23/11/2024

Nâng cao chất lượng nông sản Việt: Phải giúp nông dân thay đổi cách nghĩ, cách làm

Nâng cao chất lượng nông sản Việt: Phải giúp nông dân thay đổi cách nghĩ, cách làm

Tuổi Trẻ xin giới thiệu những trăn trở và góp ý của GS Võ Tòng Xuân về sản xuất sạch hơn và nâng cao chất lượng nông sản Việt.

 

 

Nâng cao chất lượng nông sản Việt: Phải giúp nông dân thay đổi cách nghĩ, cách làm - Ảnh 1.

Chuyển sang nông nghiệp sạch, ít sử dụng phân thuốc, giảm lượng giống là xu hướng tất yếu hiện nay tại ĐBSCL – Ảnh: CHÍ QUỐC

Sau tọa đàm “Sản xuất sạch – Nông dân khỏe – Giá trị cao” do báo Tuổi Trẻ, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT), Sở NN&PTNT Đồng Tháp phối hợp tổ chức ngày 22-4, nhiều chuyên gia và nhà khoa học tiếp tục gửi tới ban tổ chức những đóng góp và hiến kế giúp nông nghiệp Việt Nam sạch hơn, giá trị hơn.

Dưới đây là chia sẻ của GS Võ Tòng Xuân.

 

Dùng nhiều phân thuốc để tăng năng suất

Nâng cao chất lượng nông sản Việt: Phải giúp nông dân thay đổi cách nghĩ, cách làm - Ảnh 2.

GS Võ Tòng Xuân – Ảnh: CHÍ QUỐC

Nông dân Việt Nam rất tự hào với kinh nghiệm nghề trồng lúa nước hàng ngàn năm nay, đã sản xuất không những đủ ăn mà còn có dư để bán ra thị trường trong nước và xuất khẩu.

Tự hào hơn nữa đối với thế hệ sau này khi sử dụng giống lúa cao sản bà con đạt năng suất cao hơn gấp nhiều lần lúa cổ truyền của ông bà nhờ bón nhiều phân hóa học, đặc biệt là phân urê và DAP.

Dù bà con thấy càng dùng nhiều phân đạm là sâu rầy càng thích đáp vô ruộng ăn lá, bẹ, cổ bông, hoặc bông lúa nhưng không lo vì đã có thuốc bảo vệ thực vật phun lên cây lúa để tiêu diệt chúng. Vì tự hào với kinh nghiệm thực tiễn đó mà thường nông dân không theo lời khuyên của cán bộ kỹ thuật.

Thật tiếc quá! Bởi vì trồng lúa như vậy nông dân vừa tốn tiền mua nhiều phân hóa học, vừa tốn tiền phun nhiều thuốc. Cách làm đó vừa làm ô nhiễm không khí, làm vơi túi tiền của mình, vừa làm cho hạt gạo không ngon và không an toàn cho người dùng.

Bây giờ khi phân thuốc hóa học tăng giá quá cao, bà con nông dân mới thấm thía việc lạm dụng phân thuốc không còn lời như trước nữa.

Thật ra, ngay từ lúc hạt giống lúa cao sản được áp dụng ở nước ta từ hơn nửa thế kỷ trước, các nhà khoa học nông nghiệp đã đưa ra quy trình trồng lúa mà khâu bón phân hóa học phải bắt đầu từ giai đoạn bón lót phân hỗn hợp NPK rồi trục nhận phân vào đất, trang bằng mặt ruộng xong mới sạ hoặc cấy lúa.

Nhưng phần lớn nông dân nghĩ rằng kỹ thuật đó không hợp lý. Ai dại gì bón phân khi chưa có lúa! Họ chờ lúc lúa mọc lên bén rễ rồi mới bón phân. Nhưng bón phân urê sau khi lúa đã được sạ hoặc cấy thì phân bị oxy hóa thành khí nhà kính.

Do đó, dù lúa đạt năng suất cao nhưng lại lãng phí tiền vì ít nhất phân nửa lượng phân bị bốc hơi, tốn thêm tiền mua thuốc bảo vệ thực vật phun xịt diệt sâu bệnh lại thêm ô nhiễm môi trường. Không những hạt gạo có nguy cơ nhiễm phân thuốc mà giá thành sản xuất lúa cũng tăng lên, nông dân không còn lời bao nhiêu.

 

Hiệu quả thực tế, người dân sẽ làm theo

Đáng mừng là gần đây một bộ phận bà con nông dân đã thay đổi, bỏ kinh nghiệm cũ để chuyển sang áp dụng kỹ thuật tiến bộ hơn. Như trường hợp bón phân lót rồi trục nhận vùi phân vào đất trước khi sạ hoặc cấy lúa mà tôi đề nghị nông dân áp dụng.

Nâng cao chất lượng nông sản Việt: Phải giúp nông dân thay đổi cách nghĩ, cách làm - Ảnh 3.

Khảo sát mô hình trồng lúa hữu cơ tại huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: CHÍ QUỐC

Ông Lê Minh Hoan, khi là bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp đã đề nghị nông dân xã viên Hợp tác xã nông nghiệp An Phong, huyện Tháp Mười mạnh dạn áp dụng kỹ thuật giảm giá thành trồng lúa bằng cách giảm lượng hạt giống và bón lót phân đạm, lân và kali với hàm lượng đạm chỉ bằng phân nửa lượng cũ.

