Thủ khoa “bật mí” cách ôn thi tốt nghiệp đạt điểm cao
Thủ khoa “bật mí” cách ôn thi tốt nghiệp đạt điểm cao
Thời điểm này, học sinh lớp 12 đang tập trung ôn tập, củng cố kiến thức chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 . Vậy các em cần học và ôn tập như thế nào để đạt được điểm cao, đặc biệt ở các môn thi quan trọng: toán, văn và Anh văn?
Hãy nghe các thủ khoa chia sẻ về cách học thi và ôn tập các môn học này của mình để đạt được kết quả tốt.
Môn toán, dành thời gian làm nhiều đề thi thử
Đỗ Ngọc Thành Danh, sinh viên Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, từng đạt 9,4 điểm môn toán trong kỳ thi THPT năm 2019, chia sẻ: “Với môn toán, học sinh nên học cách luyện theo các chuyên đề riêng lẻ, sau đó giải đề thi thử để quen dần với cách làm bài thi thật. Nói chung, các bạn phải tự học thật nhiều, có thể tìm hiểu thêm từ internet. Thêm một lưu ý nữa là các bạn học sinh cần dành thời gian sửa đề để rút ra được nhiều kinh nghiệm làm bài”.
“Lúc luyện thi, mình sẽ chia cuốn tập làm 2 phần: phần để ghi những lỗi sai, phần để ghi những kiến thức bản thân chưa biết, hay chưa chắc chắn. Nhờ vậy mà mình cải thiện được đáng kể những lỗi sai không đáng có trong lúc thi thật…”, Danh kể.
Học sinh lớp 12 năm nay đang tập trung ôn tập ĐÀO NGỌC THẠCH |
Danh cũng khuyên: “Các bạn cũng không nên thức quá khuya để học, vì khi đó não bộ sẽ không tỉnh táo, không tập trung, thay vào đó là ngủ sớm hơn một tí và dậy sớm vào buổi sáng để học. Khoảng thời gian 4 giờ rưỡi sáng là thích hợp nhất để bắt đầu một ngày mới”.
Tương tự, Trần Đức Lương, thủ khoa đầu vào Trường ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM năm 2019, trong đó môn toán 9,8 điểm, cho biết: “Vào thời điểm này, các em học sinh lớp 12 nên luyện đề, tìm xem phần nào được giảm tải trong đề thi để có cách luyện tập tốt nhất cho mỗi dạng đề”. Với môn toán, phải biết cách sử dụng máy tính bỏ túi thật nhanh để tiết kiệm thời gian và biết cách đọc đồ thị làm sao để xác định được dữ liệu chính của bài toán.
Chia sẻ về phương pháp học môn toán sao cho thật hiệu quả, Đức Lương nhớ lại: “Hồi còn học lớp 12, mình thường xuyên luyện đề hằng ngày trên mạng, tải đề về và giải, sau đó tự rút ra cách làm nhanh cho dạng bài khó, vì trắc nghiệm rất cần các công thức nhanh để làm. Mình cũng đăng ký một khóa học trực tuyến cho môn toán để cập nhật các dạng đề và cấu trúc đề mới nhất”.
Môn văn, cần nắm kỹ những nội dung cơ bản trong tác phẩm
Từng đoạt giải nhì học sinh giỏi môn văn TP.HCM năm học 2018 – 2019, Nguyễn Ngọc Phương Thảo, hiện là sinh viên Học viện Cán bộ TP.HCM, cho rằng với môn ngữ văn, học sinh chỉ cần đọc và nắm kỹ những nội dung cơ bản trong tác phẩm.
“Đối với văn xuôi, học sinh cần hiểu về nhân vật thông qua các đoạn hội thoại, hiểu về thông điệp của tác giả thông qua chính nhân vật để xâu chuỗi lại vấn đề. Học sinh không cần phải ghi nhớ tất cả nội dung trong tác phẩm vì điều đó dễ rối và không rút ra được ý trọng tâm”, Phương Thảo nói.
