22/12/2024

Mỹ trong ‘cuộc chiến’ với Trung Quốc ở nam Thái Bình Dương

Mỹ trong ‘cuộc chiến’ với Trung Quốc ở nam Thái Bình Dương

Sau 80 năm kể từ trận hải chiến biển San Hô vào tháng 5.1942 đóng vai trò bước ngoặt ở mặt trận Thái Bình Dương trong Thế chiến 2, khu vực nam Thái Bình Dương giờ đây đang đứng trước cuộc tranh giành ảnh hưởng mới giữa Mỹ và đồng minh trước Trung Quốc đang trỗi dậy.

 

Hôm qua (24.4), Đài ABC dẫn lời Thủ tướng Úc Scott Morrison tuyên bố việc Trung Quốc xây dựng căn cứ quân sự ở quần đảo Solomon sẽ là “lằn ranh đỏ” đối với Úc và Mỹ. Tuyên bố của Thủ tướng Morrison cho thấy sự căng thẳng trong cuộc tranh giành ảnh hưởng giữa Mỹ và đồng minh với Trung Quốc ở các đảo quốc Thái Bình Dương.

 

Sự cạnh tranh của Trung Quốc

Sau Thế chiến 2, từ chỗ đối địch, Mỹ và Nhật Bản dần trở thành đồng minh quan trọng, đồng thời phối hợp cùng Úc và New Zealand gầy dựng ảnh hưởng tại các đảo quốc ở nam Thái Bình Dương. Trước đó, đây là khu vực mà cả Mỹ, Nhật Bản và Úc đều có nhiều ảnh hưởng.

Mỹ trong 'cuộc chiến' với Trung Quốc ở nam Thái Bình Dương - ảnh 1
Hải quân Mỹ thường xuyên hiện diện tại nam Thái Bình Dương  AFP

Từ sau Thế chiến 2 đến nay, cả 4 nước đều được xem là đối tác lâu năm, có nhiều ảnh hưởng tại các quốc đảo ở khu vực này. Vì thế, suốt nhiều thập kỷ, các đảo quốc khu vực nam Thái Bình Dương được xem như “sân sau” của Mỹ và đồng minh trong khu vực.

Tuy nhiên, Trung Quốc những năm gần đây nổi lên như một thế lực cạnh tranh ảnh hưởng ở khu vực này bằng những khoản viện trợ tài chính và đầu tư. Vào tháng 4.2018, tờ The Sydney Morning Herald đưa tin một đảo quốc nam Thái Bình Dương khác là Vanuatu đã cho phép Trung Quốc xây dựng căn cứ quân sự tại đây.

Đến năm 2019, tạp chí The Australia Financial Review đưa tin đảo quốc Solomon đã ký kết thỏa thuận với một tập đoàn của Trung Quốc là China Sam để phát triển đảo Tulagi. Thời hạn thỏa thuận được cho là lên đến 75 năm. Nằm ở miền trung Solomon, đảo Tulagi có diện tích khoảng 2,8 km2 sẽ nhận sự đầu tư từ China Sam ở nhiều lĩnh vực như thương mại, cơ sở hạ tầng, nông nghiệp, ngư nghiệp… Bên cạnh đó, đảo Tulagi được đánh giá là rất có tiềm năng phát triển một cảng nước sâu, nên có thể mở đường cho Trung Quốc xây dựng một căn cứ quân sự ở Solomon, góp phần hình thành một cứ điểm mới cho Bắc Kinh ở nam Thái Bình Dương. Lo ngại này càng được củng cố khi China Sam có quan hệ thân cận với chính phủ Trung Quốc.

Khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc đã lên tiếng cho rằng việc thành lập một căn cứ quân sự nước ngoài tại các đảo quốc ở nam Thái Bình Dương là “đáng quan ngại”. Nhận xét về việc Trung Quốc thuê đảo của Solomon, ông Peter Jennings, Giám đốc Viện Chính sách chiến lược Úc, khẳng định: “Sẽ sai lầm nếu xem đây là thương mại đơn thuần”.

Đến mới đây, Trung Quốc và Solomon ký kết thỏa thuận an ninh mà theo các thông tin rò rỉ thì thỏa thuận này có thể cho phép Trung Quốc thiết lập cơ sở quân sự ở Solomon. Cả Vanuatu lẫn Solomon đều nằm trên tuyến hàng hải kết nối Mỹ với Úc. Nếu phát triển các căn cứ quân sự tại khu vực này, Trung Quốc có thể theo dõi được các động thái phối hợp giữa hải quân hai nước Mỹ và Úc.

