24/11/2024

‘Soi’ lợi nhuận của các công ty niêm yết

‘Soi’ lợi nhuận của các công ty niêm yết

Phân bón, thuỷ sản, ngân hàng và chứng khoán vẫn tiếp tục là những nhóm ngành có nhiều doanh nghiệp đạt lợi nhuận khủng trong 3 tháng đầu năm nay.

 

 

Phân bón, thuỷ sản rủng rỉnh lợi nhuận

Theo ước tính từ số liệu của 360 doanh nghiệp (DN) niêm yết của FiinGroup cho thấy lợi nhuận sau thuế tăng trưởng 103,2% so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể đối với những DN phi tài chính, nhóm phân bón tăng trưởng lợi nhuận sau thuế cao nhất toàn thị trường với 663,4% chủ yếu nhờ giá bán bình quân tăng cao do đẩy mạnh xuất khẩu. Cụ thể, có thể kể đến đại diện của nhóm ngành này là Tổng công ty phân bón và hóa chất dầu khí (DPM) với doanh thu thuần trong quý 1/2022 đạt 5.829 tỉ đồng, tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2021, trong khi lợi nhuận sau thuế đạt kỷ lục 2.126 tỉ đồng, gấp 12 lần so với số lãi 179 tỉ đồng ghi nhận trong quý 1/2021. Theo giải trình, DPM cho biết giá bán và sản lượng kinh doanh mặt hàng phân bón tăng mạnh trong quý đầu năm nay dẫn đến doanh thu và lợi nhuận tăng tương ứng. Cùng nhóm ngành phân bón, Công ty CP phân bón dầu khí Cà Mau (DCM) đã công bố doanh thu quý 1/2022 đạt 4.074 tỉ đồng, cao gấp hơn 2 lần cùng kỳ năm trước và lãi sau thuế 1.518 tỉ đồng, gấp 10 lần quý 1/2021.

Tương tự, Tập đoàn hóa chất Đức Giang (DGC) công bố lợi nhuận quý đầu năm nay ước đạt 1.500 tỉ đồng, vượt 7,1% so với con số 1.400 tỉ đồng của quý 4/2021 và gấp hơn 5 lần so với cùng kỳ năm trước. Đây là ngành hưởng lợi do đứt gãy chuỗi cung ứng vì xung đột quân sự giữa Nga – Ukraine đã đẩy giá u rê toàn cầu tăng vọt và dự báo có thể vẫn ở mức cao trong 6 tháng đầu năm 2022 so với cùng kỳ.

'Soi' lợi nhuận của các công ty niêm yết - ảnh 1
Nhiều doanh nghiệp rủng rỉnh lợi nhuận quý 1/2022  NGỌC THẮNG

Xếp sau nhóm phân bón là các DN thủy sản cũng có một quý kinh doanh rực rỡ với lợi nhuận sau thuế bình quân tăng 237% so với cùng kỳ năm trước, trong khi doanh thu tăng 49,2%. Tăng trưởng cao nhất thuộc về Công ty CP Vĩnh Hoàn (VHC) ghi nhận hơn 550 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng đến 4,2 lần so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu xuất khẩu sang thị trường Mỹ trong quý đầu năm nay của VHC đạt mức tăng trưởng vượt bậc với hơn 1.600 tỉ đồng, tăng hơn 126% và tiêu thụ thị trường trong nước cũng phục hồi tốt. Đây là mức lợi nhuận quý cao nhất kể từ quý 3/2018 đến nay của VHC. Tương tự, Công ty CP xuất nhập khẩu thủy sản Cửu Long An Giang (ACL) báo cáo doanh thu quý đầu năm đạt 315,3 tỉ đồng, đi ngang so với quý 1/2021 nhưng lãi sau thuế lại gấp gần 6 lần, lên đến hơn 62,6 tỉ đồng. Hay Công ty CP đầu tư và phát triển đa quốc gia (IDI) cũng thu về mức lãi sau thuế hơn 200 tỉ đồng trong quý đầu năm, gấp 10 lần quý 1/2021 và đạt mốc kỷ lục lợi nhuận quý cao nhất kể từ khi công bố thông tin vào năm 2010…

 

Ngân hàng, chứng khoán cũng thu lời hàng ngàn tỉ đồng

Không có mức tăng trưởng cao như các DN phân bón, thủy sản nhưng con số lợi nhuận từ các ngân hàng (NH), chứng khoán trong 3 tháng đầu năm nay vẫn giữ mức cao nhất thị trường khi đạt hàng ngàn tỉ đồng.

