Rà soát các dự án FDI ‘xí’ đất
Rà soát các dự án FDI ‘xí’ đất
Bộ Kế hoạch – Đầu tư vừa có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư thực hiện rà soát, đánh giá tình hình thực hiện của các dự án đầu tư nước ngoài (FDI) có vốn lớn và sử dụng nhiều diện tích đất.
Đóng góp chưa tương xứng
Việc rà soát là nhằm thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng về việc nâng cao chất lượng thu hút vốn FDI, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đồng thời rà soát, đánh giá, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động đầu tư nước ngoài. Các dự án FDI được nêu cần rà soát là có vốn đầu tư đăng ký từ 100 triệu USD trở lên; dự án có diện tích đất sử dụng từ 50 ha trở lên. Bên cạnh đó, các dự án trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản tại Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng, Khánh Hòa, Bà Rịa-Vũng Tàu mà có diện tích đất sử dụng từ 2 ha trở lên cũng thuộc diện phải rà soát, báo cáo.
Song song đó, Bộ Kế hoạch – Đầu tư cũng đề nghị các địa phương báo cáo thông tin liên quan về tình hình góp vốn, giải ngân vốn đầu tư, tình hình sử dụng đất và việc chấp hành các quy định của pháp luật về đất đai, xây dựng; việc chấp hành các nghĩa vụ tài chính đối với nhà nước (các loại thuế, phí, tiền thuê đất, tiền sử dụng đất…); tình hình sử dụng lao động và chấp hành các quy định về môi trường, đảm bảo về môi trường.
Các dự án vốn ngoại sẽ được rà soát về tiến độ thực hiện, giải ngân PHẠM HÙNG |
Trong trường hợp có sự chậm trễ hoặc chưa thực hiện đúng các mục tiêu tại giấy chứng nhận đầu tư hoặc các quy định của pháp luật, các cơ quan đăng ký đầu tư nêu rõ thực trạng và lý do. Đồng thời tổng hợp khó khăn, vướng mắc của các dự án FDI trên địa bàn, từ đó đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cũng như đề xuất sửa đổi luật pháp, chính sách để thúc đẩy tiến độ thực hiện dự án… Các kết quả rà soát được đề nghị gửi về Bộ Kế hoạch – Đầu tư trước ngày 30.6.
Mới đây, Hiệp hội doanh nghiệp (DN) đầu tư nước ngoài (VAFIE) công bố lần đầu Báo cáo thường niên về FDI cho thấy Việt Nam là nước tiếp nhận nguồn vốn FDI lớn thứ 3 trong khu vực, là một trong số các nước ASEAN duy trì tăng trưởng dòng vốn FDI ổn định qua nhiều năm. Cụ thể, năm 2021, vốn đăng ký đạt 31 tỉ USD, tăng 9% và vốn thực hiện đạt gần 20 tỉ USD, giảm nhẹ 1,2% so với năm 2020. Nhưng vẫn còn những tồn tại, hạn chế trong hoạt động FDI như chất lượng và hiệu quả kinh tế chưa cao khi số lượng dự án có công nghệ hiện đại, công nghệ nguồn từ Mỹ, châu Âu chỉ chiếm 5%, công nghệ trung bình chiếm 80%, công nghệ lạc hậu chiếm 15%.
