23/12/2024

Bộ tứ an ninh “tung chiêu” giám sát chặt tàu Trung Quốc

Bộ tứ an ninh “tung chiêu” giám sát chặt tàu Trung Quốc

Việc bộ tứ an ninh đề ra chương trình “Đối tác Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương nhận thức trong lĩnh vực hàng hải” (IPMDA) giúp các nước phát hiện kịp thời các hành vi gây rối của tàu Trung Quốc ở các vùng biển, trong đó có Biển Đông.

 

 

Thông cáo chung được phát đi sau hội nghị thượng đỉnh diễn ra tại Tokyo (Nhật Bản) ngày 24.5, Bộ tứ an ninh (gồm Mỹ – Nhật Bản – Úc – Ấn Độ) cho biết chương trình IPMDA sẽ hỗ trợ và hợp tác cùng các đối tác trong khu vực để ứng phó thảm họa thiên nhiên, thực hiện sứ mệnh nhân đạo, đồng thời chống đánh bắt cá bất hợp pháp.

Bộ tứ an ninh “tung chiêu” giám sát chặt tàu Trung Quốc - ảnh 1
Tàu cá Trung Quốc thường xuyên gây rối ở vùng biển quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam  MAI THANH HẢI

Cơ chế phối hợp mới

Trả lời Thanh Niên hôm qua 25.5, PGS Kei Koga, thuộc Chương trình các vấn đề toàn cầu và chính sách công (Trường khoa học xã hội, Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore), cho rằng: “IPMDA là bước tiến lớn của bộ tứ nhằm tạo điều kiện hợp tác hàng hải, đặc biệt là hợp tác chung về nâng cao năng lực hàng hải cho các quốc gia khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (Indo-Pacific). Trước đây, không có cơ chế cụ thể nào để điều phối các chương trình nâng cao năng lực của từng thành viên thuộc bộ tứ, dù đã có một số chương trình hợp tác”.

Tương tự, ông Greg Poling (Giám đốc Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á – AMTI, CSIS) đánh giá: “IPMDA có lẽ là thông báo quan trọng nhất được đưa ra trong hội nghị thượng đỉnh vừa qua vì có thể có tác động lớn”. Cụ thể hơn, ông giải thích: “Bằng cách cung cấp miễn phí thông tin cho các đối tác trên khắp Ấn Độ Dương, Đông Nam Á và các quần đảo Thái Bình Dương… nhằm phát hiện tần số vô tuyến hoạt động, bộ tứ sẽ giúp theo dõi dễ dàng hơn những tàu đánh cá bất hợp pháp, lực lượng dân quân biển của Trung Quốc và các tác nhân bất hợp pháp khác ngay cả khi các đối tượng này tắt bộ phát tín hiệu định danh trên biển (AIS)”.

 

Đối phó chiêu trò của Trung Quốc

Lâu nay, tình trạng tàu cá Trung Quốc đánh bắt bất hợp pháp hay các tàu dân quân của nước này gây rối ở vùng biển các nước khác đang là thách thức cho nhiều bên trong khu vực. Đặc biệt tình trạng này thường xuyên xảy ra ở Biển Đông. Trong những hoạt động như thế, tàu Trung Quốc thường tắt thiết bị phát AIS gây nhiều khó khăn cho các nước bị xâm phạm chủ quyền.

Indonesia cân nhắc tập trận với Mỹ ở Natuna

Tờ Nikkei Asia ngày 25.5 đưa tin Indonesia đang cân nhắc tổ chức tập trận chung với Mỹ tại khu vực quần đảo Natuna ở phía nam Biển Đông. Quần đảo này có thể sẽ là một trong các địa điểm cho cuộc tập trận Garuda Shield năm nay, dự kiến diễn ra trong 2 tuần bắt đầu từ ngày 1.8. Mỹ và Indonesia đã tổ chức hoạt động này từ năm 2007.

Cuộc tập trận Garuda Shield năm nay sẽ có 14 nước tham gia, bao gồm các đồng minh của Mỹ như Anh, Úc và Canada, bên cạnh Singapore và Malaysia. Nhật Bản cũng sẽ tham gia lần đầu tiên. Tống số quân nhân dự kiến là 3.000, tăng 50% so với năm ngoái.

Lam Vũ

 

IPMDA của bộ tứ an ninh giúp nhận diện các tần số vô tuyến khác của các tàu trên và chia sẻ thông tin đó sẽ giúp các nước sớm nhận diện sự hoạt động của các tàu cá hay tàu dân binh của Trung Quốc hoạt động phi pháp.

