02/11/2024

Nông dân lao đao, doanh nghiệp lãi khủng!

Nông dân lao đao, doanh nghiệp lãi khủng!

Lợi nhuận trong chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp không được phân phối hợp lý bởi trong khi nông dân thua lỗ vì chi phí cao thì nhiều doanh nghiệp kinh doanh phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc trừ sâu vẫn báo lãi!

 

 

Than khó khăn nhưng lãi gấp 5 – 10 lần!

Từ khi dịch Covid-19 làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, chi phí vận chuyển tăng, giá phân bón đã tăng lên đến đỉnh. Cuối năm 2021, các doanh nghiệp (DN) kinh doanh phân bón lãi khủng.

Nông dân lao đao, doanh nghiệp lãi khủng! - ảnh 1
Nông dân thua lỗ nhưng các doanh nghiệp phân bón, thuốc trừ sâu lại lãi khủng!  QUANG MINH

Cụ thể, Tập đoàn hóa chất Đức Giang (DGC) lợi nhuận tăng tới 352% so với năm 2020. Tổng công ty phân bón và hóa chất dầu khí (DPM) lợi nhuận trước thuế xấp xỉ 3.600 tỉ đồng, tăng 324% so với 2020, đạt mức lợi nhuận cao nhất trong 10 năm qua. Công ty CP phân bón dầu khí Cà Mau (DCM) cũng đạt lợi nhuận sau thuế 1.820 tỉ đồng, tăng gấp gần 3 lần. Cũng như Đạm Phú Mỹ, đây là kết quả kinh doanh cao nhất suốt 10 năm hoạt động của DN này.

Tập đoàn hóa chất VN (Vinachem) cũng có doanh thu hợp nhất năm 2021 đạt mức kỷ lục 51.200 tỉ đồng, tăng 24% so với năm 2020. Trong đó, lợi nhuận của nhiều công ty thành viên gồm Công ty CP super phốt phát và hóa chất Lâm Thao, Công ty CP phân bón Miền Nam tăng 12 lần, Công ty CP DAP – VINACHEM tăng 6,7 lần, Công ty CP hóa chất Việt Trì tăng 2 lần. Năm 2021, Công ty CP phân bón Bình Điền cũng đạt lợi nhuận trước thuế gần 372 tỉ đồng, tăng 24% so với kế hoạch năm 2021.

Tiếp đến, trong quý 1/2022, khi chiến sự Nga – Ukraine nổ ra, các DN phân bón một lần nữa than thở thiếu hụt nguyên liệu, khó khăn vận chuyển, đứt gãy nguồn cung nguyên liệu và tiếp tục đẩy giá phân bón nội địa lên cao, thậm chí một số thời điểm phân bón được cung cấp nhỏ giọt, tạo ra tình trạng khan hiếm cục bộ trên thị trường. Kêu khó là thế, nhưng kết thúc quý 1/2022, nhiều DN niêm yết trên sàn chứng khoán đã công bố kết quả kinh doanh khả quan với mức tăng trưởng cao hơn nhiều lần so với cùng kỳ năm trước. Có thể kể đến như DGC, Đạm Cà Mau và Đạm Phú Mỹ tăng gấp 5 – 10 lần so với cùng kỳ năm 2021, chủ yếu nhờ giá bán bình quân tăng mạnh.

Cụ thể, DGC lợi nhuận quý 1/2022 ước đạt 1.500 tỉ đồng, vượt 7,1% so với con số 1.400 tỉ đồng của quý 4/2021 và gấp hơn 5 lần so với cùng kỳ năm 2021 đạt 292 tỉ đồng. Ước tính năm nay, doanh thu của DGC sẽ tăng 22%, lợi nhuận tăng 25%. Cùng thời gian trên, cũng có mức lãi đột biến là DPM với doanh thu thuần đạt 5.829 tỉ đồng, tăng gấp 2 lần so với kết quả cùng kỳ năm 2021, trong khi lợi nhuận sau thuế đạt kỷ lục 2.126 tỉ đồng – gấp 12 lần so với số lãi 179 tỉ đồng ghi nhận trong quý 1/2021. Theo DPM, giá bán và sản lượng kinh doanh mặt hàng phân bón tăng mạnh trong quý đầu năm nay dẫn đến doanh thu và lợi nhuận tăng tương ứng. Công ty DCM đã công bố doanh thu quý 1/2022 đạt 4.074 tỉ đồng, cao gấp hơn 2 lần cùng kỳ năm trước và lãi sau thuế 1.518 tỉ đồng, gấp 10 lần quý 1/2021.

Tương tự, lĩnh vực sản xuất thức ăn chăn nuôi (TACN) lâu nay vẫn bị chiếm lĩnh bởi các tập đoàn nước ngoài và đến nay việc quản lý giá bán mặt hàng này hết sức khó khăn do những yếu tố về nguồn cung nguyên liệu cũng như việc chi phối của các DN ngoại.

Trong top 10 DN lớn nhất trong lĩnh vực TACN, đa số là các tên tuổi nước ngoài và lợi nhuận hầu như thuộc về họ. Đơn cử như Công ty Japfa (Indonesia) năm 2020 đạt lợi nhuận sau thuế gần 2.000 tỉ đồng, Công ty Cargill (Mỹ) năm 2020 đạt lợi nhuận sau thuế 939 tỉ đồng, Công ty CPV (Thái Lan) lợi nhuận sau thuế đạt 18.896 tỉ đồng…

 

Thụ động trong giải pháp “cứu” nông dân

Một sự nghịch lý là trong khi giá phân bón trong nước tăng cao, khan hiếm thì các DN sản xuất u rê lại đẩy mạnh xuất khẩu để kiếm lời. Thống kê trong 4 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu phân bón tăng 47% về lượng và tới 193% về giá trị, tương đương gần 440 triệu USD. Đến thời điểm này thì Bộ Tài chính cùng với Bộ NN-PTNT mới kiến nghị Chính phủ thực hiện các biện pháp kiểm soát xuất khẩu phân bón bằng hình thức áp thuế xuất khẩu 5%.

