23/11/2024

Điện mặt trời ‘kêu cứu’, vì sao?

Điện mặt trời ‘kêu cứu’, vì sao?

Dù điện mặt trời là loại năng lượng tái tạo được khuyến khích đầu tư, nhưng rất nhiều doanh nghiệp đang ‘khóc đứng khóc ngồi’ vì bị Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đột ngột ngừng thanh toán.

 

Điện mặt trời kêu cứu, vì sao? - Ảnh 1.

Các dự án điện mặt trời lắp đặt trên mái nhà xưởng tại các tỉnh thành phía Nam phát triển mạnh trong năm 2020, 2021 – Ảnh: NGỌC HIỂN

Thời gian gần đây, hàng loạt doanh nghiệp là nhà đầu tư điện mặt trời (ĐMT) áp mái tại Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu… tiếp tục gửi đơn kêu cứu tới Bộ Công thương, chính quyền và cơ quan chức năng các địa phương đề nghị tháo gỡ khó khăn cho các dự án, do điện lực ngưng thanh toán. Ngành điện còn “dọa” sẽ cắt hợp đồng, “dừng mua điện”, bất chấp việc các nhà đầu tư đã bỏ ra hàng ngàn tỉ đồng để đầu tư theo khuyến khích của Chính phủ.

 

Vẫn lấy điện nhưng không trả tiền

Ông L.D.H., giám đốc một doanh nghiệp đầu tư ĐMT tại Cụm công nghiệp Phú Chánh (thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương), cho biết mấy tháng nay, mỗi lần tới hạn trả nợ ngân hàng là doanh nghiệp này lại “nghẹt thở” vì không biết lấy đâu ra tiền để trả. Doanh nghiệp này đã đầu tư hệ thống điện áp mái trên nhà xưởng rộng khoảng 7ha với tổng kinh phí gần 100 tỉ đồng, trong đó phần lớn là vay ngân hàng.

Hệ thống ĐMT đã được đầu tư hoàn thành vào cuối năm 2020 và bắt đầu bán cho Tổng công ty Điện lực miền Nam (ủy quyền cho điện lực các địa phương ký hợp đồng) từ đầu năm 2021. Theo ông H., khi được điện lực thanh toán trên 2 tỉ đồng mỗi tháng trước đây, doanh nghiệp này dành khoảng 1,8 tỉ đồng để trả ngân hàng. Phần còn lại dùng để trả lương cho nhân viên, chi phí vận hành…

“Trong những năm đầu, hầu hết số tiền thu được từ việc bán điện cho EVN chỉ đủ trả ngân hàng, nhà đầu tư kỳ vọng có thể thu lời từ những năm tiếp theo. Thế nhưng, từ tháng 3-2022 đến nay, chúng tôi không còn được bên điện lực thanh toán, dù điện họ vẫn đang lấy và bán lại cho người tiêu dùng. Với hàng tỉ đồng bị “ngâm”, doanh nghiệp chỉ gượng được 1 – 2 tháng đầu, còn tới nay thì chúng tôi đã kiệt sức”, ông H. cho biết.

Theo báo cáo của Công ty Điện lực Bình Dương gửi UBND tỉnh, đơn vị này đã tạm dừng thanh toán với gần 2.600 hệ thống ĐMT mái nhà, trong đó có trên 800 hệ thống chưa bổ sung được hồ sơ theo hướng dẫn của Sở Xây dựng (chủ yếu là hệ thống ĐMT tại các nhà xưởng). Tại Đồng Nai, cũng có khoảng 800 trường hợp là doanh nghiệp đầu tư điện áp mái tại nhà xưởng trong khu, cụm công nghiệp gặp vướng mắc…

Tương tự, ông Nguyễn Nhật Minh, giám đốc Công ty CP Máy tính Sài Gòn, cho biết tháng 12-2020, doanh nghiệp này đã ký hợp đồng bán ĐMT mái nhà với đại diện Tổng công ty Điện lực miền Nam (ủy quyền cho lãnh đạo Công ty Điện lực Bà Rịa – Vũng Tàu). Nhưng từ tháng 4-2022, phía điện lực thông báo tạm ngưng trả tiền điện từ tháng 3-2022 và từ tháng này tạm ngưng cung cấp chỉ số điện.

Theo ông Minh, phía điện lực đã yêu cầu phải cung cấp hồ sơ về phòng cháy chữa cháy, xây dựng và môi trường. Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, không chỉ các doanh nghiệp tại Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu…, mà hầu hết các nhà đầu tư ĐMT áp mái tại các tỉnh phía Nam đều đang bị tạm ngừng thanh toán do điện lực các địa phương thực hiện theo chỉ đạo của EVN và Tổng công ty Điện lực miền Nam.

Điện mặt trời kêu cứu, vì sao? - Ảnh 2.

