25/12/2024

Người đã mắc Covid-19 tiêm vắc xin phòng Covid-19 sau khi hồi phục từ 3 – 6 tháng

Người đã mắc Covid-19 tiêm vắc xin phòng Covid-19 sau khi hồi phục từ 3 – 6 tháng

Theo Bộ Y tế, sau mắc Covid-19, miễn dịch tự nhiên giảm dần, do đó vẫn có nguy cơ tái nhiễm. Người đã mắc Covid-19 tiêm vắc xin phòng Covid-19 sau hồi phục từ 3 – 6 tháng.

 

 

Biến thể Omicron đã chiếm chủ đạo về số mắc

Theo Bộ Y tế tại Việt Nam, dịch bệnh cơ bản đang được kiểm soát trên cả nước. Từ cuối tháng 12.2021, sau khi ghi nhận ca mắc đầu tiên biến thể Omicron, số mắc cả nước tăng cao nhất trong 3 tuần đầu của tháng 3 do biến thể Omicron đã chiếm chủ đạo về số mắc, sau đó giảm mạnh từ cuối tháng 3 đến nay.

Người đã mắc Covid-19 tiêm vắc xin phòng Covid-19 sau khi hồi phục từ 3 - 6 tháng - ảnh 1
Biến thể Omicron đã chiếm chủ đạo về số mắc Covid-19 tại Việt Nam  TNO

Diễn biến trên cũng tương đồng với một số nước trong khu vực như Malaysia và Singapore chạm đỉnh dịch vào khoảng 8 đến 9 tuần sau khi ghi nhận biến thể Omicron xâm nhập và thời gian qua số ca mắc ghi nhận theo ngày của các nước này đã có xu hướng giảm dần.

Tuy nhiên, Bộ Y tế khuyến cáo, số mắc mới giảm nhưng người khỏi bệnh vẫn có khả năng tái nhiễm, do vậy cần tiếp tục hoàn thành tiêm vắc xin mũi 3.

Ước tính, hiện có khoảng 70% đối tượng từ 18 tuổi trở lên đến lịch tiêm mũi 3; đã tiêm mũi 3 cho khoảng 85% số đối tượng từ 18 tuổi trở lên đến lịch tiêm.

Số còn lại chưa tiêm mũi 3 vì một số lý do như: số lượng người mắc Covid-19 trùng với thời điểm cần tiêm mũi 3, do đó có sự trì hoãn tiêm chủng; một bộ phận người dân đã tiêm 2 liều vắc xin sau khi mắc Covid-19 và bình phục có xu hướng không tiêm tiếp mũi 3 vì cho rằng đã có miễn dịch tự nhiên sau khi mắc bệnh.

Về thời điểm tiêm mũi 3 với người từng mắc Covid-19, Bộ Y tế cho biết những người từ trên 12 tuổi đã mắc Covid-19 tiêm vắc xin phòng Covid-19 sau khi hồi phục từ 3 – 6 tháng.

Trẻ từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi đã mắc Covid-19: tiêm vắc xin phòng Covid-19 sau khi khỏi bệnh ít nhất 3 tháng, tiêm các liều cơ bản cùng loại vắc xin cho trẻ.

Để các địa phương đẩy mạnh tiêm chủng, bảo đảm tiến độ tiêm vắc xin; tăng cường vận động người dân tiêm vắc xin, tránh bỏ sót; các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh rà soát và tổ chức tiêm liều cơ bản và liều bổ sung cho người trên 50 tuổi, người có bệnh nền đến khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở.

Sau khi đã tiêm đủ liều cơ bản thì triển khai tiêm liều bổ sung và liều nhắc lại theo thứ tự ưu tiên.

 

Không cách ly y tế tại nhà đối với người tiếp xúc gần

Bộ Y tế cũng cho biết các đơn vị chuyên môn hiện tiếp tục tổng hợp số liệu về tình hình dịch bệnh Covid-19 và tiêm chủng trên thế giới và tại Việt Nam để đề xuất chính sách sử dụng vắc xin Covid-19 trong thời gian tới.

Mặc dù các số liệu tại Việt Nam chưa được thu thập đầy đủ nhưng với số ca mắc đã ghi nhận hơn 10 triệu là nguồn dữ liệu rất lớn để phân tích, đánh giá. Bộ Y tế (Cục Quản lý Khám, chữa bệnh và Cục Y tế dự phòng) đang tổng hợp tình hình dịch bệnh Covid-19 với các biến chủng từ trước tới nay để phân tích, là cơ sở khoa học, đánh giá diến biến dịch, chủ động các kế hoạch phòng chống dịch và công bố thông tin cho cộng đồng.

Lãnh đạo Bộ Y tế cho hay, Bộ Y tế tiếp tục tăng cường hướng dẫn các biện pháp điều trị tại nhà, tại cơ sở y tế để không quá tải hệ thống y tế, nhất là tại tầng 3, tập trung quản lý người có nguy cơ cao và người lao động.

Điều chỉnh, cập nhật các quy định về thời gian cách ly F0, F1 theo hướng không cách ly y tế tại nhà đối với người tiếp xúc gần, trừ trường hợp nghi ngờ mắc bệnh.

LIÊN CHÂU

TNO