Đó là khẳng định của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Diễn đàn Kinh tế VN, do Ban Kinh tế T.Ư tổ chức ngày 11.1
Tăng trưởng không phải là cuộc chạy nước rút
Đó là khẳng định của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Diễn đàn Kinh tế VN, do Ban Kinh tế T.Ư tổ chức ngày 11.1.
Cuộc chạy đua đường trường
Phấn đấu thành “con hổ kinh tế” mới của châu Á
Chúng ta hãy cùng nỗ lực biến khát vọng thành thịnh vượng của quốc gia, của dân tộc thành những việc làm và hành động cụ thể. Tận dụng triệt để cơ hội, vững vàng vượt qua thách thức, phát huy tối đa những tiềm lực của nền kinh tế, để phấn đấu trở thành một “con hổ kinh tế” mới của châu Á.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
Phát biểu trước phiên đối thoại chính sách cấp cao vào buổi chiều, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận xét, làm thế nào để VN vừa tăng trưởng nhanh, vừa bền vững là câu hỏi hay và quan trọng, dù nghe qua có vẻ 2 mục tiêu này mâu thuẫn với nhau. Nhưng một số nước xung quanh ta đã đạt được như Nhật Bản, Hàn Quốc… và các chuyên gia ở diễn đàn đã chỉ ra cụ thể rằng năng lượng xanh, cùng với cải thiện năng suất lao động và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh là 3 đòn bẩy để VN đạt được hai mục tiêu quan trọng này.
Dù vậy, người đứng đầu Chính phủ nhắc nhở: “Tăng trưởng và phát triển là một cuộc chạy đường trường chứ không phải là một cuộc chạy đua nước rút”. Cho nên, dù vui mừng với những kết quả đạt được trong năm 2017, song Thủ tướng lưu ý chỉ nên coi những thành tựu này là cơ sở để chúng ta có thể tự tin hơn trong nỗ lực tái cơ cấu nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng mạnh mẽ, từ đó tạo ra nền móng vững chãi hơn để nền kinh tế có thể tăng trưởng cao hơn trong dài hạn.
Trả lời câu hỏi của TS Vũ Thành Tự Anh (ĐH Fulbright) rằng điều gì khiến Thủ tướng tâm đắc nhất khi nhìn lại thành quả điều hành trong năm qua, người đứng đầu Chính phủ khẳng định đó là việc các chỉ số môi trường kinh doanh của nền kinh tế được nâng hạng, gồm năng lực cạnh tranh tăng 5 bậc; môi trường kinh doanh đầu tư tăng 14 bậc; chỉ số đổi mới sáng tạo tăng 11 bậc và số tín nhiệm lên mức tích cực. “Nói như thế để thấy rằng, các chỉ tiêu vĩ mô, phát triển kinh tế – xã hội được quan tâm chỉ đạo toàn diện. Nhưng cũng không thể không nhắc tới tỷ lệ đói nghèo giảm xuống để không ai bị rớt lại phía sau tăng trưởng”, Thủ tướng nói thêm.
Năm 2020 có thêm 8.000 MW năng lượng tái tạo
Trước đó, trong phiên thảo luận đầu tiên với chủ đề “công nghệ, năng lượng xanh cho phát triển bền vững”, cựu Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã nhấn mạnh việc hướng tới thay thế các nguồn năng lượng hóa thạch (than, dầu) bằng năng lượng sạch (gió, mặt trời) là xu thế đang diễn ra khắp thế giới. Đề cập thực trạng của VN với hơn 20 nhà máy nhiệt điện than và đang có xu hướng tăng thêm, ông John Kerry cho rằng đây là một quyết định “không thông thái”. Ông khẳng định với tiềm năng sẵn có, VN hoàn toàn có thể phát triển một hệ thống năng lượng mặt trời, năng lượng gió thay vì chỉ ở mức “những mảnh vụn” như hiện nay.
Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế T.Ư Nguyễn Văn Bình cho hay, từ hơn 10 năm trước, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết chuyên đề số 18 về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của VN đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050, thể hiện rõ quan điểm cần quan tâm phát triển năng lượng sạch, ưu tiên phát triển năng lượng mới, năng lượng tái tạo và phát triển năng lượng gắn với giữ gìn môi trường sinh thái, đảm bảo thực hiện phát triển năng lượng bền vững. Cụ thể, mục tiêu là phấn đấu tăng tỷ lệ các nguồn năng lượng mới và năng lượng tái tạo lên khoảng 5% tổng năng lượng thương mại sơ cấp vào năm 2020 và khoảng 11% vào năm 2050. Ông Bình cũng thừa nhận, nguồn cung năng lượng sơ cấp trong nước đang dần đạt ngưỡng bão hòa dẫn đến sự phụ thuộc ngày càng tăng vào nguồn nhiên liệu nhập khẩu, đã ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh năng lượng quốc gia.
“Để vượt qua những thách thức trong giai đoạn chuyển sang nhập siêu năng lượng, cần có những giải pháp căn cơ để tiếp tục đảm bảo nguồn cung trong nước theo hướng giảm dần sự phụ thuộc nhiên liệu hoá thạch (nhất là dầu khí). Theo đó, việc đa dạng hoá hệ thống năng lượng cần phải dựa vào nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới. Chúng ta cần sớm xây dựng những cơ chế, chính sách mang tính đột phá, đón đầu để thúc đẩy hơn nữa sự phát triển mạnh mẽ năng lượng xanh”, Trưởng ban Kinh tế T.Ư bày tỏ.
Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng cho biết, từ sau khi có quyết định về giá điện mặt trời hồi tháng 4.2017, bộ này đã tiếp nhận số dự án đăng ký mới với công suất lên tới 15.000 MW. Trong đó, đã có 4.000 MW được chấp thuận bổ sung quy hoạch, khoảng 4.000 MW khác đang đề nghị Thủ tướng xem xét. “Nếu được thông qua, đến năm 2020, chúng ta sẽ có thêm 8.000 MW năng lượng tái tạo. Khi ấy, nỗi lo không phải là thiếu nguồn này mà là hệ thống điện như hiện nay có đủ năng lực hấp thụ hay không?”, ông Vượng chia sẻ.
Tuy nhiên, ông Vượng thừa nhận với tốc độ tăng trưởng điện 10%/năm, VN vẫn phải tiếp tục phụ thuộc vào điện than. “Thực tế chúng tôi cũng đang xây thêm nhiều nhà máy điện than. Điều này có thể chưa phù hợp với xu thế hiện nay nhưng với tư duy cởi mở, chúng tôi sẽ thay đổi nếu cần, nhất là nếu nguồn điện đó có chi phí hợp lý với sức chi trả của người dân”, Thứ trưởng Vượng chia sẻ.