Mỹ – Nga đấu năng lượng, châu Âu lãnh đủ
Mỹ – Nga đấu năng lượng, châu Âu lãnh đủ
Dấu hiệu cho một cuộc chiến năng lượng giữa Nga và Mỹ đã xuất hiện khi Washington thông báo xả lượng dầu dự trữ lịch sử vào ngày 31-3, ngay sau khi Matxcơva doạ đóng van khí đốt sang châu Âu nếu không thanh toán bằng đồng rúp.
Trong động thái chưa từng có tiền lệ, Mỹ sẽ xuất 1 triệu thùng dầu thô mỗi ngày từ kho dự trữ chiến lược trong 180 ngày nhằm hạ nhiệt giá dầu và bù đắp phần nào sự thiếu hụt của thế giới do giảm nguồn cung từ Nga.
Chưa đủ bù đắp
Theo báo New York Times, đây là đợt xả kho lớn nhất kể từ khi Mỹ thành lập Cục Dự trữ dầu mỏ chiến lược (SPR) vào thập niên 1970. Tổng lượng dự trữ hiện có của Mỹ là gần 600 triệu thùng, xấp xỉ lượng tiêu thụ của người Mỹ trong một tháng.
Đây là lần thứ hai trong vòng 6 tháng qua Mỹ mở kho SPR. Lần trước đó vào tháng 11-2021, khi nước này cam kết giải phóng 50 triệu thùng.
180 triệu thùng được xả kho lần này tương đương nhu cầu sử dụng trong khoảng 2 ngày của toàn thế giới. Với các kho dự trữ nằm gần các nhà máy lọc dầu, dự kiến chỉ mất tối đa 2 tuần để các sản phẩm tinh chế đầu tiên xuất hiện trên thị trường.
Ngoài mở kho SPR, chính quyền ông Biden cũng có kế hoạch kêu gọi Quốc hội yêu cầu các công ty sản xuất dầu tăng sản lượng khai thác ở các giếng dầu nằm trên 12 triệu mẫu đất liên bang.
Nếu từ chối, những công ty này có thể bị tước giấy phép hoặc chấm dứt hợp đồng khai thác để nhường chỗ cho các công ty khác.
Theo báo New York Times, mặc dù thông tin của chính quyền ông Biden có vẻ tích cực, thực tế cho thấy lượng dầu thô xả kho có thể không đủ để bù đắp khoảng thiếu hụt do Nga để lại.
Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) ước tính trong tháng 4 này, mỗi ngày sẽ có khoảng 3 triệu thùng dầu thô và sản phẩm tinh chế bị tắc lại bên trong biên giới Nga do các biện pháp trừng phạt từ phương Tây khiến các đối tác e ngại mua.
IEA, tổ chức có 31 thành viên là các nước công nghiệp phát triển nhưng không bao gồm Nga, đang được kỳ vọng sẽ thúc đẩy các nước khác mở kho dự trữ dầu thô để giảm bớt sự thiếu hụt này.
Hôm 1-3, IEA tuyên bố khối này sẽ xả 60 triệu thùng dầu thô – mức cao nhất trong lịch sử, trong đó riêng Mỹ góp 30 triệu thùng.
Giới quan sát đang kỳ vọng một đợt xả kho mới nữa của các nước IEA sau cuộc họp khẩn ngày 1-4 và hy vọng hành động này sẽ diễn ra song song với động thái mới của Mỹ, nâng tổng số dầu thô xả kho lên mức đủ để lấp đầy khoảng trống nguồn cung từ Nga.
Nga bảo vệ đồng rúp?
1-4 là ngày đầu tiên Nga áp dụng cách thanh toán mới cho các bạn hàng khí đốt, yêu cầu họ chuyển từ thanh toán bằng USD, euro hay bảng Anh sang đồng rúp của Nga.
