Nga chống chọi đòn trừng phạt của phương Tây…
Nga chống chọi đòn trừng phạt của phương Tây
Giữa hàng loạt lệnh trừng phạt từ các nước phương Tây sau khi tiến hành chiến dịch quân sự nhằm vào Ukraine, Nga đang phải lèo lái nền kinh tế như thế nào?
Người dân xếp hàng chờ rút tiền từ máy ATM ở Saint Petersburg (Nga) vào ngày 27.2 REUTERS |
Reuters ngày 4.4 dẫn nguồn tin từ Đức cho hay các nước phương Tây thống nhất sẽ bổ sung biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga liên quan cáo buộc lạm sát dân thường ở Ukraine. Liên quan vấn đề này, Mỹ và các đồng minh chưa công bố chi tiết các biện pháp trừng phạt bổ sung. Tuy nhiên, theo tờ The Washington Post, các quan chức cấp cao trong chính quyền Washington từng đề cập việc có thể tăng trừng phạt nhằm vào Moscow bằng cách áp dụng một số quy định đối với một số quốc gia đang quan hệ giao thương với Nga.
Rúp Nga hồi phục như thế nào ?
Trong khi đó, tỷ giá hối đoái giữa rúp Nga và USD đến hôm qua khoảng 85 rúp đổi 1 USD, tương đương mức tỷ giá ở thời điểm trước khi Nga phát động chiến dịch quân sự nhằm vào Ukraine. Hồi đầu tháng 3, tỷ giá vừa nêu có khi lên đến khoảng 150 rúp Nga đổi 1 USD. Chính vì thế, rúp xem như đã tăng giá trở lại chỉ vài tuần sau khi giảm giá kỷ lục.
Trả lời Thanh Niên, TS Maria Shagina, chuyên nghiên cứu về quy chế tiền tệ và phi USD hóa tại Viện Nghiên cứu các vấn đề quốc tế Phần Lan, phân tích: “Các biện pháp tài chính và tiền tệ của chính quyền Nga đã giúp tiền rúp tăng trở lại. Việc nhanh chóng đưa ra các biện pháp kiểm soát vốn và tăng lãi suất lên 20% đã ngăn cản dòng tiền rời khỏi đất nước. Trên hết, chính quyền Nga đưa ra nghĩa vụ đối với các nhà xuất khẩu phải bán lại 80% số ngoại tệ nhận được từ hợp đồng ngoại thương. Cùng với việc giảm nhập khẩu, các biện pháp này đã hoạt động hiệu quả trong việc hỗ trợ tiền tệ”.
Thực tế, để đối phó các biện pháp trừng phạt từ phương Tây, Nga đã nâng lãi suất cơ bản từ 8,5%/năm lên 20%/năm. Kèm theo đó là các quy định hạn chế người dân giao dịch ngoại tệ như: cấm cho người nước ngoài vay ngoại tệ; người dân Nga không thể gửi ngoại tệ vào tài khoản của họ và gửi tiền vào các ngân hàng nước ngoài…
Triển vọng ảm đạm
“Tuy nhiên, sự phục hồi của rúp không có nghĩa là các lệnh trừng phạt không có tác dụng hoặc nền kinh tế Nga đã sống sót sau đòn kinh tế. Tỷ giá hối đoái của rúp Nga được duy trì một cách bất ổn, trong khi nền kinh tế nước này được dự báo sẽ giảm 15% vào cuối năm nay”, TS Maria Shagina phân tích.
Vị chuyên gia này nói thêm: “Mục tiêu của các lệnh trừng phạt là làm xói mòn nền tảng kinh tế của Nga. Việc đóng băng tài sản của ngân hàng trung ương, áp đặt các biện pháp trừng phạt ngăn chặn hoàn toàn đối với VTB – ngân hàng lớn thứ hai của Nga, và ngắt kết nối 7 ngân hàng Nga khỏi SWIFT nhằm phục vụ mục đích này. Nga bị cấm tham gia thị trường quốc tế và không thể mua hàng hóa quan trọng ở nước ngoài, bất chấp sự phục hồi của rúp. Tiền rúp sẽ còn nhiều biến động, trong khi triển vọng tăng trưởng của các ngành trong ngành kinh tế Nga đều rất ảm đạm”.
Gần đây, Tổng thống Nga Vladimir Putin đưa ra quyết định những nước nằm trong danh sách “không thân thiện” với Moscow sẽ phải trả bằng rúp khi mua dầu và khí đốt từ Nga. Động thái được cho là nhằm khai thác lợi thế của một nhà cung cấp dầu và khí đốt quan trọng đối với EU.
Tuy nhiên, sau động thái trên, một số nước châu Âu đã quyết định hạn chế mua dầu và khí đốt từ Nga. Trong đó, Latvia, Estonia và Lithuania (Litva) tạm ngưng nhập khí đốt Nga. Ngoài ra, Ba Lan cũng đã công bố ngưng nhập khẩu khí đốt của Nga sau năm nay. Tương tự, Đức cũng dự kiến không nhập khí đốt của Nga từ năm 2024, EU đưa ra kế hoạch giảm 1/3 sản lượng nhập khẩu khí đốt Nga trong năm nay đồng thời khối này đang tăng cường nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng từ Mỹ.
Nga giảm mạnh giá dầu thô cho Ấn Độ?
Báo Mint, chuyên về tài chính ở Ấn Độ, đưa tin Nga gần đây đề nghị giảm giá dầu thô Ural với mức 35 USD mỗi thùng so với giá trước thời điểm Nga tiến hành chiến dịch quân sự nhằm vào Ukraine. Theo chuyên trang Investing.com, giá dầu Ural chính thức hiện khoảng 80 USD/thùng, còn giai đoạn từ ngày 21 – 24.2 khoảng 95 USD/thùng.
Tính đến hết tháng 3, Ấn Độ được cho là đã mua đến 13 triệu thùng dầu của Nga kể từ khi chiến sự bùng nổ ở Ukraine. Trong khi đó, cả năm 2021, Ấn Độ chỉ mua 16 triệu thùng dầu từ Nga.
HOÀNG ĐÌNH
TNO