23/12/2024

Cùng ‘hữu hảo’ với Nga, nhưng Ấn – Trung Quốc khó hoà hữu

Cùng ‘hữu hảo’ với Nga, nhưng Ấn – Trung Quốc khó hoà hữu

Các nhà quan sát chỉ ra rằng Ấn Độ muốn trung lập về vấn đề Ukraine, nhưng không trung lập trong chiến lược của Mỹ nhằm kiềm chế Trung Quốc ở khu vực.

 

 

Cùng 'hữu hảo' với Nga, nhưng Ấn - Trung Quốc khó hòa hữu - ảnh 1
Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar (phải) và người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị chào hỏi giới truyền thông trước cuộc gặp tại New Delhi, Ấn Độ, ngày 25.3

REUTERS

South China Morning Post dẫn lời các nhà quan sát Trung Quốc cho biết việc Ấn Độ gần đây cam kết tăng cường quan hệ an ninh với Mỹ đã làm nổi bật những nỗ lực của Trung Quốc nhằm thu hẹp sự khác biệt với nước láng giềng Nam Á.

 

Mỹ, Ấn xích lại gần nhau

Mỹ và Ấn Độ đã cam kết tương tác quân sự sâu hơn và chia sẻ thông tin tình báo để gia tăng ảnh hưởng của cả hai nước ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, bất chấp lập trường khác nhau của hai bên trong việc lên án chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin nói rõ rằng hai bên xích lại gần nhau vì họ tin rằng Trung Quốc là mối đe dọa đối với “hệ thống quốc tế”mà Washington và Delhi ủng hộ. Phát biểu này được đưa ra sau khi ông Austin gặp các bộ trưởng quốc phòng và ngoại giao Ấn Độ trong cuộc đối thoại song phương “2 + 2” mới nhất tại Washington ngày 11.4.

Cùng 'hữu hảo' với Nga, nhưng Ấn - Trung Quốc khó hòa hữu - ảnh 2
Cuộc đối thoại song phương “2 + 2” tại Washington ngày 11.4 giữa Ấn Độ và Mỹ  CHỤP MÀN HÌNH SOUTH CHINA MORNING POST

Mỹ cũng đang muốn Ấn Độ tham gia tích cực vào chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Washington. Chiến lược này được coi là nhằm mục đích liên kết các đồng minh trong khu vực của Mỹ để kiềm chế tầm ảnh hưởng của Trung Quốc.

Tuy nhiên, một trong những điểm bất đồng giữa Mỹ và Ấn Độ là lập trường trung lập của New Delhi đối với các hành động quân sự của Nga ở Ukraine. Trong cuộc gặp trực tuyến với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi trước cuộc hội đàm 2 + 2 vào ngày 11.4, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã bày tỏ sự thất vọng về việc New Delhi từ chối lên án hành động của Nga. Ông Biden cũng yêu cầu Ấn Độ ngừng mua dầu và khí đốt của Nga.

 

Khó làm dịu quan hệ Trung Quốc, Ấn Độ

Đây lại là điểm chung giữa Ấn Độ và Trung Quốc. Cho đến nay, cả Trung Quốc và Ấn Độ đều không chỉ trích chiến dịch quân sự của Nga theo lời kêu gọi của phương Tây.

Vào cuối tháng trước, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã đến thăm Ấn Độ. Đây là cuộc đối thoại cấp cao nhất giữa Bắc Kinh và New Delhi kể từ khi những cuộc đụng độ chết người xảy ra ở biên giới giữa hai nước trong khu vực Himalaya năm 2020.

Chuyến thăm dường như được tổ chức nhằm giảm leo thang xung đột ở biên giới. Ấn Độ và Trung Quốc đã nhất trí rằng đó là “việc khôi phục hòa bình và yên tĩnh ở khu vực biên giới mang lại lợi ích chung của cho hai nước”, Trung Quốc tuyên bố.

Ông Vương cũng tìm cách đánh giá lập trường của Ấn Độ về cuộc xung đột ở Ukraine. Hai nước đã nhất trí về sự cần thiết của “một lệnh ngừng bắn ngay lập tức cũng như quay trở lại ngoại giao và đối thoại” ở Ukraine. Bắc Kinh và New Delhi cũng thừa nhận có “lập trường tương tự về các vấn đề lớn ở quốc tế và trong khu vực”.

Dù chuyến thăm của ông Vương tới Ấn Độ diễn ra trong thời điểm “để hai nước láng giềng điều chỉnh quan hệ”, chuyến thăm này sẽ không làm thay đổi cơ bản quan hệ song phương, ông Zhao Gancheng, một nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Thượng Hải, nhận định.

“Mặc dù rõ ràng Ấn Độ và Mỹ đang căng thẳng về quan điểm của họ đối với Nga, hai nước phụ thuộc lẫn nhau khi nhắc đến việc kiềm chế Trung Quốc. Hiện tại, mục tiêu trước mắt và quan trọng nhất của Mỹ là Nga, nhưng điều này sẽ nhanh chóng kết thúc vào một ngày nào đó và họ vẫn cần Ấn Độ khi mục tiêu quay trở lại là Trung Quốc”, ông Zhao nói.

“Ấn Độ muốn giữ thái độ trung lập khi nói đến Nga, nhưng họ không trung lập về chiến lược của Mỹ trong việc kiềm chế Trung Quốc”, chuyên gia này nói thêm.

Ông Lin Minwang, giáo sư nghiên cứu Nam Á tại Đại học Phúc Đán, cho biết cơ hội làm dịu quan hệ với Ấn Độ sau chuyến thăm của ông Vương vào tháng trước là “rất hạn chế”.

“Việc giảm bớt căng thẳng thông qua chuyến thăm đã bị hạn chế. Mỹ cũng đã tăng cường thêm áp lực lên Ấn Độ”, ông Lin nói.

“Lời giải thích mà Ấn Độ có thể nói với Mỹ để biện minh cho việc nước này có quan điểm như vậy đối với Nga là họ cần Nga cung cấp vũ khí để đối trọng với Trung Quốc trong khu vực. Mỹ dường như có thể hiểu quan điểm của Ấn Độ từ góc độ này”, chuyên gia Lin nhận định.

ĐÔNG A

TNO