27/11/2024

Khủng hoảng lương thực nhìn từ Biển Đen

Khủng hoảng lương thực nhìn từ Biển Đen

Ukraine – một trong những nhà xuất khẩu lúa mạch, bắp ngô và dầu hạt hướng dương lớn nhất thế giới – không thể xuất khẩu lương thực qua ngả Biển Đen vì xung đột với Nga.

 

 

Khủng hoảng lương thực nhìn từ Biển Đen - Ảnh 1.

Con đường xuất khẩu nông sản Ukraine từ Biển Đen nguồn: Bộ nông nghiệp Mỹ, Al Jazeera – Dữ liệu: B.ANH – Đồ họa: T.ĐẠT

Tình hình tắc nghẽn tại Biển Đen đang đe dọa nghiêm trọng nguồn cung thực phẩm của thế giới.

Liên Hiệp Quốc và phương Tây đang thúc đẩy đối thoại với Nga để tìm “lối thoát” cho cuộc khủng hoảng lương thực hiện nay vốn đang gây ảnh hưởng tiêu cực trên khắp thế giới, đặc biệt là nước nghèo.

 

Vấn đề cấp thiết

Trước khi cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu nóng lên, hồi tháng 4 năm nay, Thủ tướng Ý Mario Draghi từng chia sẻ với nhật báo Il Corriere della Sera (Ý): “Những người khác đúng khi họ cho rằng nói chuyện với ông ấy (Tổng thống Putin) chẳng có ích gì, chỉ phí thời gian”.

Đó không phải tuyên bố được đưa ra chỉ sau vài giờ trao đổi căng thẳng. Theo báo Financial Times, quan điểm của Thủ tướng Ý trong xung đột giữa Nga và Ukraine là “một trong những thay đổi chính sách đối ngoại lớn nhất ở châu Âu trong nhiều năm” và đi ngược lại sự thân thiện mà Ý dành cho Nga trước đây.

Ngày 26-5, Thủ tướng Draghi đã chủ động điện đàm với Tổng thống Putin để tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng lương thực hiện nay. Việc ông Draghi tiếp tục đối thoại với ông Putin chứng tỏ rằng việc tìm giải pháp cho an ninh lương thực đang rất cấp thiết.

Theo tạp chí Forbes, hơn 44 triệu người tại 38 quốc gia trên thế giới đang đối mặt với cuộc khủng hoảng lương thực. Một phần vấn đề hiện nay xuất phát từ việc các lô hàng ngũ cốc của Ukraine không thể xuất khẩu, bởi Nga đã đóng cửa các cảng biển của nước này tại Biển Đen.

Nga gần đây đã đề nghị thành lập các “hành lang an toàn” cho việc xuất khẩu ngũ cốc và thực phẩm thiết yếu từ các cảng của Ukraine.

Theo thông cáo của Matxcơva, tại cuộc đối thoại với Thủ tướng Draghi ngày 26-5, Tổng thống Putin nhấn mạnh Nga sẵn sàng giúp thế giới “vượt qua cuộc khủng hoảng lương thực thông qua xuất khẩu ngũ cốc và phân bón, với điều kiện các rào cản chính trị của phương Tây (dành cho Nga) phải được tháo bỏ”.

Tuy nhiên, ông Putin không nói rõ sẽ hỗ trợ bằng hàng hóa của Nga hay tạo “hành lang an toàn” để Ukraine tiếp tục xuất khẩu hàng của mình.

Giới chuyên gia đánh giá Mỹ và đồng minh khó lòng đồng ý xóa bỏ lệnh trừng phạt mà Nga đang phải hứng chịu kể từ khi nước này bắt đầu “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine.

Trong khi cả Ukraine và Anh đều phản đối lời đề nghị từ Nga, Nhà Trắng khẳng định chưa có cuộc đối thoại nào diễn ra xung quanh việc nới lỏng trừng phạt cho Nga để đổi lấy xuất khẩu ngũ cốc.

