23/12/2024

Thuỷ điện Mê Kông khiến Việt Nam tụt hạng an ninh lương thực toàn cầu

Thuỷ điện Mê Kông khiến Việt Nam tụt hạng an ninh lương thực toàn cầu

Việt Nam đã tụt hạng về chỉ số an ninh lương thực toàn cầu. Một trong những nguyên nhân quan trọng là do tác động từ thuỷ điện thượng nguồn.

 

 

Tụt hạng 7 bậc

Giá lương thực toàn cầu đang tăng cao khiến nhiều người lại nghĩ đến chỉ số an ninh lương thực của Việt Nam từng là chủ đề nóng năm 2020 khi toàn cầu đối mặt với khô hạn gay gắt và Việt Nam bị hạn mặn nghiêm trọng.

Thủy điện Mê Kông khiến Việt Nam tụt hạng an ninh lương thực toàn cầu - ảnh 1
Theo GFSI, thứ hạng của Việt Nam liên tục tụt từ 54 xuống 57 và hiện là 61  CHỤP MÀN HÌNH

Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO), chỉ số giá lương thực toàn cầu trong tháng 3 tăng 13% so với tháng 2; lên tới 159,3 điểm so với mức 141,4 điểm của tháng 2. Đây là mốc kỷ lục của chỉ số này kể từ khi được ghi nhận từ năm 1990. FAO cảnh báo giá lương thực và thực phẩm có thể tăng cao hơn nữa.

Còn nhớ thời điểm năm 2020, Việt Nam là nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới nhưng chỉ số lương thực chỉ xếp 54/113 nước (xếp hạng năm 2019), trong khi Singapore lại đứng đầu thế giới. Lãnh đạo Chính phủ thời điểm đó đã đặt ra nghịch lý này và yêu cầu ngành nông nghiệp phân tích những yếu kém của nền nông nghiệp để giải quyết những khó khăn, hạn chế nhằm đẩy mạnh an ninh lương thực quốc gia.

Đến nay, bảng xếp hạng công bố năm 2021 Việt Nam xếp thứ 61/113 quốc gia. Tụt 7 hạng so với năm 2020. Trong khu vực Đông Nam Á, hiện Singapore vẫn dẫn đầu nhưng cũng rớt xuống vị trí thứ 15 trên bảng xếp hạng tổng. Đứng ngay sau Singapore là Malaysia hạng 39 thế giới và Thái Lan hạng 51. Xếp sau Việt Nam ở khu vực Đông Nam Á là Philippines hạng 64 thế giới. Malaysia cũng là nước đứng đầu thế giới trong việc cải thiện điểm số của mình khi tăng đến 5,1 điểm, ngoài ra Myanmar cũng được đánh giá cao khi tăng 2,7 điểm.

 

Thuỷ điện Mê Kông đe dọa an ninh lương thực

Trên bảng xếp hạng hiện tại, tổng điểm của Việt Nam là 61,1/100. Điểm tổng được tính từ 4 điểm số thành phần gồm: khả năng chi trả là 68,9; tính sẵn có (của lương thực) 60,4; chất lượng và sự an toàn là 64,3; tài nguyên thiên nhiên và khả năng phục hồi chỉ có 44,9. Các điểm số tương ứng của Việt Nam đều giảm so với năm 2019: 64,6 – 75,1 – 59,7 – 51,7 (chưa có điểm số về tài nguyên thiên nhiên và khả năng phục hồi).

Thủy điện Mê Kông khiến Việt Nam tụt hạng an ninh lương thực toàn cầu - ảnh 2
Tài nguyên nước của ĐBSCL đang bị đe dọa vì thủy điện làm ảnh hưởng lớn đến an ninh lương thực của Việt Nam

TRẦN NGỌC

Đáng chú ý là điểm số về chất lượng và sự an toàn của lương thực đã được cải thiện đáng kể đến 12,6 điểm từ 51,7 lên 64,3 điểm. Minh chứng là các sản phẩm lương thực thực phẩm của Việt Nam xuất khẩu vào các thị trường khó tính ngày càng nhiều và được ưa chuộng. Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam cũng luôn duy trì dẫn đầu thế giới và cao hơn cả Thái Lan. Các doanh nghiệp thủy sản cũng khẳng định đã vượt qua được Thái Lan.

Tuy nhiên khả năng chi trả của người dân lại giảm mạnh từ mức 75,1 xuống chỉ còn 68,9 cho thấy thu nhập của người dân đã giảm vì nhiều lí do như dịch bệnh, lạm phát… Đáng chú ý nhất là điểm số về tài nguyên thiên nhiên và khả năng phục hồi chỉ có 44,9. Hai nguồn tài nguyên quan trọng liên quan đến sản xuất lương thực là đất và nước đều phải đối mặt với nhiều vấn đề. Đối với nước, rủi ro về lượng nước phục vụ cho nông nghiệp cao hơn mức trung bình chung của thế giới đến 14,2%; trong khi đó rủi ro về chất lượng nước phục vụ nông nghiệp đến 41,8% so với mức bình quân chung của thế giới. Nghĩa là so với mức trung bình của thế giới, nước phục vụ cho nông nghiệp của Việt Nam ít mà chất lượng chỉ bằng một nửa so với trung bình. Điều này hoàn toàn phù hợp với những rủi ro mà Việt Nam đang phải đối mặt khi nguồn nước từ thượng nguồn Mê Kông bị chi phối bởi các đập thủy điện thượng nguồn. Trong thời gian qua, các con đập này đóng xả theo nhu cầu phát điện của Trung Quốc và Lào làm cho mực nước sông Mê Kông thường xuyên biến động bất thường.

Đất cũng là một vấn đề lớn đối với an ninh lương thực của Việt Nam, khi chất lượng đất đang bị suy thoái nhiều hơn mức trung bình của thế giới đến 19,7%. Điều này đồng nghĩa với việc năng suất sẽ giảm và chi phí đầu tư phân bón sẽ tăng kéo theo lợi nhuận của người nông dân giảm. Nghiêm trọng hơn chính là ảnh hưởng đến tính bền vững trong hoạt động sản xuất nông nghiệp. Suy thoái đất ngoài nguyên nhân nông dân thâm canh, lạm dụng phân bón còn có yếu tố đất không được bồi đắp phù sa từ thượng nguồn như nó vốn có.

The Global Food Security Index (GFSI)

Thủy điện Mê Kông khiến Việt Nam tụt hạng an ninh lương thực toàn cầu - ảnh 3
10 nước đứng đầu về an ninh lương thực toàn cầu    CHỤP MÀN HÌNH

Chỉ số GFSI là một mô hình tiêu chuẩn định lượng và định tính được xây dựng từ 58 chỉ số đo lường các yếu tố thúc đẩy an ninh lương thực ở cả các nước đang phát triển và phát triển. GFSI xuất bản lần đầu năm 2017, phiên bản mới nhất năm 2021.

CHÍ NHÂN
TNO