Hôm 31-3, Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố nếu châu Âu không thanh toán bằng đồng rúp thì Nga sẽ xem đây là hành động vi phạm hợp đồng và có thể dẫn tới việc đóng đường ống dẫn khí tự nhiên từ Nga sang châu Âu.
Tuy nhiên, chưa có dấu hiệu nào cho thấy Nga sắp đóng tất cả các van dẫn sang châu Âu – điều mà theo Hãng thông tấn Tass là thậm chí chưa bao giờ xảy ra, ngay cả trong giai đoạn đối đầu Liên Xô (cũ) và phương Tây lên đỉnh điểm trong Chiến tranh lạnh.
Dù vậy, theo Đài CNBC của Mỹ, đang có một châu Âu bối rối trước các cảnh báo của Nga và gấp rút tìm cách đối phó.
Đức, nước nhập khẩu 55% nguồn cung cấp khí đốt từ Nga, khẳng định sẽ thanh toán bằng đồng euro hoặc USD theo quy định trong hợp đồng. Bộ trưởng Kinh tế Pháp thì tiết lộ Berlin và Paris đang “chuẩn bị” cho một kịch bản khí đốt của Nga ngừng chảy nhưng không nói thêm chi tiết.
Trên thực tế, Berlin đã không từ chối thẳng thừng yêu cầu của Matxcơva mà diễn giải theo kiểu “không chấp nhận vì chưa nhận được giải thích rõ ràng từ Nga về quy trình thanh toán mới”.
Như giới quan sát đã nhiều lần nhận định và dự đoán, việc Nga sử dụng lá bài khí đốt với châu Âu là điều sớm muộn sẽ xảy ra. Điểm bất ngờ là việc Nga yêu cầu phương Tây thanh toán bằng đồng rúp.
Giá trị của đồng rúp đã rơi xuống vực khi xe tăng Nga lăn bánh trên đất Ukraine và chỉ nhờ Ngân hàng Trung ương Nga thì đồng rúp mới được neo ở mức 1 euro đổi 94,1 rúp.
Việc đồng rúp mất giá sẽ khiến xuất khẩu của Nga đem lại ít tiền hơn so với trước đây, gián tiếp ảnh hưởng đến ngân sách cho các hoạt động của nhà nước và quân đội.
Theo phó giáo sư Alexander Mihailov thuộc Đại học Reading (Anh), các cố vấn kinh tế của Tổng thống Putin có thể đã tin rằng việc yêu cầu thanh toán bằng đồng rúp sẽ giữ đồng tiền này không bị rớt giá và tăng rủi ro cho phương Tây khi phải tìm cách đổi euro và USD sang đồng rúp để mua khí đốt.
Về lâu dài, Nga có thể đang hy vọng đồng rúp sẽ có được vị trí nổi bật hơn, trở thành đồng tiền dự trữ hoặc tiền tệ quốc tế do nhu cầu dài hạn của phương Tây đối với khí đốt và dầu mỏ Nga.
Nga chưa dừng cung cấp khí đốt ngay sau 1-4
Trong thông báo ngày 1-4, Tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga cho biết khí đốt tự nhiên vẫn tiếp tục chảy qua các đường ống dẫn nằm trên lãnh thổ Ukraine để sang châu Âu.
Trong cuộc họp báo sau đó cùng ngày, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov khẳng định Nga sẽ không ngừng ngay cung cấp khí đốt cho châu Âu sau ngày 1-4. Lý do là hạn thanh toán cho khí đốt giao từ ngày 1-4 chỉ đến vào giữa tháng này và đầu tháng 5.
Đại diện Điện Kremlin cũng cảnh báo lệnh của Tổng thống Vladimir Putin để chuyển tiền tệ thanh toán cuối cùng cho nguồn cung cấp khí đốt sang đồng rúp là không thể thay đổi và đồng rúp là đồng tiền an toàn nhất, ưu tiên nhất đối với Nga lúc này, theo Hãng tin Reuters.