“Vì thế, IPMDA có ý nghĩa vì nhiều lý do. Ví dụ, chúng ta có thể ngăn cản Trung Quốc thực hiện các hành vi trái pháp luật bằng cách phát hiện và phơi bày các hành động của họ trước cộng đồng quốc tế. Tất nhiên, không thể đối phó với các hành vi sai trái trên biển trừ khi có thể phát hiện, theo dõi và chỉ rõ phạm vi chủ quyền để đối phó với những kẻ vi phạm”, theo phân tích của TS James Holmes (chuyên gia chiến lược hàng hải – Đại học Hải chiến Mỹ) khi trả lời Thanh Niên.

Trong khi đó, suốt những năm qua, việc sử dụng tàu cá đánh bắt trái phép kết hợp cùng tàu dân binh gây rối là một phần trong chiến lược vùng xám của Trung Quốc nhằm kiểm soát Biển Đông. Tàu dân binh Trung Quốc (PAFMM) là lực lượng bán vũ trang, được tuyển chọn từ ngư dân của nước này. Các thành viên của PAFMM được huấn luyện quân sự và trang bị vũ khí rồi hoạt động dưới “bình phong” là nghề cá. Những năm qua, các tàu của PAFMM vốn được đóng bằng vỏ thép đã nhiều lần đâm đụng, thậm chí đâm chìm tàu cá của các nước trong khu vực. Đây là cách để Bắc Kinh thiết lập “vùng xám”, tức tìm cách hoạt động rồi tăng dần kiểm soát ở vùng biển nước khác.

Hỗ trợ phía sau PAFMM còn có lực lượng hải cảnh với nhiều tàu vũ trang hạng nặng. “Giữa vùng biển tranh chấp, Trung Quốc dùng PAFMM và hải cảnh để đơn phương áp đặt luật lệ nhằm kiểm soát các vùng biển dưới cái mác là “quyền lực hợp pháp”. Bắc Kinh bày ra chiêu trò hình thành lực lượng “dân quân biển” và hải cảnh tìm cách hoạt động quấy phá lực lượng quân sự và hải quân chính quy của các nước khác. Cùng lúc, hải quân Trung Quốc sẽ phục sẵn cho trường hợp các nước khác phản ứng. Nếu răn đe như thế thành công, Bắc Kinh sẽ không điều quân đội trực tiếp có mặt ở các “điểm nóng” trực tiếp đối đầu”, TS James Holmes từng chỉ ra.

Liên kết trên một số lĩnh vực quan trọng

Tuyên bố chung của Bộ tứ an ninh sau hội nghị thượng đỉnh vừa qua đã đi vào thực chất và phản ánh sự liên kết trên một số lĩnh vực quan trọng, bao gồm: an ninh hàng hải, cơ sở hạ tầng, chuỗi cung ứng, biến đổi khí hậu, giáo dục, y tế và các công nghệ mới nổi.

Từ năm ngoái, khi bộ tứ lần đầu tiên hội nghị thượng đỉnh, chúng ta có thể thấy nhóm này đã có những đóng góp đáng kể.

 

TS Dhruva Jaishankar (Quỹ nghiên cứu quan sát, Ấn Độ)

Chính vì thế, IPMDA có thể giúp “bóc phốt” các chiêu trò của tàu Trung Quốc trong chiến lược vùng xám. Tuy nhiên, để IPMDA phát huy hiệu quả, PGS Kei Koga đặt vấn đề: “Yếu tố quan trọng ban đầu sẽ là mức độ hiệu quả của bộ tứ an ninh giúp xây dựng năng lực của các quốc gia trong khu vực để tiến hành các hoạt động thực thi pháp luật”. “Do đó, việc cung cấp thiết bị thực thi pháp luật, bao gồm cả tàu tuần tra bờ biển, và đào tạo, bao gồm các hội thảo giáo dục về luật pháp quốc tế sẽ rất quan trọng”, theo ông Kei Koga.

Bên cạnh đó, TS Holmes cũng chỉ ra thách thức khi thực hiện IPMDA chính là: “Các lực lượng vũ trang và các cơ quan tình báo phải phối hợp với nhau một cách hài hòa. Điều đó có nghĩa là làm cho công nghệ và phương tiện giữa các bên phải phối hợp hiệu quả”.

NGÔ MINH TRÍ

TNO