Các kỹ sư vận hành một hệ thống điện năng lượng mặt trời trên mái nhà xưởng tại thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương – Ảnh: B.S.

“Cài bẫy” nhà đầu tư?

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trần Thanh Hải, phó giám đốc Điện lực Bà Rịa – Vũng Tàu, cho biết việc ra thông báo nói trên là thực hiện theo sự chỉ đạo của Tổng công ty Điện lực miền Nam. Thời gian qua có nhiều nhà đầu tư bị tạm ngưng trả tiền như trường hợp của Công ty CP Máy tính Sài Gòn. Ngành điện yêu cầu các chủ đầu tư ĐMT áp mái bổ sung các hồ sơ chuyên môn theo quy định. Khi các nhà đầu tư bổ sung đủ hay có ý kiến chỉ đạo của cấp có thẩm quyền, điện lực sẽ trả tiền.

Ông Nguyễn Nhật Minh cho biết doanh nghiệp này đầu tư hệ thống ĐMT áp mái trên các công trình nhà xưởng, kho bãi có sẵn của một doanh nghiệp dầu khí. Do đó, dự án thuộc diện không phải đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường và được miễn đăng ký môi trường. “Phía điện lực áp dụng trường hợp của chúng tôi như những trường hợp đầu tư khác là không hợp lý. Trong khi đó, chúng tôi hỏi về thủ tục thì chỉ được trả lời chung chung, không có hướng dẫn cụ thể để đáp ứng”, ông Minh bức xúc.

Trong báo cáo gửi UBND tỉnh, ông Lê Minh Quốc Việt, giám đốc Công ty Điện lực Bình Dương, cho biết cơ quan này nhận thấy các kiến nghị của nhà đầu tư về việc hệ thống ĐMT mái nhà thuộc đối tượng miễn giấy phép xây dựng là phù hợp. Tuy nhiên, Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương lại cho rằng hệ thống ĐMT mái nhà phải được cấp phép trước khi lắp đặt. Nếu đã thi công mà chưa có giấy phép, sẽ bị xử phạt.

Một doanh nghiệp cho rằng nếu áp dụng quy định của sở xây dựng, hầu hết các hệ thống ĐMT áp mái được đầu tư theo quyết định 13 năm 2020 của Thủ tướng “đều vi phạm pháp luật do không xin phép xây dựng”. “Trong quá trình đầu tư hệ thống ĐMT áp mái, chúng tôi đều liên hệ với công ty điện lực nhưng không nhận được bất cứu một yêu cầu hay cảnh báo nào của ngành điện lực hay cơ quan quản lý về việc phải có các hồ sơ nêu trên. Trên thực tế, điện lực cũng đã chấp thuận mua điện hơn một năm”, một doanh nghiệp nói.

Điện mặt trời kêu cứu, vì sao? - Ảnh 3.

Một dự án điện mặt trời áp mái nhà tại Vũng Tàu – Ảnh: ĐÔNG HÀ

“Chờ được vạ, má đã sưng”

Theo các công ty điện lực, việc tạm ngưng thanh toán tiền là để yêu cầu nhà đầu tư phải cung cấp hồ sơ an toàn công trình xây dựng và hồ sơ thẩm duyệt phòng cháy chữa cháy. Tuy nhiên, yêu cầu đột ngột này của EVN đang gây khó cho các nhà đầu tư năng lượng ĐMT. Nhiều nhà đầu tư cho biết hệ thống ĐMT mái nhà đã được đầu tư xây dựng hoàn thành trước 31-12-2020 và đã ký hợp đồng bán điện cho EVN từ đó tới nay. Thế nhưng, tới đầu năm 2022, EVN mới đột ngột yêu cầu các nhà đầu tư phải cung cấp hồ sơ mới được tiếp tục thanh toán tiền điện.

Để đáp ứng yêu cầu của EVN khi hệ thống điện đã hình thành, nhiều nhà đầu tư đã liên hệ với các cơ quan có thẩm quyền như sở xây dựng, ban quản lý các khu công nghiệp, phòng quản lý đô thị cấp huyện nhưng cũng không thể xin được giấy phép do không có quy định cấp phép cho hệ thống điện đã hoàn thành. Mặt khác, nhà đầu tư cho rằng các quy định, cách hiểu về hệ thống ĐMT mái nhà có phải công trình xây dựng hay không còn chưa rõ ràng, có cách hiểu khác nhau…

Ông Trần Thanh Hải cho biết nếu các sở, ngành chức năng có văn bản trả lời, hướng dẫn cho ngành điện biết để áp dụng cho từng loại hình ĐMT mái nhà, đơn vị này sẽ phân loại ra để yêu cầu. Nhưng hiện tại chưa có hướng dẫn nên phía điện lực phải yêu cầu chung cho các dự án ĐMT mái nhà. “Khi có hướng dẫn, trả lời của ngành chức năng, ngành điện sẽ triển khai ngay để trả tiền hay tiếp tục yêu cầu bổ sung hồ sơ”, ông Hải cho biết.

