18/11/2024

Vì sao cần để học sinh tự học, tự chủ?

Vì sao cần để học sinh tự học, tự chủ?

Đề án Đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục, đặc biệt chú trọng bồi dưỡng năng lực tự học cho học sinh đã đem lại niềm hy vọng về những đổi thay tích cực trong dạy và học.

 

 

Tín hiệu từ công cuộc đổi mới mở ra kỳ vọng về một thế hệ trẻ năng động, sáng tạo, bản lĩnh và đặc biệt là giàu năng lực tự chủ, tự học.

 

Những lực cản

Dù vậy, thực tế của ngành giáo dục trong một vài năm trở lại đây vẫn tồn tại những lực cản không hề nhỏ khiến mục tiêu phát triển năng lực tự học cho học sinh (HS) chưa gặt hái được “quả ngọt”.

Đó là thói quen xấu từ lối giáo dục truyền thống: con cái phải tuyệt đối nghe lời cha mẹ, HS phải nhất nhất vâng lời thầy cô, không chính kiến, chẳng thắc mắc. Dần dà, HS bị mài mòn tư duy phản biện và răm rắp, ru rú trong vỏ bọc hiền ngoan được cha mẹ quyết định thay, thầy cô “học thay”.

Vì sao cần để học sinh tự học, tự chủ? - ảnh 1
Thầy cô cần dạy cho trò cách tìm kiếm và chiếm lĩnh tri thức, cách vun bồi và nâng cao năng lực, cách tiếp thu và xử lý thông tin

Đó còn là phương pháp giáo dục xưa cũ ẩn mình đằng sau những hô hào đổi mới. Nhiều trường học vẫn nặng về cách dạy “thầy đọc – trò chép”, thầy cung cấp kiến thức và trò ghi chép, học thuộc lòng. Giáo viên chăm chăm vun bồi kiến thức cho HS đáp ứng yêu cầu bài học, mục tiêu thi cử chứ chưa chú tâm mài giũa năng lực tự lập tư duy, tự chiếm lĩnh kiến thức, chủ động trau dồi kỹ năng và hứng thú với việc học trong HS.

Một trở ngại lớn khác chính là việc học ở trường nối dài học thêm, học kèm, học trung tâm khiến HS ít có thời gian dành cho việc tự học, tự rèn luyện, tự mày mò tìm hiểu, thử nghiệm đúng – sai. Chính vì thế, HS lại càng thiếu khoảng không lắng lòng để biết mình thiếu hụt kiến thức gì, cần bổ trợ năng lực nào. HS chưa được tập tành thói quen đọc sách, vun bồi kỹ năng tra cứu và học tập từ các nguồn thông tin khác…

Căn bệnh thành tích chưa có thuốc đặc trị cũng là một lực cản lớn. Chính vì thế, các lớp học thêm vẫn đầy ắp học trò, bài học mới ở lớp trở thành cũ vì HS đã học trước ở trung tâm. Trong khi đó, đề cương ôn tập được giáo viên soạn sẵn đáp án, photo phát tận tay HS… Chưa kể, đó còn là những bản báo cáo rà soát từng chỉ tiêu khá giỏi ấn định cách dạy của người thầy buộc phải đạt chất lượng.

 

Ươm mầm niềm vui học tập

Niềm vui học tập trong lòng HS rất cần được ươm mầm. Có như thế, con đường học hành mới ngập tràn hoa thơm và HS hứng thú học, bởi đó là nhu cầu tự thân chứ không phải là mệnh lệnh từ bố mẹ hay lời đe nẹt từ thầy cô.

Thói quen tự học của HS cần được chú trọng vun bồi từ sớm và kiên trì từng chút một. Bố mẹ phải là tấm gương sáng không ngừng học hỏi và cần mẫn, tỉ mỉ khuyến khích ý tưởng sáng tạo của con, động viên từng biểu hiện tiến bộ nhỏ nhoi của con. Bố mẹ hãy tập tành cho con cách tự xây dựng kế hoạch học tập, tự tìm tòi nguồn tài liệu, tự khám phá kiến thức kỹ năng ngoài sách vở…

Vì sao cần để học sinh tự học, tự chủ? - ảnh 2
Thói quen tự học của học sinh cần được chú trọng vun bồi từ sớm và kiên trì từng chút một  ĐÀO NGỌC THẠCH

Đồng thời, giáo dục nhà trường trong thời đại mới cần cởi dần “lớp áo” xưa cũ: thầy cầm tay chỉ việc cho trò. Kiến thức đã in sẵn trong sách và bạt ngàn trên không gian mạng nên giáo viên không chỉ là người cung cấp tri thức. Người thầy cần dạy cho trò cách tìm kiếm và chiếm lĩnh tri thức, cách vun bồi và nâng cao năng lực, cách tiếp thu và xử lý thông tin…

Bên cạnh đó, bản thân mỗi người học cũng cần phải thay đổi tư duy, chủ động thích ứng với phương châm học tập: Tự học, tự chủ là điều cốt yếu. Chỉ khi nào HS xây dựng được ý thức tự giác học tập, tích cực tìm kiếm tri thức thay vì thụ động chờ đợi lời nhắc nhở từ bố mẹ, sự truyền đạt từ thầy cô thì kiến thức và kỹ năng mới thật sự thấm nhuần sâu sắc và bền vững.

TRANG HIẾU

TNO