Bên cạnh đó, hiệu quả kinh tế của nhiều DN FDI chưa tương xứng với quy mô vốn, năng lực và những ưu đãi được hưởng, chủ yếu nhập khẩu về để phục vụ sản xuất. Hơn thế nữa, khu vực kinh tế FDI mặc dù là động lực quan trọng với tốc độ tăng trưởng luôn cao hơn các khu vực kinh tế khác trong nền kinh tế, song nhiều DN FDI đóng góp vào ngân sách nhà nước chưa tương xứng với quy mô, ưu đãi được hưởng…
Xoá dự án bỏ hoang, chây ì
PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng việc rà soát này là rất cần thiết và lẽ ra phải làm từ lâu. Thực tế đang có làn sóng FDI thuê nhà xưởng lớn trong các khu công nghiệp trải dài từ bắc vào nam. Chẳng hạn, Tập đoàn Framas (Đức) chuyên sản xuất các bộ phận bằng nhựa chất lượng cao cho Nike, Adidas đã thuê khu nhà xưởng lớn xây sẵn tại KCN Nhơn Trạch 2
(Đồng Nai); thương hiệu trang sức Đan Mạch Pandora giữa tháng 5 đã ký biên bản ghi nhớ xây cơ sở chế tác trang sức mới tại KCN Việt Nam – Singapore III (VSIP) ở tỉnh Bình Dương; Tập đoàn dầu nhớt Fuchs (Đức) cũng mở rộng thuê đất trong KCN chuyên dụng Phú Mỹ 3 ở Bà Rịa-Vũng Tàu để xây dựng nhà máy mới. Tương tự, tại miền Trung, Arevo Inc. (Mỹ) muốn đầu tư nhà máy sản xuất máy in 3D tại KCN cao Đà Nẵng. Tại miền Bắc, nhiều nhà đầu tư nước ngoài từ Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan và Nhật Bản đều có chiến lược mở rộng quy mô tại các thủ phủ công nghiệp phía bắc…
Theo Bộ Kế hoạch – Đầu tư, tính từ đầu năm đến ngày 20.5, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài (FDI) đạt trên 11,71 tỉ USD, giảm 16,3% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, tuy vốn đăng ký mới giảm 53,4%, nhưng vốn điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần tăng mạnh, lần lượt là 45,4% và 51,6% so với cùng kỳ năm trước. Đã có 79 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2022. Trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư gần 3 tỉ USD, Hàn Quốc đứng thứ hai với trên 2,06 tỉ USD và Đan Mạch đứng thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 1,32 tỉ USD.
Nếu họ triển khai thực hiện đúng kế hoạch thì quá tốt. Nhưng nếu cứ để các dự án FDI chiếm dụng đất lớn, không triển khai lâu ngày thì phải thu hồi để cho các dự án khác. “Lần rà soát này để biết rõ nhà đầu tư nào không đủ năng lực tài chính, không đủ năng lực thực thi dự án, để dự án treo lâu năm, chây ỳ, xí phần, phải có biện pháp cứng rắn là thu hồi để giao cho nhà đầu tư khác triển khai. Bên cạnh đó, quá trình rà soát, nếu thấy các trường hợp “trên đã thông” nhưng “dưới lại tắc” do địa phương làm khó hoặc không quyết đoán… thì cũng cần tháo gỡ ngay lập tức”, chuyên gia Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, chuyên gia tư vấn Đỗ Hòa cho rằng qua rà soát chi tiết thì Chính phủ phải có chính sách thu hồi các dự án chậm triển khai, chiếm dụng đất đai để giao cho đơn vị khác thực hiện, mang lại hiệu quả cho nền kinh tế. Song song đó, để gia tăng thu hút được nhiều dự án FDI công nghệ hiện đại hơn thì Việt Nam cần phải tập trung hỗ trợ, thúc đẩy các DN trong nước phát triển công nghiệp phụ trợ cũng như chuẩn bị nguồn nhân lực cấp cao. Một số tập đoàn nước ngoài vẫn lo ngại nếu đầu tư vào Việt Nam mà không thể tuyển được người phù hợp để làm việc thì cũng khó khăn để hoạt động. Với những chính sách thu hút và ưu đãi hiện tại của Việt Nam thì chỉ có thể mời được các DN tận dụng, phát huy lợi thế về giá thành khi khai thác lao động giá rẻ hay phí thuê đất thấp. Chính sách thu hút dự án công nghệ cao từ các tập đoàn nước ngoài phải được xem xét cụ thể thay vì chỉ ưu đãi chung chung cho tất cả mọi ngành nghề.
NGUYÊN NGA – MAI PHƯƠNG
TNO