Cho vay bất động sản tiềm ẩn rủi ro
Cho vay bất động sản tiềm ẩn rủi ro
Cho vay bất động sản là lĩnh vực kinh doanh có tiềm ẩn rủi ro, cần tăng cường kiểm soát chặt chẽ dòng vốn chảy vào.
Trước đó, ngày 18-3, NH Nhà nước đã ban hành kế hoạch hành động của ngành NH, trong đó yêu cầu các NH không nới lỏng điều kiện cấp tín dụng, đồng thời kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như đầu tư, kinh doanh bất động sản, chứng khoán, các dự án BOT, BT giao thông, trái phiếu doanh nghiệp.
Cần kiểm soát
Tuy nhiên, đối với lĩnh vực bất động sản nhà ở phục vụ nhu cầu tiêu dùng chính đáng, NH Nhà nước vẫn sẽ ưu tiên và tạo điều kiện.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Hà Thu Giang, phó vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NH Nhà nước), cho hay cơ quan này sẽ có biện pháp giám sát chặt chẽ dòng tiền tín dụng chảy sang lĩnh vực bất động sản. Đây là lĩnh vực kinh doanh có tiềm ẩn rủi ro, cần tăng cường kiểm soát chặt chẽ dòng vốn chảy vào.
“Chúng tôi cũng chỉ đạo các NH hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, tín dụng tiêu dùng phục vụ nhu cầu chính đáng của người dân, doanh nghiệp”, bà Giang nói.
Cũng theo bà Giang, việc hạn chế cho vay các lĩnh vực rủi ro, trong đó có kinh doanh bất động sản, được NH Nhà nước cảnh báo tổ chức tín dụng liên tiếp nhiều năm nay. Thực hiện chỉ đạo này, mỗi tổ chức tín dụng sẽ có cách ứng xử, chính sách khi cho vay bất động sản.
“Các NH phải dựa vào tỉ lệ hiện cho vay đối với lĩnh vực này so với tổng dư nợ là bao nhiêu, cân đối nguồn vốn và các tỉ lệ an toàn vốn… để hạn chế hay là siết dòng vốn đối với kinh doanh bất động sản”, bà Giang cho biết thêm.
Không tăng tỉ lệ tín dụng bất động sản
Tăng trưởng cho vay với lĩnh vực bất động sản từ mức trên 26% trong năm 2018, giảm còn 12% trong năm 2020 và duy trì ở mức này trong năm 2021. Tín dụng bất động sản chiếm khoảng 18-20% trong tổng dư nợ nền kinh tế. Trong cơ cấu tín dụng bất động sản, cho vay mua bất động sản để sử dụng chiếm 68%, còn lại là kinh doanh bất động sản.
Ngân hàng Nhà nước cho biết tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế đến cuối tháng 3 đạt khoảng 5%, gấp 3,3 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Để hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục và phát triển kinh tế, cơ quan này yêu cầu các tổ chức tín dụng tiếp tục cân đối nguồn vốn, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ như doanh nghiệp nhỏ và vừa, nông nghiệp nông thôn…, cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, tín dụng tiêu dùng với lãi suất hợp lý.
Siết tín dụng ngân hàng cả trái phiếu doanh nghiệp
Trong năm 2021, theo báo cáo của bộ phận phân tích Công ty chứng khoán SSI, các doanh nghiệp phát hành tổng cộng 722.700 tỉ đồng trái phiếu, tăng 56% so với năm 2020.
Trong đó, doanh nghiệp bất động sản là nhóm phát hành nhiều nhất với 318.200 tỉ trong năm 2021, chiếm 44% tổng lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành, tăng 66,3% so với năm 2020. Số lượng các doanh nghiệp bất động sản phát hành tăng từ 141 năm 2020 lên 193 doanh nghiệp trong năm 2021.
Nhóm trái phiếu bất động sản có lãi suất duy trì ở mức cao trong cả ba năm gần đây, với biên độ 10,3-10,6%/năm. Một số doanh nghiệp phát hành trái phiếu lãi suất lên đến 12-13%/năm, gồm Công ty phát triển bất động sản Phát Đạt, Công ty Hoàng Phú Vương, Công ty Osaka Garden, Công ty Galatic Group, Công ty TNHH đầu tư bất động sản Unity.
Tuy nhiên, báo cáo trên chỉ nêu được tình hình của năm 2021. Bởi gần cuối năm 2021, trước tình trạng bát nháo phát hành trái phiếu doanh nghiệp, nhất là từ các doanh nghiệp bất động sản, Bộ Tài chính đã tuýt còi và cho biết sẽ đưa ra nhiều biện pháp kiểm soát chặt hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
Chính phủ cũng đã có công điện quản lý, thanh tra, kiểm tra phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Như vậy, cả kênh tín dụng ngân hàng và kênh gọi vốn qua trái phiếu trên thị trường chứng khoán vào bất động sản đều đã bị đặt trong tầm ngắm kiểm soát.