Theo GS-TS Bùi Chí Bửu, nguyên Phó viện trưởng Viện Khoa học nông nghiệp VN, từ 15 – 20 năm trước có một đoàn khoa học đã nghiên cứu và kiến nghị VN không nên xuất khẩu phân bón, đặc biệt là mặt hàng phân lân. Vì đây là mặt hàng rất có giá trị và số lượng có hạn, thế giới chỉ 6 nước có nguồn apatit để sản xuất phân lân. Ở VN, chỉ có ở Lào Cai với số lượng hạn chế, nên dự trữ để cho con cháu đời sau, còn trước mắt nên nhập khẩu. Đối với phân đạm, nó là sản phẩm phụ của quá trình khai thác dầu khí ở Biển Đông. Hiện nay, nguồn cung nội địa đang tốt, VN không bị ảnh hưởng gì bởi tình hình thế giới. DN chỉ tăng giá để ăn theo giá thế giới và hưởng lãi khủng; trong khi gánh nặng kinh tế đổ lên vai nông dân vốn là những người yếu thế nhất trong chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp. Việc gần đây các bộ ngành kiến nghị kiểm soát và đánh thuế xuất khẩu là đúng đắn, nhưng phản ứng dường như còn chậm và mức thuế xuất còn thấp. Nông nghiệp là trụ đỡ của nền kinh tế, nông dân là lực lượng đông đảo trong xã hội, nhưng lại yếu thế nhất; cần có các chính sách hướng đến việc bảo vệ họ tốt hơn.

Thực tế, nông dân bị chi phí ăn mòn vào lợi nhuận vốn đã ít ỏi. Ông Nguyễn Thành An, nông dân ở H.Thoại Sơn (An Giang), cho biết: “Ngoài mặt hàng u rê có xu hướng giảm nhẹ khoảng 100 đồng/kg, các sản phẩm khác vẫn duy trì mức giá cao. Hè thu là vụ sản xuất gặp nhiều khó khăn về thời tiết, nếu phân bón vẫn tiếp tục duy trì giá cao như hiện tại nhiều khả năng sẽ lỗ vì năng suất thường không cao bằng vụ đông xuân”.

Trong khi đó, anh Nguyễn Văn Hoàng, một nhà vườn ở H.Kế Sách (Sóc Trăng), than thở: “Vườn cây ăn trái nhà tôi gồm các loại như ổi, mận, xoài… đã hết vụ thu hoạch nhưng do giá bán quá thấp, tôi không có lãi, giá phân lại cao nên hiện tại chưa có tiền để mua phân bón về dưỡng cây cho vụ tới. Nhiều nhà vườn khác cũng đang rơi vào cái vòng luẩn quẩn không có lối ra liên quan đến giá thành sản phẩm và chi phí đầu tư”.

Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, cho hay: Từ đầu năm đến nay, các DN sản xuất TACN đã nhiều lần thông báo tăng giá với mỗi lần tăng từ 300 – 400 đồng/kg, nhưng mức giá tăng 300 đồng/kg lại dành cho những thức ăn rất ít sử dụng. Mức tăng 400 đồng/kg tương đương với 10.000 đồng/bao cám và với mức tăng 4 lần như vậy thì có nghĩa mỗi bao cám tăng 40.000 đồng.

Để nuôi heo thịt đạt trên dưới 100 kg/con, người nuôi phải tốn trung bình 10 bao cám (hơn 4 triệu đồng), điều này có nghĩa 1 tạ heo hơi người chăn nuôi đã đội thêm 400.000 đồng tiền cám, ngoài ra các chi phí khác tối thiểu phải cộng thêm 10% giá trị của con heo nữa. Trong khi đó, với giá heo hơi hiện nay trung bình khoảng 55.000 đồng/kg chỉ tương đương với giá thành sản xuất, người chăn nuôi phải mua con giống thì sẽ lỗ vốn.

Tương tự, nhiều hộ nuôi gà cho biết giá cám tăng liên tục đã đẩy giá thành chăn nuôi gà công nghiệp (lông trắng) ở mức cao, hiện phổ biến từ 27.000 – 28.000 đồng/kg, thậm chí cao hơn nếu gặp rủi ro dịch bệnh. Theo ông Lê Văn Quyết, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam bộ, rất nhiều người nuôi gà công nghiệp đang có nguy cơ thua lỗ lớn khi giá thành chăn nuôi tăng liên tục nhưng giá gà bán ra thường thiếu ổn định, dưới giá thành sản xuất.

Ở một góc độ nào đó, sự teo tóp của các nông hộ chăn nuôi cho thấy sự bấp bênh của thị trường đã khiến người chăn nuôi rơi rụng dần khỏi cuộc đua bởi không đủ lực, tổ chức sản xuất theo chuỗi còn yếu, thiếu bền vững và dịch chuyển sang xu hướng chăn nuôi hiện đại bởi các DN có tiềm năng tài chính và quản trị.

Ông Tống Xuân Chinh (Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi – Bộ NN-PTNT)

QUANG THUẦN – CHÍ NHÂN

TNO