“Cơ quan chức năng cần tháo gỡ các vướng mắc, chồng chéo trong quy định về cấp phép xây dựng đối với hệ thống ĐMT mái nhà và kiến nghị EVN tiếp tục thực hiện việc mua điện và thanh toán tiền điện cho chúng tôi trong khi các vướng mắc nêu trên chờ được cơ quan có thẩm quyền giải quyết”, một nhà đầu tư đề nghị.

 

Chủ đầu tư phải hoàn thiện giấy tờ chuyên ngành

thay giup11 4(Read-Only)

Một dự án điện mặt trời áp mái tại tỉnh Bình Dương – Ảnh: B.S.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Võ Quang Lâm, phó tổng giám đốc EVN, cho hay những chủ đầu tư chưa đáp ứng đầy đủ các thủ tục liên quan chỉ chiếm tỉ lệ nhỏ trên tổng số hàng chục nghìn dự án đang vận hành. Do đó, EVN đã có chỉ đạo các đơn vị điện lực địa phương làm việc với chủ đầu tư, có báo cáo và phối hợp cùng với các sở ban ngành tại địa phương để hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện đầy đủ quy định pháp luật, bổ sung thêm các thủ tục còn thiếu “càng sớm càng tốt”.

Trong thời gian chờ các chủ đầu tư bổ sung, EVN vẫn ghi nhận sản lượng lên lưới nhưng ngừng thanh toán để chủ đầu tư thực hiện đúng quy định.

Tối 28-5, đại diện Tổng công ty Điện lực miền Nam cũng cho biết khi khách hàng ký hợp đồng mua bán điện, các công ty điện lực đã tuân thủ đầy đủ các thủ tục liên quan phía ngành điện, còn các quy định pháp luật khác liên quan đến trách nhiệm của chủ đầu tư bán ĐMT mái nhà (doanh nghiệp), phía doanh nghiệp đã cam kết sẽ hoàn thiện, bổ sung theo quy định của pháp luật.

Theo vị này, các công ty điện lực cũng đã thông báo, làm việc với các doanh nghiệp yêu cầu hoàn thành các thủ tục pháp lý theo quy định và gửi văn bản báo cáo đến UBND các tỉnh thành và các sở ban ngành liên quan.

Trong khi đó, một đại diện của Cục Điện lực và năng lượng tái tạo cho hay tại quyết định 13/2020 của Thủ tướng về cơ chế khuyến khích phát triển ĐMT, với hệ thống ĐMT mái nhà, các tổ chức, cá nhân đầu tư lắp đặt hệ thống phải đảm bảo các yêu cầu về an toàn điện, an toàn công trình xây dựng, môi trường, phòng chống cháy nổ theo quy định hiện hành.

Tuy nhiên, một trong những vướng mắc hiện nay là do tính chất dự án ĐMT áp mái có quy mô nhỏ, nên các quy định về xây dựng, phòng cháy chữa cháy, môi trường… sẽ do địa phương quản lý và mỗi địa phương lại đưa ra yêu cầu riêng trong các quy định này.

Do vậy, Bộ Công thương và EVN chỉ có thể hướng dẫn chung về việc yêu cầu chủ đầu tư tuân thủ đúng quy định của pháp luật về các loại giấy phép này, còn việc thực hiện ra sao phải trên cơ sở nhà đầu tư chủ động tìm hiểu quy định của địa phương để đáp ứng. “Do đó, với trường hợp những địa phương không yêu cầu các loại giấy phép này, ngành điện cũng không yêu cầu chủ đầu tư phải có đầy đủ giấy tờ trên”, vị này nói.

NGỌC AN – NGỌC HIỂN

 

Chưa sòng phẳng với nhà đầu tư

Để đạt được mục tiêu giảm phát thải carbon mà Việt Nam đã cam kết với quốc tế khi tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26), cần nguồn vốn rất lớn để đầu tư nên rất cần sự tham gia của tư nhân. Theo một chuyên gia, để sản xuất được 1 MW điện mặt trời, cần đầu tư trên 10 tỉ đồng.

Với hàng ngàn MW điện mặt trời đã đưa vào sử dụng trên cả nước, nguồn vốn mà các nhà đầu tư đã bỏ ra lên tới hàng chục ngàn tỉ đồng. Vì vậy, cơ quan chức năng cần tháo gỡ vướng mắc cho các nhà đầu tư, nhất là khi nhà đầu tư đã tin tưởng hưởng ứng khuyến khích của Nhà nước và đồng hành với EVN nhưng bị đột ngột ngưng thanh toán, thậm chí bị dọa cắt hợp đồng là chưa sòng phẳng với nhà đầu tư.

BÁ SƠN – ĐÔNG HÀ
TTO