Mỹ trong 'cuộc chiến' với Trung Quốc ở nam Thái Bình Dương - ảnh 2
Các đảo quốc nam Thái Bình Dương có vị trí quan trọng  TL

“Đòn thế” của Washington

Chính vì thế, những ngày qua, Úc cùng với New Zealand và Mỹ, Nhật Bản đã lên tiếng phản ứng thỏa thuận giữa Trung Quốc với Solomon. Cao trào là phát biểu về “lằn ranh đỏ” mà Thủ tướng Morrison đưa ra vào hôm qua (24.4).

Đến nay, Mỹ và đồng minh chỉ mới đưa ra cảnh báo, đồng thời tìm cách vận động Solomon. Theo thông báo từ Nhà Trắng, ngày 22.4, một phái đoàn cấp cao của Mỹ đã đến Solomon để gặp các lãnh đạo sở tại. Trong nội dung làm việc, hai bên đã thảo luận xung quanh thỏa thuận an ninh vừa được ký kết giữa Solomon và Trung Quốc. Qua đó, Washington lưu ý rằng có những tác động tiềm ẩn về an ninh khu vực của thỏa thuận, đồng thời cảnh báo nếu Trung Quốc thúc đẩy sự hiện diện quân sự ở Solomon thì phía Mỹ sẽ có phản ứng tương xứng.

Trước khi đến Solomon, phái đoàn Mỹ đã dừng chân tại Hawaii và gặp gỡ các quan chức cấp cao từ Úc, Nhật Bản và New Zealand. Phái đoàn Mỹ cũng đã đến Fiji, Papua New Guinea để gặp các lãnh đạo sở tại cùng các đối tác ở khu vực. Trong các cuộc gặp, phía Mỹ tái khẳng định sẽ tìm cách làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ lâu bền với các đảo quốc ở Thái Bình Dương, có những động thái cụ thể nhằm thúc đẩy chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Đây chính là chiến lược của Washington nhằm đối phó sự trỗi dậy của Trung Quốc trong khu vực.

Thực tế, Washington không hề “chờ nước đến chân” thì mới hành động. Hiện tại, Mỹ đang thúc đẩy tiến trình gia hạn các thỏa thuận an ninh với 3 đảo quốc ở khu vực này là Liên bang Micronesia, Quần đảo Marshall và Palau vốn sắp hết hạn vào năm 2023 và 2024. Theo thỏa thuận, quân đội Mỹ được đặc quyền tiếp cận không phận và hải phận của 3 nước trên. Đổi lại, 3 đảo quốc Thái Bình Dương sẽ nhận viện trợ tài chính từ Mỹ. Khi gia hạn thành công các thỏa thuận vừa nêu, Washington có thể củng cố sức mạnh quân sự tại khu vực này.

Ngoài ra, từ tháng 9.2021, Mỹ cùng với Úc và Anh đạt thỏa thuận hợp tác AUKUS, trong đó bao gồm việc Washington cùng với London hỗ trợ Canberra phát triển hạm đội tàu ngầm chạy bằng hạt nhân. Thỏa thuận này được đánh giá sẽ giúp Úc tăng cường năng lực hải quân hoạt động ở khu vực. Trước khi Canberra sở hữu tàu ngầm hạt nhân, theo giới quan sát, Mỹ sẽ điều động tàu ngầm hạt nhân đồn trú ở Úc. Đó là một trong nhiều động thái củng cố năng lực răn đe quân sự của Mỹ trong khu vực, bên cạnh việc thúc đẩy sự hợp tác trong bộ tứ an ninh (gồm Mỹ, Nhật Bản, Úc và Ấn Độ) để theo đuổi Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở.

 

Vị thế của Úc

Trong nhiều năm, Úc được ghi nhận là nước viện trợ lớn nhất cho các đảo quốc nam Thái Bình Dương, có tổng trị giá lên đến 7 tỉ USD từ năm 2006 – 2013. Xếp thứ 2 trong cùng quãng thời gian là Mỹ với 1,65 tỉ USD. Trong những năm gần đây, theo thống kê của cơ quan ngoại giao và thương mại Úc, chương trình viện trợ vốn phát triển chính thức (ODA) dành cho các đảo quốc khu vực nam Thái Bình Dương liên tục tăng trong những năm gần đây. Cụ thể, năm tài chính 2018-2019 là 1,3 tỉ USD, năm tài chính 2019-2020 là hơn 1,38 tỉ USD và năm 2020-2021 lên đến 1,44 tỉ USD.

HOÀNG ĐÌNH

TNO