luận. Khi bàn luận, cần rút ra bài học về nhận thức và hành động cho chính bản thân mình.
Còn với câu nghị luận văn học, thầy Thành “bật mí” tinh thần của đề là “mở” tạo cơ hội cho thí sinh tự do trình bày cảm nhận về tác phẩm văn học. Lưu ý thí sinh trước khi tham dự kỳ thi trong khoảng thời gian này, chuyên viên Trần Tiến Thành nhấn mạnh: “Khi làm bài, các em cần phân bố thời gian hợp lý cho các phần, các câu. Cần phải tập trung đọc kỹ đề vì nếu không sẽ dẫn đến trả lời không đúng trọng tâm hoặc trả lời dài dòng, thừa ý. Trong tất cả các môn thi, cần lưu tâm đến yếu tố trình bày bài làm, tránh viết chữ cẩu thả, khó đọc. Mặt khác, không nên suy nghĩ đề thi tuyển sinh là phải khó, phải có nhiều ẩn ý dẫn đến tâm trạng lo lắng, căng thẳng, áp lực, ảnh hưởng đến bài làm”.
Với môn toán, giáo viên Đặng Hữu Trí, tổ trưởng tổ toán Trường THCS Nguyễn Du (Q.1), lưu ý khi làm bài thí sinh thường mắc lỗi làm tròn số, đổi đơn vị và tư duy hình chưa tốt. Do chỉ quen làm dạng bài hình học quen thuộc nên gặp dạng lạ, HS thường lúng túng khi xử lý hình, làm bài và trình bày bài. Từ đó thầy Trí hướng dẫn HS dành 5 phút để đọc kỹ đề, đánh dấu những câu hỏi cơ bản, dễ làm trước và sau đó giải quyết câu hỏi có mức độ khó dần lên.
Còn với môn tiếng Anh, cô Nguyễn Bích Chi, Trường THCS Vân Đồn (Q.4), nhắc nhở trong đề thi môn tiếng Anh có đặc trưng HS làm bài phải viết vào “PHẦN TRẢ LỜI” in ngay trên đề thi. Với mỗi câu được 0,25 điểm, lỗi lớn lỗi nhỏ gì cũng sẽ mất điểm do vậy HS phải hết sức cẩn trọng chú ý lỗi chính tả, dấu câu khi viết. Trong phần đọc hiểu trả lời đúng, sai, thí sinh phải ghi trọn vẹn TRUE hoặc FALSE không được viết tắt T và F, không sử dụng viết màu mực lạ hoặc bút chì. Không viết lập lờ các con chữ A, B, C và D trong phần trắc nghiệm và tuyệt đối không làm 2 đáp án trong một câu hỏi.
BÍCH THANH
TNO