23/11/2024

Nguy cơ kéo tụt đà tăng trưởng kinh tế

Siết tín dụng = cung giảm, giá bất động sản tăng:

Nguy cơ kéo tụt đà tăng trưởng kinh tế

Cắt “mạch máu” tín dụng vào thị trường bất động sản trong giai đoạn kinh tế đang nỗ lực phục hồi hậu Covid-19 có thể kéo tụt đà tăng trưởng kinh tế trên diện rộng.

 

 

Bài học từ Trung Quốc

Giữa tháng 5, một bài viết trên chuyên trang của The Economic Times cho hay Trung Quốc yêu cầu 3 doanh nghiệp bất động sản (BĐS) là Country Garden, Longfor Group và Midea Real Estate lên kế hoạch phát hành trái phiếu để giúp thúc đẩy tâm lý thị trường. Trước đó, các cơ quan quản lý tài chính bao gồm Ủy ban Quản lý chứng khoán Trung Quốc (CSRC) và Sở giao dịch chứng khoán Thâm Quyến đã có các thông báo nhấn mạnh vai trò quan trọng của việc hỗ trợ nhu cầu tái cấp vốn trong lĩnh vực BĐS, bao gồm cả hình thức phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Đây là một trong những chính sách để hỗ trợ lại cho ngành BĐS, đồng thời giải quyết hệ quả lao dốc của nền kinh tế sau 2 năm áp dụng những chính sách thắt chặt nguồn vốn vào thị trường này.

Nguy cơ kéo tụt đà tăng trưởng kinh tế - ảnh 1
Thị trường bất động sản rất quan trọng cho kinh tế VN  ĐÌNH SƠN

Theo South China Morning Post, kể từ cuối năm 2020, các tập đoàn địa ốc Trung Quốc bắt đầu chao đảo sau khi nước này ban hành chính sách 3 lằn ranh đỏ. Các giới hạn được đưa ra bao gồm tỷ lệ nợ phải trả trên tài sản (không bao gồm các khoản ứng trước) tối đa 70%, tỷ lệ nợ ròng trên vốn chủ sở hữu tối đa 100%, tỷ số thanh toán tiền mặt (tiền mặt trên nợ ngắn hạn) lớn hơn 1. Nếu vượt cả ba lằn ranh đỏ, tập đoàn BĐS sẽ không được phép vay thêm tiền từ ngân hàng. Vào thời điểm đó, chỉ 6,3% công ty BĐS Trung Quốc tuân thủ các giới hạn về nợ. Chính quyền Trung Quốc muốn gấp rút kiểm soát cho vay nhằm tránh rủi ro cho hệ thống ngân hàng. Hệ quả, khách hàng và nhà đầu tư không dám mua nhà cũng khiến giá nhà lao dốc, thị trường mất thanh khoản. CNBC mới đây cũng dẫn ra số liệu tính toán của Goldman Sachs, khối lượng giao dịch mua bán BĐS hằng ngày trên 30 thành phố lớn của Trung Quốc đã giảm 50% so với cùng kỳ năm ngoái.

Thị trường BĐS là kênh rất quan trọng vì lan tỏa đến rất nhiều ngành nghề khác, tạo công ăn việc làm cho đời sống nhiều người dân và từ đó cũng thúc đẩy kinh tế phát triển. Đây cũng là một điểm rất quan trọng để VN có thể hồi phục và tăng trưởng kinh tế.

Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành

Một số chuyên gia cho rằng việc Bắc Kinh quá mạnh tay siết chặt tín dụng đã tạo ra cuộc khủng hoảng trên diện rộng, tác động đến toàn bộ ngành công nghiệp BĐS, khiến nhiều khách hàng, nhà đầu tư lẻ điêu đứng. Cuộc suy thoái trong lĩnh vực BĐS đã kéo tụt tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc, buộc nước này phải nới lỏng dây cương với ngành địa ốc và đưa ra các biện pháp hỗ trợ kinh tế. Cụ thể vào cuối tháng 4, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) và Ủy ban Quản lý ngân hàng và bảo hiểm Trung Quốc đã trao đổi cùng đại diện của 18 ngân hàng thương mại và 5 công ty quản lý tài sản (AMC) lớn của nước này. Theo hướng dẫn, các nhà băng và AMC có thể mua lại những khoản nợ của các tập đoàn địa ốc Trung Quốc, hoặc cấp vốn cho hoạt động mua bán và sáp nhập trong ngành BĐS. Tại cuộc họp, 2 cơ quan quản lý ngành ngân hàng Trung Quốc cũng chỉ đạo các ngân hàng “đảm bảo duy trì nguồn vốn cho lĩnh vực BĐS một cách ổn định”. Cùng với đó là tránh dừng cho vay, buộc trả nợ trước hạn hay hoãn phát hành khoản vay mà không có sự cân nhắc hợp lý. Đến giữa tháng 5, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã giảm lãi suất cho khoản vay thế chấp từ 4,6% xuống còn 4,4% đối với những khách hàng mua nhà lần đầu nhằm hỗ trợ nhu cầu nhà ở, thúc đẩy đà phát triển ổn định và lành mạnh của thị trường BĐS. Những động thái của Trung Quốc hiện tại nhằm ngăn những tác động tiêu cực từ lĩnh vực BĐS lan sang toàn bộ nền kinh tế.

