24/11/2024

Xuất khẩu kiếm ‘bộn’ tiền

Xuất khẩu kiếm ‘bộn’ tiền

Tỷ giá USD tăng mạnh trong khi các ngoại tệ khác như euro, yen Nhật lao dốc, tiền đồng ổn định đã tác động thuận lợi cho hàng hóa xuất nhập khẩu của VN.

 

 

Thu hàng trăm tỉ nhờ USD tăng

Nhiều công ty xuất khẩu công bố mức doanh thu và lợi nhuận quý 1/2022 có mức tăng trưởng vượt bậc so với cùng kỳ năm trước. Trong đó có một số đơn vị đã thu được khoản lợi nhuận cao từ tỷ giá hối đoái. Chẳng hạn, báo cáo của Tập đoàn Hòa Phát công bố quý 1/2022 đạt lợi nhuận sau thuế hơn 8.206 tỉ đồng, tăng hơn 17% so với cùng kỳ năm trước. Trong kỳ, Hòa Phát ghi nhận khoản lãi từ tỷ giá hối đoái gần 150,8 tỉ đồng trong khi quý 1/2021 bị lỗ hơn 2,55 tỉ đồng. Tương tự, Công ty CP dệt may – đầu tư – thương mại Thành Công công bố lợi nhuận sau thuế quý 1/2022 gần 73,7 tỉ đồng, tăng 18% so với quý 1/2021. Trong đó,công ty cũng thu lãi từ tỷ giá hối đoái gần 7 tỉ đồng, gấp đôi so với cùng kỳ năm trước…

Ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Tổng công ty CP May 10, cho biết 4 tháng đầu năm nay, doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp (DN) tăng trên 20% so với cùng kỳ năm 2021. Mặc dù 50% nguyên phụ liệu của công ty phải nhập từ Trung Quốc nên gặp khó về logistics và các đối tác sản xuất bị chậm do nước này vẫn duy trì chính sách zero-Covid kèm theo các chi phí liên quan gia tăng. Bản thân May 10 cũng sử dụng giá USD trong các hợp đồng xuất khẩu nên việc tỷ giá USD/VND tăng nhẹ cũng giúp công ty thuận lợi hơn.

Còn ông Phan Minh Thông, Chủ tịch HĐQT Phúc Sinh Group, phấn khởi chia sẻ sau 4 tháng đầu năm nay, công ty đã xuất khẩu sang các thị trường 22.000 tấn cà phê và 7.000 tấn tiêu cùng nhiều sản phẩm gia vị khác. Số lượng và giá bán đều tăng khá cao nên doanh thu của tập đoàn đã tăng 40% còn lợi nhuận thì gấp 3 so với cùng kỳ năm trước. Ông Phan Minh Thông phân tích do nhu cầu dịch vụ, tiêu dùng nhiều nước tăng mạnh khi dịch Covid-19 được kiểm soát. Nhiều nhà hàng, quán ăn đã hoạt động khá bình thường trong khi một số nước có hoạt động xuất khẩu cạnh tranh với VN lại đang thiếu nguồn cung nên các đối tác đã đẩy mạnh mua hàng từ công ty. Đặc biệt, dù xuất khẩu sang nhiều thị trường, trong đó có nhiều nước châu Âu nhưng toàn bộ hàng hóa của Phúc Sinh đều bán theo giá USD. Việc đồng bạc xanh liên tục gia tăng cũng góp phần mang lại lợi nhuận cao cho công ty. Ông cũng kỳ vọng những thuận lợi đó sẽ còn tiếp tục duy trì đến hết năm và giúp cho công ty sẽ có một năm tăng trưởng cao.