Học sinh lớp 12 năm nay đang tập trung ôn tập ĐÀO NGỌC THẠCH |
Còn đối với thơ, Phương Thảo lưu ý thí sinh trước hết phải thuộc thơ, sau đó chú ý những đoạn trọng tâm về ý nghĩa và nghệ thuật để phân tích tốt hơn. “Mình nghĩ rằng thí sinh không nên học thuộc văn mẫu vì ý văn rất dễ bị cạn hoặc cuốn theo lời văn của người khác. Học văn là tự khai thác suy nghĩ, cảm nhận của mình”, Thảo chia sẻ.
Cũng từng đoạt giải ba cấp tỉnh Đồng Nai cuộc thi Học sinh giỏi môn ngữ văn năm 2018 – 2019, Nguyễn Thúy Anh, sinh viên Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TP.HCM), cho biết: “Để có thể cải thiện được kỹ năng viết, chúng ta cần phải đọc. Đọc tác phẩm và những gì có liên quan đến tác phẩm sẽ giúp bạn cải thiện khả năng tư duy văn học của mình”, Thúy Anh nói.
Cũng theo Thúy Anh, cách học môn văn hiệu quả là học bằng sơ đồ tư duy, bởi vì điều đó sẽ giúp học sinh hệ thống lại kiến thức ngắn gọn nhưng đầy đủ sau mỗi tác phẩm. “Trên lớp, giáo viên dạy văn của tôi cũng thường xuyên áp dụng cách học này, nhờ đó mà tôi có thể nắm được kiến thức chắc hơn và nhớ lâu hơn”, Thúy Anh nhớ lại.
Môn tiếng Anh: Phải nắm kỹ tất cả các kiến thức trong sách giáo khoa
Nguyễn Minh Phúc, Á khoa toàn quốc khối D7 (toán, hóa, tiếng Anh), với tổng điểm 29,2, trong đó môn tiếng Anh đạt 9,8 điểm trong kỳ thi tốt nghiệp THPT (đợt 1), năm 2021. Minh Phúc, hiện là sinh viên của Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, chia sẻ: “Cách học tiếng Anh của mình là dựa trên các tài liệu có được từ thầy cô, đồng thời dành thời gian mỗi ngày để luyện tập một cách kiên trì. Theo mình, để học tiếng Anh tốt, chủ yếu phải luyện các kỹ năng, học từ vựng nhiều cũng như ghi nhớ đặc điểm ngữ pháp”.
Tương tự, Trần Anh Tuấn, thủ khoa tuyển sinh vào của Trường ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM năm 2021, chia sẻ: “Trên các thiết bị mình sử dụng hằng ngày như: điện thoại, máy tính mình toàn dùng các ứng dụng bằng tiếng Anh để tạo nhiều không gian tiếp xúc, tương tác. Khi gặp bất kỳ một từ vựng nào mới thì mình sẽ cố gắng hình ảnh hóa từ vựng đó để dễ ghi nhớ hơn, đặt câu đơn giản với từ, đồng thời lên từ điển Oxford nghe từ đó phát âm ra sao và chủ động liên tưởng để nhớ từ vựng ấy trong 1 ngày. Điều đó sẽ giúp bản thân kết hợp việc ghi nhớ bằng nhiều giác quan để đạt hiệu quả cao nhất”.
Còn Nguyễn Thị Bích Ngọc, sinh viên Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, cũng là thí sinh duy nhất của tỉnh Bình Phước đạt 10 điểm môn tiếng Anh trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2019, nói: “Thứ nhất, phải nắm chắc và kỹ tất cả các kiến thức có trong sách giáo khoa rồi muốn học gì thêm hãy học tiếp. Thứ hai, nên xem các đề thi trước đó để hình dung về bố cục đề thi, phân bố thời gian hợp lý cho từng phần. Thứ ba, mua các sách luyện tập từng chuyên đề và hãy giải những bài tập từ cơ bản đến nâng cao. Cuối cùng, và cũng là quan trọng nhất, là hãy luyện tập, bởi vì chỉ có luyện tập, mình mới ít sai”.
LÊ THANH
TNO