Vì sao học sinh trường nghề ngoài công lập phải “mang nợ” học phí ?
Vì sao học sinh trường nghề ngoài công lập phải “mang nợ” học phí ?
Theo quy định, học sinh tốt nghiệp THCS đi học trung cấp sẽ được miễn học phí.
Tuy nhiên, thủ tục để được nhận lại khoản học phí này năm học 2021 – 2022 gặp vướng mắc khiến không ít học sinh trường nghề ngoài công lập phải “mang nợ”.
Mòn mỏi đợi chờ
Trao đổi với phóng viên Báo Thanh Niên, thạc sĩ Đặng Văn Sáng, Hiệu trưởng Trường trung cấp Bách khoa TP.HCM, cho biết: “Đến nay, có khoảng 200 học sinh (HS) tốt nghiệp THCS của trường hiện chưa được cấp bù học phí (HP). Hầu hết địa phương đều trả lời chưa giải quyết vì chưa có thông tư hướng dẫn”.
Học sinh tốt nghiệp THCS học nghề tại một trường CĐ M.Q |
Theo ông Sáng, nhiều HS của trường phản ánh thủ tục để nhận tiền cấp bù HP không chỉ năm học này, mà những năm học trước cũng rất nhiêu khê. Mỗi lần đi nộp hồ sơ lại nhận được câu trả lời về chờ. “Riêng TP.HCM, việc cấp bù HP còn phải có văn bản hướng dẫn liên sở gồm sở LĐ-TB-XH, sở GD-ĐT và sở Tài chính nên các phòng LĐ-TB-XH ở quận, huyện nơi thì nhận hồ sơ nhưng để đó, nơi thì từ chối. Nhiều HS đã tốt nghiệp, chờ đợi lâu quá nên bỏ luôn”, thạc sĩ Đặng Văn Sáng thông tin thêm.
Ông Trần Thành Đức, Hiệu trưởng Trường trung cấp Khôi Việt, cũng cho hay nhiều HS của trường đã tốt nghiệp mà đến nay chưa nhận được HP học kỳ 3 năm học 2021 – 2022. “Nhiều HS không có tiền đóng HP khiến trường phải ứng cho các em để tốt nghiệp, đợi khi nào các em nhận lại được khoản tiền cấp bù này chúng tôi sẽ thu lại”, ông Đức thông tin.
Trong khi đó, tại Trường trung cấp Nguyễn Tất Thành, chỉ riêng học kỳ 1 năm học 2021 – 2022, HS của trường nợ hàng tỉ đồng HP vì chưa nhận được khoản tiền này. Ông Hoàng Quốc Long, Hiệu trưởng chia sẻ có không ít HS có hoàn cảnh gia đình khó khăn phải đi vay tiền để đóng HP. Đến nay vẫn chưa nhận được tiền cấp bù nên chưa thể trả nợ.
Tình trạng này xảy ra tại hầu hết các trường CĐ, trung cấp có đào tạo đối tượng HS tốt nghiệp THCS.
Nên giảm thủ tục để bớt gây khó khăn cho HS
Thạc sĩ Đặng Văn Sáng cho rằng sở dĩ năm học này HS gặp phải khó khăn trong vấn đề làm thủ tục cấp bù HP là do việc miễn giảm HP năm này được thực hiện theo Nghị định 81 áp dụng cho năm học 2021 – 2022 cho đến năm học 2025 – 2026, thay thế cho Nghị định 86 áp dụng cho năm học 2015 – 2016 đến năm học 2020 – 2021.
Nhà nước nên có cơ chế phân bổ kinh phí trên đầu người học, và dù là trường công lập hay tư thục, chỉ cần lập danh sách gửi cơ quan thẩm quyền thẩm định.
TRẦN THÀNH ĐỨC, Hiệu trưởng Trường trung cấp Khôi Việt
Theo đó, mức trần HP dành cho các bậc học, trong đó bậc trung cấp có điều chỉnh tăng so với các năm trước. Vì thế, các địa phương trả lời đợi có thông tư liên tịch giữa các bộ hướng dẫn mới giải quyết, mặc dù luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật được sửa đổi, bổ sung năm 2020 đã bỏ hình thức thông tư liên tịch. Chưa kể Nghị định 81 đã xây dựng theo hướng quy định chi tiết hơn rất nhiều so với Nghị định 86 trước đó, giúp các bộ, ngành, địa phương hoàn toàn có thể thực hiện mà không cần hướng dẫn.
Được biết, Phòng LĐ-TB-XH sẽ chịu trách nhiệm chi trả, quyết toán kinh phí miễn, giảm HP cho HS tốt nghiệp THCS học trung cấp. Đối với trường nghề ngoài công lập, HS phải đóng HP trước, sau đó trường xuất hóa đơn, cấp giấy xác nhận để HS nộp về các phòng LĐ-TB-XH
địa phương để được nhận lại. Đối với các trường công lập, HS không phải đóng trước HP. Hiệu trưởng sẽ lập danh sách, chuẩn bị hồ sơ theo quy định gửi lên cơ quan quản lý trực tiếp, nhà nước sẽ cấp kinh phí thực hiện trong dự toán ngân sách hằng năm.
Nhiều năm nay, chính sách miễn HP cho HS tốt nghiệp THCS học trung cấp nhằm tăng cường công tác phân luồng, thu hút HS sau lớp 9 đi học nghề, đã ít nhiều giúp các trường thuận lợi hơn trong tuyển sinh. Thế nhưng, những “nhiêu khê” khi làm thủ tục nhận lại tiền HP đã khiến cho người học chán nản, làm ảnh hưởng không nhỏ đến công tác phân luồng, hướng nghiệp và tuyển sinh của trường CĐ, trung cấp.
Ông Trần Thành Đức đề xuất: “Nhà nước nên có cơ chế phân bổ kinh phí trên đầu người học, và dù là trường công lập hay tư thục, chỉ cần lập danh sách gửi cơ quan thẩm quyền thẩm định. Nghị định 81 đã quy định rõ ràng, các địa phương chỉ cần căn cứ vào danh sách các trường gửi đến để dự toán kinh phí và thực hiện mà không cần phải có thông tư hướng dẫn nữa. Các em lúc đó sẽ không cần mất công đến tận phòng LĐ-TB-XH để nộp hồ sơ và chờ đợi. Có như vậy mới khuyến khích được HS tốt nghiệp THCS đi học nghề”.
MỸ QUYÊN
TNO