Vì sao châu Âu không dễ cấm vận năng lượng Nga?
Vì sao châu Âu không dễ cấm vận năng lượng Nga?
Châu Âu đang đứng trước áp lực mới về cấm vận Nga, trong khi lo ngại rằng việc cấm nhập khẩu năng lượng từ Nga khiến nhiều nước châu lục này bị ảnh hưởng.
Đường ống dẫn khí tại trạm Atamanskaya ở vùng Amur (Nga) REUTERS |
Theo Đài CNBC, các nước châu Âu đang chi trả cho Nga cả tỉ USD mỗi ngày để mua dầu và khí đốt, dù Liên minh châu Âu (EU) đang hướng đến việc cấm vận than nhằm cắt nguồn tiền mà Nga có thể sử dụng trong chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Tuy nhiên, cao ủy phụ trách ngoại giao của EU Josep Borrell cho rằng không thể cấm vận nhập khẩu khí đốt của Nga vì một số quốc gia thành viên quá lệ thuộc đến mức phải từ chối ủng hộ cấm vận, dù vẫn không đồng tình về hành động của Moscow.
Cân nhắc cấm vận
Ông Borrell thừa nhận rằng việc EU mua năng lượng đồng nghĩa với việc “cung cấp tài chính” cho chiến dịch Nga ở Ukraine. Tuy nhiên, ông cho rằng việc cấm vận nhập khẩu năng lượng từ Nga không phải là “chuyện ngày một ngày hai”.
Ủy ban châu Âu (EC) ngày 5.4 đề xuất cấm vận than của Nga trong đợt trừng phạt mới. Chủ tịch EC Ursula von der Leyen xác nhận về dự định cấm vận than của Nga trị giá 4 tỉ euro/năm: “Điều này sẽ cắt thêm nguồn thu quan trọng của Nga”.
Đây là động thái mới nhất nhằm đối phó Nga, sau hơn một tháng Nga bắt đầu chiến dịch ở Ukraine hôm 24.2.
Trong năm 2020, EU nhập khẩu 19,3% sản lượng than, 36,5% sản lượng dầu và 41,1% sản lượng khí thiên nhiên từ Nga. Tuy nhiên, cáo buộc liên quan đến lạm sát dân thường ở Ukraine đang thúc đẩy liên minh này tăng cấm vận, dù Nga bác bỏ cáo buộc và gọi đó là sự dàn dựng.
Theo Đài Euronews, các lệnh cấm vận của phương Tây trước đó nhằm vào nhiều ngân hàng, công ty và cá nhân Nga, nhưng tránh nhằm vào việc mua dầu và khí từ nước này.
Giới quan sát cho rằng đây là bước nhượng bộ của Mỹ, nước sản xuất dầu khí hàng đầu thế giới, nhằm giữ đoàn kết với châu Âu.
Không có dầu khí Nga sẽ ra sao?
Khí thiên nhiên nhập khẩu từ Nga được dùng để sưởi ấm tại nhà, phát điện và cung cấp cho công nghiệp về năng lượng và vật liệu thô cho các sản phẩm như phân bón. Dầu thô được dùng để sản xuất xăng dầu cho xe cộ.
Trước chiến dịch của Nga ở Ukraine, Mỹ nhập khẩu ít dầu thô và không nhập khẩu khí thiên nhiên từ Nga. Trong khi đó, EU có dự trữ dầu khí nhưng sản lượng đã giảm khiến 27 nước thành viên lệ thuộc vào nhập khẩu.
Trong số 155 tỉ m3 khí châu Âu nhập từ Nga hằng năm, 140 tỉ m3 đi qua các đường ống ngang Ukraine, Ba Lan và dưới biển Baltic. EU đang loay hoay tìm thêm nguồn cung bằng tàu dưới hình thức khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG), nhưng không đủ bù vào nguồn cung qua đường ống.
Do mức độ lệ thuộc vào năng lượng từ Nga khác nhau, việc đồng thuận trong EU nhằm cấm vận Nga là điều khó đạt được.
Giới chuyên môn đưa ra nhiều kịch bản khác nhau về ảnh hưởng từ việc cấm vận năng lượng Nga, nhưng đều liên quan ảnh hưởng đáng kể đối với nền kinh tế châu Âu. Lệnh cấm có nghĩa là các nước sẽ phải hạn chế cung cấp cho người dân và các bệnh viện.
Các nhà sản xuất kim loại, phân bón, hóa chất và thủy tinh có thể bị ảnh hưởng nặng. Chủ tịch Công đoàn Mỏ – Hóa chất – Năng lượng Đức (IG BCE) Michael Vassiliadis cho rằng việc cắt giảm một phần khí thiên nhiên từ Nga cũng sẽ dẫn đến việc hàng trăm ngàn người mất việc làm.
“Có lẽ chúng ta sẽ tiếp tục chứng kiến sự phản đối từ Đức và một vài nước khác, đơn giản vì họ lệ thuộc nhiều hơn vào nhập khẩu dầu, khí và than từ Nga”, theo chuyên gia Craig Erlam tại công ty môi giới tiền tệ Oanda (Mỹ).
Lựa chọn khác
Theo Euronews, chuyên gia chính sách năng lượng Simone Tagliapietra và chuyên gia kinh tế Guntram Wolff tại tổ chức Bruegel ở Bỉ đề xuất EU áp thuế đối với dầu khí Nga. Điều này sẽ giảm doanh thu của Nga, trong khi tránh ảnh hưởng lớn đến tăng trưởng của châu Âu. Ngoài ra, lựa chọn này còn có lợi thế pháp lý là không ảnh hưởng các hợp đồng đã ký. Tiền thu thuế có thể sử dụng để bảo vệ những hộ gia đình bị ảnh hưởng lớn từ giá năng lượng tăng.
KHÁNH AN
TNO