 

Hàng nhập từ châu Âu, Nhật Bản rẻ hơn

Nếu xuất khẩu bộn tiền vì USD tăng thì ở đầu ngược lại, nhiều đơn vị đang nhập khẩu hàng hóa từ một số thị trường như châu Âu, Nhật Bản cũng hưởng lợi lớn khi đồng tiền các nước này liên tục đi xuống. Ông Trần Văn Trường, Giám đốc Công ty TNHH thương mại quốc tế hải sản Hoàng Gia, cho biết tính đến hết tháng 4 lượng thủy sản nhập khẩu của công ty tăng 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhìn chung, các DN nhập khẩu hàng hóa từ thị trường EU đang hưởng lợi từ việc tỷ giá đồng euro/VND giảm mạnh. Cụ thể, công ty đang nhập khẩu cá hồi, cua hoàng đế từ thị trường Na Uy, cua nâu từ thị trường Ireland… Tuy nhiên, so cùng kỳ năm trước, cá hồi nhập từ Na Uy cao gấp đôi do giá thức ăn tăng chóng mặt và do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, sản lượng nuôi cá hồi tại thị trường này giảm sút mạnh.

Đồng euro giảm kéo dài dăm ba tháng sẽ giúp các nhà nhập khẩu hưởng lợi thực sự. Hơn nữa, VN quản lý ngoại hối khá tốt, biên độ tỷ giá dao động không quá lớn nên DN dù xuất khẩu bằng đồng euro cũng chưa quá lo lắng. “Trong kinh doanh nhập khẩu, quan trọng là giữ được ổn định và VN hiện làm tốt được duy trì tỷ giá ổn định”, ông Trần Văn Trường chia sẻ thêm.

Xuất khẩu kiếm 'bộn' tiền - ảnh 1

 

Doanh nghiệp xuất khẩu hưởng lợi  NGỌC DƯƠNG

Đại diện một DN nhập khẩu máy móc dùng trong lĩnh vực y tế và máy cắt bằng lazer, tiện công nghệ có độ chính xác cao từ Đức cho biết đang phấn khởi khi giá máy nhập về giảm khá mạnh. Cụ thể, với đơn giá 25.000 – 30.000 euro/máy, sau khi đặt hàng thường 6 tháng sau mới nhập về đến VN thì mới đây lịch thanh toán của công ty đã tiết kiệm được gần 10%, tương đương mỗi máy giảm được gần 3.000 euro (khi quy đổi sang tiền đồng). Cũng nhập khẩu máy móc từ Nhật Bản, ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch HĐTV Công ty cơ khí Duy Khanh, tỏ ra tiếc nuối khi không trả được tiền bằng đồng yen Nhật tại thời điểm này. Bởi sau khi đặt hàng dàn máy trị giá hơn 300 triệu yen nhưng thời gian giao là 6 tháng sau và khi đó mới thanh toán. Đối tác cũng không chấp nhận chọn tỷ giá tại thời điểm này để ký hợp đồng mà sẽ trả vào thời điểm giao hàng. Trong khi đó, một đối tác ở phía bắc vừa nhập dây chuyền máy móc của Nhật đã hưởng lợi 10% so với thời điểm ký hợp đồng mua máy vào cuối năm ngoái. Thay vì trả 300 triệu yen thì hiện nay, số tiền đồng để mua ngoại tệ trả cho nhà sản xuất Nhật Bản chỉ khoảng 270 triệu yen. Theo các DN nhập khẩu hàng hóa từ Nhật Bản, tỷ giá đồng yen từ tháng 12.2021 đến nay giảm gần 14%. Ông Đỗ Phước Tống cho rằng nếu các hợp đồng mua bán với Nhật được bắt đầu từ 3 tháng trở về trước, nay thanh toán sẽ hưởng lợi tốt nhờ yen trở nên rẻ hơn so với USD. Công ty ông vẫn đang đặt mua thép nhập từ Đức về làm nguyên liệu, việc chênh lệch tỷ giá euro đang được lợi nhưng không nhiều vì phải qua một nhà phân phối trung gian. Thay vì trả tiền thép vật liệu 100.000 euro, hiện tại trả hơn 2,5 tỉ đồng, giảm hơn 50 triệu đồng so với cách đây 1 tháng.

