Hậu Covid-19, ho dai dẳng đến khi nào?
Hậu Covid-19, ho dai dẳng đến khi nào?
Hậu Covid-19, tại các bệnh viện ghi nhận rất nhiều trường hợp bệnh nhân ho dai dẳng, khác hẳn kiểu ho họ từng mắc trước đó và đặc biệt kéo dài, rất khó chịu.
Theo Th.S – Bác sĩ (BS) Trần Minh Huy, công tác tại Khoa Nội hô hấp – Bệnh viện (BV) Đà Nẵng, Phòng khám, tư vấn và điều trị sau Covid-19 tại BV Đà Nẵng mỗi ngày tiếp nhận rất nhiều trường hợp mắc hội chứng hậu Covid-19, trong đó có nhiều trường hợp ho dai dẳng. Các triệu chứng này thường xuất hiện trong vòng 3 tháng sau khi khởi phát Covid-19 và kéo dài ít nhất 2 tháng.
Ám ảnh những cơn ho cả ngày lẫn đêm
Ông N.V.H (65 tuổi, ở TP.Đà Nẵng) nhập viện BV Đà Nẵng trong tình trạng ho kéo dài suốt hơn 1 tháng. Theo các BS, bệnh nhân (BN) H. nhiễm Covid-19 cách đây gần 2 tháng và điều trị trong tình trạng bệnh nặng tại BV Phổi Đà Nẵng suốt 2 tuần. Sau khi khỏi Covid-19 chừng vài tuần thì BN bắt đầu ho và ho dai dẳng đến mức phải nhập viện.
Kết quả chụp CT ngực của BN cho thấy xơ kẽ lan tỏa 2 phế trường, kèm tiền sử tăng huyết áp, đái tháo đường thể 2. BN được các BS tư vấn điều trị ổn định các triệu chứng, theo dõi tập phục hồi chức năng và hẹn tái khám sau 1 tháng. “BN H. cần có thời gian điều trị dài lâu vì tổn thương xơ phổi thì khó phục hồi. Mức độ xơ phổi càng nhiều càng mệt và gia tăng nguy cơ bội nhiễm về sau”, BS Trần Minh Huy cho biết.
Bệnh nhân hậu Covid-19 đến khám tại Bệnh viện Đà Nẵng TRẦN PHƯƠNG |
Bên cạnh hướng dẫn BN theo dõi SpO2 thường xuyên, hướng dẫn tập hít thở, vận động, dinh dưỡng hợp lý khi điều trị ngoại trú, BS cũng chỉ định BN dùng thêm thuốc ho, điều trị triệu chứng.
Một BN hậu Covid-19 khác là chị T.V.V (40 tuổi, ngụ Q.Cẩm Lệ, TP.Đà Nẵng) nhập viện tại BV Y học cổ truyền Đà Nẵng để điều trị sau gần 1 tháng “ho trầy họng” tại nhà và uống đủ các loại thuốc mà không đỡ. Chị V kể hậu Covid-19 của chị là nỗi ám ảnh với những cơn ho cả ngày lẫn đêm.
“Chưa bao giờ tôi ho dai dẳng kỳ lạ như vậy. Những cơn ho vừa khó chịu vừa khiến cuộc sống, sinh hoạt ảnh hưởng rất nhiều và không biết đến khi nào mới thoát được nó”, chị V. mệt mỏi chia sẻ.
Hội chứng tăng đường thở sau viêm
Trực tiếp điều trị cho các BN hậu Covid-19 tại BV Y học cổ truyền Đà Nẵng, BS Đinh Trọng Trình cho biết BV tiếp nhận rất nhiều trường hợp ho kéo dài, tức là khoảng 4 tuần sau mắc bệnh vẫn tồn tại các biểu hiện của ho như ho khan, ho có đờm, ho nhiều về đêm, ho khi vận động, kèm đau ngực… “Tổn thương hậu Covid-19 thường là những tổn thương mô kẽ ở phổi, là các tổ chức lân cận nên điều trị sẽ kéo dài hơn”, BS Trình nói.
Theo y học cổ truyền, những BN này sẽ được chỉ định dùng các vị thuốc có tác dụng bổ phế, chỉ khái, tiêu đờm. Giống tây y, đông y cũng sử dụng các phương pháp tập luyện thở cho BN, tăng lưu lượng hô hấp, cải thiện đường thở. Nếu chỉ ho nhẹ thì BN được chỉ định điều trị ngoại trú, dùng thuốc, kết hợp tư vấn tập luyện thở. Trường hợp nặng hơn, ho nhiều thì bên cạnh dùng thuốc đông y còn có châm cứu ở các huyệt phế du, cách du và các huyệt bổ khí khác để tăng cường nâng đỡ cho cơ. Nếu kết hợp ngâm chân thảo dược thì càng tốt hơn vì ngâm chân thảo dược sẽ hỗ trợ BN ngủ ngon, nâng cao thể trạng, ho giảm dần…
Một số nghiên cứu về hậu Covid-19 đã chỉ ra nguyên nhân của các cơn ho kéo dài ở mỗi người mỗi khác và được xác định là do hội chứng tăng đường thở sau viêm, bội nhiễm gây viêm đường hô hấp dưới do vi khuẩn, dẫn tới ho kèm đờm. Ngoài ra, ở nhiều người còn có thể có các bệnh kèm như viêm mũi dị ứng, hen phế quản, viêm dạ dày trào ngược, nặng hơn là tổn thương phổi kẽ gây xơ phổi khi mắc Covid-19.
Chế độ dinh dưỡng và vận động
Tại Khoa Nội hô hấp (BV Đà Nẵng), BS tăng cường các bài tập phục hồi chức năng phổi cho người sau điều trị Covid-19, hoặc những người suy giảm chức năng hô hấp, với mỗi động tác lặp lại từ 8 – 10 lần.
Đó là những động tác được các kỹ thuật viên hướng dẫn như thở ra, mở lồng ngực và kiểm soát nhịp thở, tăng cường vận động cơ hô hấp, loại bỏ dung tích khí cặn trong phổi, tăng cường sức bền, tăng dung tích sống từng thùy phổi… Bên cạnh đó, BN được khuyến khích dùng các thảo dược hỗ trợ như uống nước chanh ấm, trà gừng nóng làm ấm vùng miệng và hầu họng.
Các BS cũng lưu ý BN và người nhà về chế độ dinh dưỡng giúp giảm ho, cải thiện chức năng hô hấp. Đó là tăng cường các loại hạt như hạt điều, óc chó, hạnh nhân, ngũ cốc nguyên hạt, gạo lứt… cung cấp khoáng chất, magie và các chất thiết yếu có tác dụng làm giãn cơ trơn bao bọc quanh phế quản, làm giãn phế quản tiến đến cải thiện tình trạng khó thở. Các chất trong ngũ cốc có thể giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh phổi mạn tính, cải thiện tình trạng hô hấp.
Ngoài ra, cần tăng cường trái cây như bưởi, táo, dâu tây… cùng những loại trái cây giàu chất chống ô xy hóa giúp bảo vệ phổi, tránh bệnh và nhiễm trùng. Rau xanh như cải ngọt, rau cải bó xôi, cải xoăn, bắp cải… có tác dụng thanh nhiệt, giúp giảm ho, rất thích hợp cho những người vừa bị viêm phổi cấp.
AN DY
TNO