Giữa tình thế căng thẳng này, Thủ tướng Ý cho rằng ông có nghĩa vụ chủ động đối thoại với nhà lãnh đạo của Nga. “Tôi cảm thấy đây là nghĩa vụ mình phải làm, vì gánh nặng của cuộc khủng hoảng nhân đạo này có thể ảnh hưởng đến những nước nghèo nhất thế giới”, ông Draghi nói.

Phát biểu trong cuộc họp báo chiều 26-5, ông Draghi cho hay bản thân quan tâm đến “vấn đề nhỏ và cụ thể hơn”, đó là việc giải phóng lượng ngũ cốc của Ukraine đang mắc kẹt tại Biển Đen.

 

Tâm điểm Biển Đen

Theo báo cáo do Tổ chức Oxfam công bố trong tháng này, cứ 48 giây khu vực Đông Phi lại có 1 người có nguy cơ chết vì nạn đói kéo dài.

Chương trình Lương thực thế giới (WFP) của Liên Hiệp Quốc cảnh báo nếu các nhà cung ứng lúa mì trọng yếu tiếp tục đối mặt với tình trạng cảng biển đóng cửa thì giá cả sẽ còn tăng cao hơn nữa, làm “trầm trọng hóa nạn đói đối với những công dân dễ tổn thương nhất trên khắp thế giới”.

Theo Hãng tin Bloomberg, Estonia và Lithuania đang thúc đẩy một cơ chế hộ tống các tàu chở lương thực vượt qua Biển Đen bằng tàu chiến của các nước đồng minh nhằm giúp khai thông dòng xuất khẩu của Ukraine. Song điều này vẫn đòi hỏi toàn bộ mìn tại các cảng được dọn sạch và Nga phải đồng ý đảm bảo an toàn.

Trong khi đó, các silo và các tàu chất đầy ngũ cốc tại cảng Odessa chỉ chờ để có thể ra khơi. “Odessa phải được mở lại và chúng tôi cần có một thỏa thuận để mở lại cảng này. Cần thảo luận về giải pháp ngoại giao này”, ông Pierre Vauthier, người chịu trách nhiệm về Ukraine tại Tổ chức Nông Lương của Liên Hiệp Quốc, cho biết.

Theo Hãng tin Reuters, không có đường ra biển, Ukraine đang tập trung vào các tuyến đường thay thế để đạt mục tiêu 2 triệu tấn xuất khẩu mỗi tháng. Ukraine kỳ vọng có thể vận chuyển 700.000 – 750.000 tấn từ hai cảng nhỏ trên sông Danube đến Romania mỗi tháng, từ đó sẽ vận chuyển đến Bắc Phi và châu Á. Phần còn lại sẽ đi bằng đường bộ và đường sắt đến châu Âu. Song kế hoạch này diễn ra rất chậm.

Trong 22 ngày đầu tháng 5, chỉ có 28.000 tấn ngũ cốc được xuất khẩu bằng đường bộ từ Ukraine, trong khi đường sắt vẫn là phương án phức tạp và tốn kém.

Các chuyến tàu của Ukraine sẽ phải dừng lại ở biên giới vì khổ đường sắt từ thời Liên Xô rộng hơn 9cm so với đường ray ở các nước láng giềng châu Âu. Sau đó, việc phải chuyển ngũ cốc sang các tàu khác cũng tốn kém cả thời gian và giới hạn cả khối lượng có thể vận chuyển.

 

Nga cam kết mở hành lang an toàn

Ngày 25-5, Bộ Quốc phòng Nga hứa hẹn sẽ mở “hành lang an toàn” cho tàu thuyền nước ngoài rời khỏi các cảng ở Biển Đen. Một “hành lang an toàn” khác sẽ được mở cho tàu thuyền rời khỏi cảng Mariupol, bằng cách đi từ cảng nước nông thuộc Biển Azov đến Biển Đen.

Cụ thể, ông Mikhail Mizintsev, giám đốc Trung tâm Quản lý quốc phòng Nga, cho biết 70 tàu thuộc 16 quốc gia khác đang neo tại 6 cảng trên Biển Đen, trong đó có các cảng Odessa, Kherson và Mykolaiv.

Theo Hãng tin Interfax, ông Mizintsev khẳng định những hành lang an toàn này sẽ được duy trì hằng ngày.

NGUYÊN HẠNH
TTO