Không chỉ với các công ty, nhiều người tiêu dùng cũng “tranh thủ” mua hàng hóa từ thị trường châu Âu khi giá euro đã giảm mạnh. Chị Kim An (Q.1, TP.HCM) cho biết chị mới gửi nhờ người quen mua một chiếc túi hiệu LV từ Pháp vì quy đổi sẽ rẻ hơn vài triệu đồng. Sản phẩm chị chọn có giá khoảng 2.000 euro, hiện tương đương 50 triệu đồng, rẻ hơn 4 triệu đồng so với cuối năm 2021. Tương tự, nhiều hàng hóa như mỹ phẩm, nước hoa, quần áo từ các thị trường Pháp, Đức, Tây Ban Nha… về VN cũng đã dịu đi.

 

Xu hướng thuận lợi sẽ kéo dài

Giá USD thế giới đã tăng cao và duy trì trên mức đỉnh 20 năm qua, nhất là sau khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất và thu hẹp cung tiền ra thị trường để kiềm chế lạm phát. TS Nguyễn Văn Thuận, Trường ĐH Tài chính – Marketing TP.HCM, nhận định USD vẫn chiếm tỷ trọng áp đảo trong thanh toán quốc tế vì khả năng chuyển đổi tốt. Do vậy, các DN xuất khẩu ký hợp đồng theo giá USD là tất yếu và điều đó đang mang lại thuận lợi. Fed đã bày tỏ quan điểm sẽ còn tiếp tục điều chỉnh tăng lãi suất trong năm nay và đây sẽ là nguyên nhân đẩy giá đồng bạc xanh đi lên. Xu hướng này sẽ còn tiếp tục duy trì và giá USD vẫn neo cao. Song song đó, xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt nên khả năng đồng tiền chung châu Âu hồi phục là rất thấp. Trong khi đó, tỷ giá USD/VND trong nước từ đầu năm đến nay cũng tăng theo xu hướng chung của thế giới nhưng không biến động quá lớn. Đây chính là điểm cộng rất lớn cho môi trường kinh tế của VN, nhất là trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài.

Xuất khẩu kiếm 'bộn' tiền - ảnh 2

PGS-TS Nguyễn Đức Độ, Viện trưởng Viện Kinh tế tài chính (Học viện tài chính), cho rằng có thể nhiều DN không được hưởng lợi ngay như xuất hàng đi Mỹ dù giá USD tăng bởi các hợp đồng mua bán đã được ký kết từ cuối năm ngoái. Nhưng trong giai đoạn này, việc bán hàng sang Mỹ, cầm USD về và đổi sang tiền Việt giúp DN hưởng lợi rất rõ nếu mua nguyên liệu từ trong nước. Còn DN lại lấy ngoại tệ đó đi nhập khẩu nguyên liệu thì rõ ràng điều này triệt tiêu mất khoản lợi này. Chỉ có một số sản phẩm như xuất khẩu hoa quả, nông sản có giá trị gia tăng cao thì DN có lợi thực sự. Tuy nhiên, với nhà sản xuất lúc này, vấn đề cần quan tâm không phải là tỷ giá mà là tập trung sản xuất để bán được hàng càng nhiều càng tốt.

 

DN nên chọn thêm công cụ phòng vệ rủi ro về tỷ giá

PGS-TS Nguyễn Đức Độ phân tích thêm: Để an toàn, trong mua hay bán, DN nên chọn thêm công cụ phòng vệ rủi ro về tỷ giá ngoại tệ để không bị “sụp hố” khi tỷ giá thay đổi thất thường. Trên thực tế, tỷ lệ DN trong nước vẫn chọn hình thức thanh toán bằng tỷ giá “spot” (thanh toán ngày nào thì tính tỷ giá theo ngày đó) khá nhiều nên rủi ro vô cùng cao.

MAI PHƯƠNG – NGUYÊN NGA

TNO