Trung tâm Khuyến nông Đồng Tháp theo dõi thu thập số liệu cho thấy giá thành sản xuất lúa giảm từ 4.000 – 4.200 đồng/kg còn 2.500 đồng/kg. Bây giờ kỹ thuật này đã trở thành thói quen trồng lúa của bà con xã viên Hợp tác xã nông nghiệp An Phong và một số nông dân quanh vùng.

Rõ ràng để áp dụng một chính sách mới, khi lãnh đạo thấy rõ đây là cách làm đúng và kiên quyết thực hiện đến khi có kết quả thì nông dân sẽ làm theo.

Sản xuất nông nghiệp của Việt Nam đang đứng trước yêu cầu vừa bảo đảm sản lượng cao, vừa giảm tối thiểu khí nhà kính, sản phẩm làm ra đảm bảo an toàn nhưng thơm ngon, và giá thành thấp để cạnh tranh khi xuất khẩu.

Như thế bắt buộc nông dân – nhất là nông dân trồng lúa không thể lạm dụng phân bón hóa học, mà phải chuyển qua cách làm mới giảm phụ thuộc phân thuốc, chuyển sang canh tác hữu cơ sinh học…

Chuyển từ cách làm cũ dễ dàng sang cách làm mới khó hơn không chỉ cần quyết tâm của nông dân, mà người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các địa phương cũng cần quyết liệt vào cuộc, không tiếp tay cho các doanh nghiệp kinh doanh phân thuốc hóa học tổ chức hội thảo quảng cáo thuốc, khuyến cáo và hỗ trợ nông dân thay đổi cách làm sản xuất an toàn.

* Ông Hồ Thế Huy (trưởng vùng ĐBSCL Công ty cổ phần phân bón Bình Điền):

 

Đầu tư phim trường giúp nông dân giảm chi phí phân bón

Năm 2021 tình hình sản xuất nông nghiệp của bà con nông dân gặp rất nhiều khó khăn do dịch COVID-19, giá nông sản giảm trong khi giá phân bón thị trường tăng “chóng mặt”. Tất cả các loại phân đơn kể cả nhập khẩu và sản xuất trong nước như DAP, kali, SA, urê đều tăng mạnh.

Trong tình hình giá phân nguyên liệu tăng 200%, thậm chí 300%, các sản phẩm của Công ty cổ phần phân bón Bình Điền chỉ tăng bình quân 16% trong năm 2021.

Ngoài ra, công ty đã thực hiện nhiều chương trình để giúp bà con nông dân tăng hiệu quả sử dụng phân bón từ đó tiết kiệm được lượng phân bón, tăng năng suất để có được thu nhập tốt hơn trong canh tác nông nghiệp.

Rõ ràng để giảm phân bón mà vẫn giữ được năng suất phải có giải pháp kỹ thuật kèm theo. Vì vậy, cùng với sự đồng hành của hội đồng khoa học kỹ thuật, Công ty cổ phần phân bón Bình Điền đã đầu tư phim trường và thực hiện rất nhiều các chương trình tư vấn trực tuyến, thực hiện video hướng dẫn kỹ thuật nông nghiệp cho bà con nông dân.

Trên cây lúa, công ty đã cùng với Trung tâm Khuyến nông quốc gia, trung tâm khuyến nông và dịch vụ nông nghiệp 13 tỉnh thành vùng ĐBSCL thực hiện chương trình canh tác lúa thông minh.

Qua 3 vụ lúa đông xuân 2020 – 2021, hè thu 2021 và đông xuân 2021 – 2022 cho thấy năng suất bình quân mô hình tăng 200 – 870 kg/ha, tiết kiệm được lượng phân bón và chi phí sản xuất từ đó giúp lợi nhuận đạt được tăng 3,1 – 5,7 triệu đồng/ha.

Với hơn 200 ruộng mô hình đã thực hiện trong 3 vụ và hàng ngàn lượt nông dân trong các khu vực thực hiện mô hình được tập huấn, chuyển giao thì chương trình canh tác lúa thông minh đã và đang là một chương trình rất có hiệu quả được cả nông dân, ban ngành nông nghiệp và các chuyên gia đánh giá rất cao về hiệu quả trong việc hỗ trợ sản xuất lúa.

Nhiều địa phương như Vĩnh Long, Tiền Giang, Sóc Trăng, Kiên Giang đã xây dựng các dự án, chương trình để hỗ trợ nông dân từ hiệu quả của chương trình này.

Chúng tôi cũng đồng hành với trung tâm khuyến nông các tỉnh An Giang, Kiên Giang, Tiền Giang và Viện Cây ăn quả Miền Nam, Viện Khoa học nông lâm nghiệp Tây Nguyên, Viện Khoa học nông nghiệp Miền Nam để thực hiện các mô hình trình diễn, thử nghiệm giảm phân bón, tăng hiệu quả trong canh tác lúa, cây ăn trái và cây công nghiệp.

H.T.DŨNG ghi
TTO