Bỏ cộng điểm khuyến khích: Học nghề có về đúng mục tiêu hướng nghiệp?
Những ngày vừa qua, dư luận quan tâm tới thông tin dự kiến bỏ cộng điểm khuyến khích trong tuyển sinh vào lớp 10 với học sinh có chứng chỉ nghề ở cấp THCS của Bộ GD-ĐT.
Bỏ cộng điểm khuyến khích: Học nghề có về đúng mục tiêu hướng nghiệp?
Hầu hết ý kiến đồng tình nhưng lo ngại, bỏ cộng điểm sẽ không còn học sinh nào học nghề nữa.
Dạy – học nghề bị méo mó vì quy định cộng điểm?
Theo mục tiêu mà Bộ GD-ĐT đặt ra, từ tiểu học đến THCS, giáo dục hướng nghiệp giúp học sinh (HS) nhận thức, có hiểu biết và lựa chọn nghề nghiệp trong xã hội… HS cũng được khám phá sở thích và năng lực của mình để biết được những nghề nào sẽ phù hợp với sở thích và năng lực đó. Nhờ vậy, đến cuối cấp THCS, HS có thể xác định được hướng phát triển phù hợp với năng lực và điều kiện của bản thân: học tiếp lên THPT, học nghề hay tham gia vào cuộc sống lao động.
Tuy nhiên, trên thực tế, việc HS và các trường miệt mài đến căng thẳng dạy – học nghề trong thời gian qua chủ yếu nhằm mục đích cộng điểm khuyến khích. Với cấp THCS là cộng điểm trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, với THPT là cộng điểm để xét tốt nghiệp.
Nhiều năm qua, Hà Nội đã áp dụng cộng điểm khuyến khích từ 0,5 – 1,5 điểm trong tuyển sinh vào lớp 10 với HS có chứng chỉ nghề, tùy vào từng loại chứng chỉ (trung bình, khá, giỏi). Điều rất dễ nhận thấy là việc học và thi lấy chứng chỉ nghề ngày càng căng thẳng theo tính chất của kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10. Chỉ thiếu 0,5 điểm HS sẽ tuột mất cơ hội vào được ngôi trường THPT mơ ước, nên việc được cộng thêm tới 1,5 điểm vì có chứng chỉ nghề khiến cả gia đình, nhà trường và HS rất áp lực.
Một phụ huynh có con học lớp 9 trường THCS ở Hà Nội cho hay: “Lịch thi nghề của các con vào ngày 18 – 19.1 tới. Suốt mấy tháng qua, việc ôn tập lý thuyết và thực hành nghề rất vất vả, nhà trường còn tổ chức ôn thi cấp tốc và thi thử mấy lần cho HS khối 9 vì sợ không đạt chứng chỉ loại giỏi, để được cộng điểm tối đa vào lớp 10, ảnh hưởng tới thành tích của trường. Cả kỳ nghỉ Tết dương lịch vừa qua, cả nhà không dám đi đâu vì con phải ở nhà học thuộc lý thuyết nghề theo yêu cầu của nhà trường”.
Học nghề không yêu thích, lạc hậu
Việc dạy và học nghề trong trường phổ thông đã ngày càng bị biến tướng. Mặc dù quy định của Bộ GD-ĐT có tới 11 loại nghề khác nhau để HS lựa chọn phù hợp với năng lực, sở thích. Tuy nhiên, trên thực tế hầu hết các trường đều “khuyến khích” HS chọn một nghề dễ dạy, dễ học và dễ… lấy điểm nhất.
Ghi nhận của PV Thanh Niên, 100% HS của hầu hết các trường THCS ở Hà Nội chọn nghề tin học. Một HS lớp 9 cho biết: “Nếu được lựa chọn em sẽ chọn nghề cắt may vì em rất thích may vá, nhưng cô chủ nhiệm cho biết tất cả các con phải chọn nghề tin học để dễ bố trí lớp học và thuận tiện cho việc tổ chức ôn thi, tổ chức thi sau này”.
HS chán nản không chỉ dừng ở việc không được chọn nghề yêu thích mà còn bởi sự lạc hậu, lỗi thời trong chính chương trình môn nghề đó. Ví dụ, với môn tin học, khi cả thế giới đã dùng tới Microsoft Office 2013 hoặc 2017 thì HS vẫn phải học Microsoft Office 2003 với những kiến thức đã lạc hậu.
Sẽ đổi mới dạy nghề phổ thông
Trước thông tin Bộ GD-ĐT bỏ quy định cho phép các sở GD-ĐT cộng điểm khuyến khích trong tuyển sinh vào lớp 10, trong đó có cả chứng chỉ học nghề, nhiều ý kiến cho rằng quyết định này là đúng đắn.
Bộ GD-ĐT từng lý giải quy định cho các địa phương sử dụng kết quả thi nghề phổ thông của HS để cộng điểm khuyến khích trong kỳ tuyển sinh hoặc xét tốt nghiệp là một trong những biện pháp nhằm khuyến khích HS học nghề phổ thông, góp phần thực hiện tốt chủ trương giáo dục hướng nghiệp và phân luồng HS sau THCS và THPT. Vấn đề đặt ra là nếu bỏ cộng điểm, liệu HS THCS có cần phải học nghề nữa không, vì nếu vẫn giữ như một môn học tự chọn như hiện nay mà không có chế độ cộng điểm khuyến khích thì HS sẽ đồng loạt bỏ chọn môn nghề.
Ông Nguyễn Xuân Thành, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD-ĐT, cho rằng chứng chỉ nghề vẫn là điều kiện để xét tốt nghiệp THCS và THPT. Việc bỏ cộng điểm cùng với các giải pháp phân luồng, hướng nghiệp tốt hơn trong thời gian tới sẽ giúp việc dạy nghề trong trường phổ thông trở lại đúng mục tiêu của nó.
Đại diện Bộ GD-ĐT cho rằng, công tác dạy nghề phổ thông sẽ phải đổi mới theo hướng tích cực, hiệu quả hơn, gắn lý thuyết với thực hành và thực tiễn. Phương thức dạy nghề phổ thông cũng được đổi mới theo hướng tăng cường hoạt động thực hành, thực tế; mở rộng thêm các nghề phổ thông mới phù hợp với nhu cầu của HS…
Bà Trương Thị Thuỷ, giáo viên Trung tâm giáo dục kỹ thuật tổng hợp số 5 (Hà Nội), từng chủ nhiệm đề tài nghiên cứu khoa học cấp thành phố “Dạy học nghề phổ thông theo tiếp cận sư phạm tương tác ở các trung tâm giáo dục kỹ thuật tổng hợp trên địa bàn TP.Hà Nội”, cho biết để tìm hiểu về thực trạng dạy nghề phổ thông, nhóm nghiên cứu của bà đã thực hiện điều tra gần 700 giáo viên và HS tại 6 trung tâm giáo dục kỹ thuật tổng hợp ở Hà Nội. Qua khảo sát, có đến 83,9% HS cho rằng học nghề để được cộng điểm trong các kỳ thi tốt nghiệp; 56,7% xác định mục đích học nghề phổ thông là nắm những thông tin ban đầu về một số nghề; 60,3% trả lời học nghề để vận dụng vào rèn luyện kỹ năng; 64,9% để phục vụ cho việc tự định hướng chọn ngành nghề phù hợp…
|
Tuệ Nguyễn