 

“Liều doping” phục hồi kinh tế

Tại VN, bước qua “bóng đêm” Covid-19, hàng loạt dự án hạ tầng đầu tư công tại tất cả địa phương trên cả nước được dồn dập triển khai với kỳ vọng tạo tác động lan tỏa, dẫn dắt nền kinh tế hồi phục. Khác với giai đoạn cách đây 1 – 2 thập kỷ, mỗi con đường, cây cầu mở ra hiện nay đều đặt ra yêu cầu quy hoạch đồng bộ với việc phát triển đô thị dọc tuyến. Điều này lý giải vì sao khi những con đường huyết mạch tại Gia Lai như QL14, QL25, QL19… lần lượt được hoàn thiện, lãnh đạo tỉnh đã lập tức xây dựng các cơ chế, chính sách thông thoáng nhằm “lấy trớn” thu hút nguồn lực, tìm nhà đầu tư chiến lược cho hàng loạt dự án nghìn tỉ. Trong đó, chiếm phần không nhỏ là các dự án BĐS, xây dựng khu đô thị, khu công nghiệp, quần thể du lịch nghỉ dưỡng… với kỳ vọng xóa nhòa những định kiến về một vùng trũng kinh tế, đưa Gia Lai phát triển xứng tầm với vai trò cửa ngõ của cả vùng cao nguyên.

Tương tự, đầu tàu kinh tế TP.HCM chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ Covid-19, liều doping lập tức được bơm vào nền kinh tế sau khi kiểm soát dịch bệnh là các dự án hạ tầng giao thông, gắn liền với khai thác quỹ đất dọc tuyến. Đơn cử, tăng tốc đường Vành đai 3, TP.HCM đã đồng thời lên kế hoạch xác định ranh, đấu giá quỹ đất dọc tuyến với mục đích lấy đất “nuôi” đường. Dự kiến riêng đất nông nghiệp vùng phụ cận do nhà nước quản lý có thể bán đấu giá, thu hồi khoảng 26.985 tỉ đồng. Các địa phương có tuyến đường vành đai đi qua như Đồng Nai, Bình Dương và Long An cũng đang rà soát quỹ đất để lên kế hoạch phát triển các đô thị vệ tinh, đấu giá cho các doanh nghiệp phát triển khu dân cư, hạ tầng, cụm khu công nghiệp… Vì thế, nếu thị trường BĐS chững lại, hàng loạt kế hoạch phát triển đô thị, du lịch, công nghiệp cùng chương trình hồi phục kinh tế của các địa phương chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.

Thảo luận ở tổ Đoàn TP.HCM tại kỳ họp thứ 3 của Quốc hội sáng 25.5, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cũng thừa nhận dù đã có 4 tháng tăng trưởng kinh tế liên tục, song thị trường BĐS tại TP vẫn trầm lắng khi tăng trưởng âm 12,6%. Việc này có ảnh hưởng từ đà phục hồi chậm sau dịch bệnh, nhưng cũng có một phần do siết tín dụng BĐS. Ông Phan Văn Mãi khẳng định siết tín dụng với BĐS có tác động rất lớn đến kinh tế – xã hội nên cần phải đánh giá cả tình hình trước mắt, lâu dài và phải căn cơ, bài bản.

Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành nhận định, bất kể lĩnh vực nào cũng đều có rủi ro, nhất là khi đầu tư. “Việc quản lý thận trọng để tránh rủi ro là cần thiết nhưng không quá đà. Thị trường BĐS là kênh rất quan trọng vì lan tỏa đến rất nhiều ngành nghề khác, tạo công ăn việc làm cho đời sống nhiều người dân và từ đó cũng thúc đẩy kinh tế phát triển. Đây cũng là một điểm rất quan trọng để VN có thể hồi phục và tăng trưởng kinh tế. Có những vấn đề không tốt thì phải xử lý, nhưng nếu để đóng băng hay phát triển quá nóng thì cũng đều nguy hiểm. Các chính sách liên quan phải cân bằng, tạo điều kiện cho thị trường phát triển bình thường, suôn sẻ. Song song đó, phải tập trung tháo gỡ những khó khăn, rào cản về pháp lý cho thị trường BĐS phát triển tốt hơn”, ông Thành nói..

Điều chỉnh lại tín dụng BĐS là chủ trương hợp lý nhưng cần cân nhắc kỹ lưỡng, đảm bảo đúng đối tượng. BĐS là lĩnh vực cho vay an toàn bởi có tài sản thế chấp. Chỉ khi chủ đầu tư yếu kém, dự án treo thì tiền mới bị chôn, vốn ngân hàng mới khó thu hồi. Còn với chủ đầu tư uy tín, quỹ đất sạch, pháp lý đầy đủ, dự án đúng tiến độ, chất lượng, thanh khoản tốt thì ngược lại. Có sản phẩm ra thị trường thì cũng cần cho người dân mua bán, đầu tư. Việc ồ ạt siết tín dụng BĐS còn là sự đánh đồng các nhà phát triển BĐS chuyên nghiệp với những đơn vị năng lực kém, như vậy không có tính thanh lọc để lành mạnh hóa thị trường. Thay vào đó, cần khuyến khích các doanh nghiệp có uy tín, tiềm lực, làm trụ cột thị trường; thanh lọc các doanh nghiệp yếu kém để bảo vệ người tiêu dùng, giảm nguy cơ, rủi ro cho hệ thống tín dụng.

Một chuyên gia kinh tế

HÀ MAI – MAI PHƯƠNG

TNO