Theo ước tính từ 27 NH đã công bố báo cáo tài chính quý 1/2022, tổng lợi nhuận đạt gần 68.000 tỉ đồng, tăng hơn 16.000 tỉ đồng so với quý 1/2021, tương đương tăng 31%. Tăng trưởng tích cực này chủ yếu được đóng góp bởi NH TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPB) nhờ ghi nhận phí trả trước từ hợp đồng bán bảo hiểm với AIA và LPB, nhờ thu hồi lãi từ các khoản vay bị ảnh hưởng bởi Covid-19 được cơ cấu trước đây. VPB báo cáo lợi nhuận sau thuế riêng của NH đạt hơn 8.421 tỉ đồng, tương đương bằng 227% so với cùng kỳ năm trước và lợi nhuận sau thuế hợp nhất với các công ty con đạt hơn 8.900 tỉ đồng, tương đương 178,49% cùng kỳ năm trước chủ yếu do thu nhập từ lãi thuần tăng cao. NH Vietcombank cũng là nhà băng có con số lãi gần 10.000 tỉ đồng, tăng 15,3% so với cùng kỳ và vượt tiến độ trình cổ đông. Dù vậy, NH này đã không còn giữ được ngôi vị quán quân về lợi nhuận do VPB đã vượt mặt. Hay lợi nhuận trước thuế hợp nhất của Sacombank đạt 1.589 tỉ đồng trong quý 1/2022, tăng 59% so với cùng kỳ năm 2021. Còn nếu xét về tăng trưởng lợi nhuận, trong quý đầu năm 2022, NH Eximbank có lợi nhuận hợp nhất trước thuế đạt hơn 809 tỉ đồng, gấp 4 lần cùng kỳ 2021. Lý giải về mức tăng trưởng lợi nhuận cao kể trên, lãnh đạo Eximbank cho biết sau giai đoạn giãn cách do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nền kinh tế đang dần phục hồi trở lại và các khách hàng vay đã có nguồn thu nhập để trả nợ. Do đó, ngoài khoản lãi dự thu hằng ngày, NH đã thu hồi được nợ lãi của các khoản nợ quá hạn nhóm 2-5, lãi của các khoản nợ cơ cấu do ảnh hưởng dịch Covid-19, nợ gốc đã được xử lý bằng dự phòng rủi ro. Tương tự, lợi nhuận trước thuế quý 1 của SHB đạt 3.226 tỉ đồng, tăng tới 94% so với cùng kỳ dù NH tăng mạnh trích lập dự phòng…

Ngoài khối NH, các công ty chứng khoán cũng tiếp tục ghi nhận mức lãi lớn. Đó là SSI đạt doanh thu 2.068,4 tỉ đồng, tăng 36% và lợi nhuận trước thuế 883 tỉ đồng, tăng 67% so với cùng kỳ năm 2021. Hay Công ty CP chứng khoán VNDirect (VND) cũng có doanh thu 1.767 tỉ đồng, tăng 61% và lãi trước thuế 956,3 tỉ đồng, tăng 48% so với quý 1/2021. Đây là mức lợi nhuận kỷ lục trong một quý mà công ty chứng khoán này đạt được kể từ khi hoạt động. Không ngoại lệ, Công ty CP chứng khoán MB (MBS) cũng ghi nhận doanh thu gần 610 tỉ đồng, tăng 52% so với cùng kỳ năm trước; tổng lợi nhuận sau thuế trong quý đạt hơn 200 tỉ đồng, gấp đôi so với cùng kỳ 2021 và là con số lợi nhuận kỷ lục của MBS đạt được tính theo quý…

 

Sản xuất, thương mại sẽ tiếp tục tăng trưởng cao trong cả năm

Nhiều báo cáo đều cho thấy hoạt động xuất khẩu của Việt Nam vẫn giữ đà tăng trưởng tốt trong quý đầu năm nay và sẽ duy trì được đến hết năm. Ví dụ, số liệu từ Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho thấy, xuất khẩu thủy sản cả nước ước đạt 920 triệu USD, đưa tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này trong quý 1 đạt 2,4 tỉ USD, tăng 40% so với cùng kỳ năm trước. Giá bán nhiều sản phẩm cũng đã tăng cao so với cùng kỳ và đó là những cơ hội cho các DN thủy sản. Chẳng hạn xuất khẩu cá tra được dự báo phục hồi mạnh trong năm nay do nhu cầu cá thịt trắng toàn cầu tăng, đặc biệt sau sự thiếu hụt từ Nga. Hay báo cáo của FiinGroup cho rằng kỳ vọng vào nhu cầu tiêu dùng hồi phục khi các hoạt động kinh tế dần ổn định trở lại là cơ sở cho dự báo tăng trưởng lợi nhuận tích cực của các DN thuộc nhóm ngành du lịch (bao gồm cảng hàng không và giải trí), hàng cá nhân, đồ uống, điện, thủy sản, may mặc trong năm 2022…

Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển nhận định, năm 2021 dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp thì kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vẫn tăng trưởng. Đà tăng này vẫn duy trì tốt sang quý đầu năm nay. Vì vậy các công ty xuất khẩu hầu hết đều có mức tăng trưởng cao. Hơn nữa, những DN niêm yết đều là các công ty lớn, đặt trụ sở tại nhiều khu công nghiệp nên khôi phục lại nhanh sau Covid-19 hơn các đơn vị nhỏ. Dự báo với nhu cầu tiêu thụ ở nhiều thị trường đều tăng trưởng so với năm trước thì cả năm nay các DN xuất khẩu đều có tăng trưởng cao hơn. Tương tự, nhóm DN thương mại và dịch vụ cũng sẽ khả quan khi sự hồi phục của thị trường khá nhanh khi dịch đang được kiểm soát tốt hơn tại trong nước lẫn thế giới. Dù vậy, ông cho rằng lợi nhuận của các NH, công ty chứng khoán sẽ khó tiếp tục có đà tăng cao như năm vừa qua. Cụ thể, ngành NH bị tiềm ẩn rủi ro do nợ xấu gia tăng hay công ty chứng khoán sẽ gặp khó vì lãi từ hoạt động tự doanh sẽ không còn cao. Nhìn chung, nếu DN nào có lãi từ hoạt động tài chính, chuyển nhượng tài sản cao thì sẽ khó duy trì đà tăng trong năm nay.

MAI PHƯƠNG

TNO