23/12/2024

‘Cháu tôi rớt tốt nghiệp vì điểm liệt môn sử’

‘Cháu tôi rớt tốt nghiệp vì điểm liệt môn sử’

Vài năm trước, cháu tôi có học lực khá nhưng rớt tốt nghiệp THPT vì môn sử chỉ đạt 0,5 điểm dù các môn còn lại đều trên 7 điểm.

 

 

Cháu tôi rớt tốt nghiệp vì điểm liệt môn sử - Ảnh 1.

Học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn, quận 3, TP.HCM trong chương trình Ngày hội hóa thân thành các nhân vật lịch sử do tổ lịch sử của trường tổ chức năm 2019. Đây là một trong những hoạt động giúp học sinh yêu thích môn sử – Ảnh: HOÀNG HƯƠNG

Sẵn dịp cháu vào TP.HCM chơi để quên nỗi buồn thi rớt, hỏi thăm tôi biết cháu chán học môn lịch sử.

 

Gánh nặng thi cử 

Nghe cháu kể, ở trường trong tiết học môn lịch sử, cô giáo cứ chăm chú đọc giáo án cho học sinh ghi chép, nội dung dài lê thê. Nào là những con số thương vong trong từng trận đánh, số lượng vũ khí thu được của địch và phải nhớ rất nhiều số liệu và ngày giờ tháng năm. Cháu không thể nhớ hết, cảm thấy môn lịch sử như một gánh nặng trong thi cử. Vả lại, môn sử cũng không phục vụ gì cho nghề nghiệp sau này nên cháu cũng ít đầu tư hơn.

Rớt tốt nghiệp là cú sốc với bản thân cháu và người thân trong gia đình. Cháu chia sẻ rằng thấy tiếc vì có số điểm khối A rất cao, dư sức trúng tuyển vào Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, chỉ vì bị điểm liệt môn lịch sử nên đã rớt cả tốt nghiệp lẫn đại học. Tôi hỏi cháu rớt như vậy có oan ức không? Cháu trả lời “dạ không”, vì chán môn lịch sử nên không đả động gì tới, không đầu tư công sức nên khi thi không làm bài được.

Tôi hỏi cháu có biết di tích lịch sử nào ở TP.HCM? Cháu trả lời “dạ không”. Thế là tôi dành ra hai ngày cuối tuần dẫn cháu đi tham quan các di tích lịch sử như dinh Thống Nhất, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, chợ Bến Thành, địa đạo Củ Chi, rừng Sác Cần Giờ… Quan sát, tôi thấy cháu rất thích thú, chăm chú nghe thuyết minh và còn mua tài liệu về tìm hiểu thêm những di tích lịch sử đã đến.

 

Sẽ thú vị nếu lồng ghép thực tế 

Nhớ lại hồi còn đi học phổ thông 20 năm trước, tôi từng có tâm trạng như cháu, cảm thấy chán môn lịch sử bởi quá nhiều lý thuyết làm mình khó nhớ chi tiết từng con số, khó hình dung. Nhưng năm học lớp 12, môn sử cũng được chọn thi tốt nghiệp, thầy giáo đã giúp tôi thích môn sử bằng cách dạy thực tế và dễ hình dung.

Thầy mô tả kiến thức lịch sử với hình vẽ minh họa, sơ đồ trong từng trận chiến, phạm vi địa lý cụ thể, giải thích ý nghĩa và bài học kinh nghệm rút ra, đặc biệt hơn nữa là những dẫn chứng sinh động và dẫn học sinh đi thực tế.

Tôi nghĩ môn lịch sử trong trường học nếu thầy cô lồng ghép với thực tế sẽ giúp học sinh dễ dàng liên tưởng, rất thú vị. Mới đây, trong chuyến đi về nguồn với cơ quan đến Ngã ba Đồng Lộc, chỉ trong hai tiếng đồng hồ tôi thấy có nhiều đoàn khách là học sinh phổ thông đến đây để thăm viếng, xem phim tài liệu, nghe thuyết minh về lịch sử, xem những dấu tích và hiện vật của các chiến sĩ đã hy sinh, trong đó có 10 cô gái thanh niên xung phong.

Cô giáo dạy sử còn hướng dẫn học sinh đến thăm nhà bảo tàng và được nghe giải thích những hiện vật đồ dùng hằng ngày, công cụ làm việc và chiến đấu của hàng ngàn chiến sĩ ở đây trông rất thô sơ, giản đơn như trang phục quần áo, lược, mũ, dép, chén, muỗng, đũa, nón, chảo, cuốc, xẻng, bình nước, xe đạp…

Không chỉ những học sinh mà tôi chứng kiến cũng xúc động khi nhìn những hiện vật để lại của 10 cô gái thanh niên xung phong. Tôi thấy học sinh chăm chú lắng nghe, xúc động trước sự hy sinh to lớn của các chiến sĩ.

Ở nước ta, hầu hết các tỉnh thành đều có di tích lịch sử, trong khi không ít học sinh chưa từng đến thăm viếng những di tích nơi quê mình không xa trường học là mấy. Thực trạng môn lịch sử trong trường học còn đơn điệu, khô khan nên chưa thể hiện hết hồn cốt dân tộc, ý nghĩa về lịch sử, bài học quý cho bản thân để truyền bá và tạo hứng thú cho người học.

Kiến thức còn nặng về diễn giải, nhớ số liệu, học thuộc lòng đã gây áp lực cho học sinh. Cách dạy và học còn đơn điệu, khô khan khiến học sinh ngán ngẩm khi học lịch sử.

 

Gắn kết với các di tích lịch sử

Hãy tạo điều kiện giúp học sinh yêu thích môn lịch sử, biết tầm quan trọng của lịch sử dân tộc. Nên chăng, gắn kết hoạt động các di tích lịch sử với môn lịch sử ở trường học cũng là hình thức giáo dục truyền thống yêu nước, văn hóa dân tộc, vừa phát huy giá trị di tích lịch sử để giúp học sinh hiểu hơn về giá trị môn học, ngày càng yêu thích môn lịch sử.

Trong tiết dạy và học, giáo viên định hướng cho học sinh tự giác chủ động, tăng khả năng làm việc theo nhóm, phương pháp dạy bổ sung những mô hình, hình vẽ, video.

 

ĐỖ NGÔ TRẦN (TP.HCM)

TTO