22/12/2024

Ukraine muốn mô hình trung lập nào?

Ukraine muốn mô hình trung lập nào?

Nhà đàm phán Ukraine Mykhailo Podolyak cho rằng mấu chốt để Ukraine chấp nhận trung lập là sự bảo đảm an ninh từ các cường quốc. Theo ông Podolyak, thoả thuận về đảm bảo an ninh quốc tế cho Ukraine là cần thiết để chấm dứt chiến tranh.

 

Ukraine muốn mô hình trung lập nào? - Ảnh 1.

Người dân ở thành phố Trostianets, đông bắc Ukraine, chờ phát lương thực vào ngày 29-3 – Ảnh: AFP

Trong vòng đàm phán ngày 29-3 tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ), phía Ukraine đã nêu ra khuôn khổ về hòa bình, theo đó Ukraine sẽ trung lập với điều kiện an ninh của họ được đảm bảo bởi các nước gồm Mỹ, Anh, Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc và Ba Lan.

Kiev muốn có một thỏa thuận tương tự như điều 5 của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), với cam kết các thành viên bảo vệ lẫn nhau chống lại sự xâm lược từ một nước thứ ba.

 

Ukraine muốn được đảm bảo chắc chắn

Ukraine cho biết họ sẵn sàng đồng ý với thời gian tham vấn kéo dài 15 năm về tình trạng của Crimea (bán đảo Nga sáp nhập năm 2014), với điều kiện hai nước đồng thuận không sử dụng quân đội để giải quyết vấn đề trong thời gian chờ đợi. Ukraine cũng kêu gọi Nga không phản đối việc họ trở thành thành viên EU.

Phía Nga cũng tỏ dấu hiệu cho thấy muốn chấm dứt xung đột ở Ukraine.

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga, đại tướng Alexander Fomin, tuyên bố sau cuộc hòa đàm rằng nhằm tăng cường “sự tin cậy lẫn nhau và tạo ra các điều kiện cần thiết để tiếp tục đàm phán”, nước Nga đã cắt giảm đáng kể hoạt động quân sự ở khu vực gần thủ đô Kiev và thành phố Chernihiv của Ukraine.

Ông Vladimir Medinsky, trưởng phái đoàn đàm phán của Nga, cho biết cuộc đàm phán ở Istanbul “mang tính xây dựng” và tổng thống hai nước có thể gặp nhau khi dự thảo hiệp ước hòa bình được hai bên đồng ý.

Dù có những tín hiệu tích cực như vậy nhưng Mỹ và phương Tây vẫn nghi ngại về khả năng “hòa bình nằm trong tầm tay” ở Ukraine.

Thứ nhất, việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014 dù đã thông qua trưng cầu ý dân, nhưng theo Mỹ và phương Tây, nó là hành động vi phạm Bản ghi nhớ Budapest 1994.

Phương Tây cho rằng bản ghi nhớ đó nêu cam kết của Ukraine về việc loại bỏ tất cả vũ khí hạt nhân khỏi lãnh thổ của mình theo khung thời gian quy định. Đổi lại, Nga, Mỹ và Anh ký cam kết là “tôn trọng độc lập, chủ quyền và các biên giới hiện có của Ukraine”, nhưng Nga đã sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine vào tháng 3-2014.

Cũng phải nói thêm rằng Bản ghi nhớ Budapest 1994 đã được ký nhưng lẽ ra để có hiệu lực, nó phải được tất cả các bên phê chuẩn (tức là được quốc hội các nước đó thông qua), song thực tế đến nay chưa có nước nào phê chuẩn.

Vì lẽ đó, trong đề nghị ngày 29-3, Ukraine yêu cầu hiệp ước tương lai về đảm bảo an ninh cho họ phải được làm chặt chẽ, không chỉ là những điều khoản nội dung mà phải đảm bảo được quốc hội tất cả các nước liên quan phê chuẩn.

 

Thiếu niềm tin giữa các bên

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói ông không thấy bất cứ điều gì cho thấy các cuộc đàm phán đang tiến triển theo cách “mang tính xây dựng”. Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng nói: “Chúng tôi sẽ đợi xem. Tôi không quan tâm nhiều về nó cho đến khi tôi thấy hành động của họ [Nga] là gì”.

Người phát ngôn của Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết Vương quốc Anh đã nhận thấy dấu hiệu “giảm bớt” các cuộc bắn phá của Nga xung quanh thủ đô Kiev nhưng nói thêm: “Chúng tôi sẽ đánh giá ông Putin và chế độ của ông ấy bằng hành động chứ không phải bằng lời nói của ông ấy… Chúng tôi không muốn thấy bất cứ điều gì khác ngoài việc rút hoàn toàn lực lượng Nga khỏi lãnh thổ Ukraine”.

Một điểm nữa là các cam kết an ninh mang tính ràng buộc từ các nước phương Tây cũng sẽ là một dấu hỏi lớn cho Ukraine trong thời gian tới.

Hiện tại, dù Mỹ và Anh cung cấp tài chính, vũ khí, thiết bị quân sự… cho Ukraine, cũng như đã trừng phạt nghiêm khắc với Nga, nhưng họ đã loại trừ mọi sự can thiệp trực tiếp ví như áp đặt vùng cấm bay trên lãnh thổ Ukraine.

Phương Tây lo sợ bị lôi kéo vào cuộc chiến trực tiếp với Nga, một điều có thể khởi đầu cho Chiến tranh thế giới thứ ba. Dù phản ứng hạn chế này vẫn đáp ứng các cam kết chính trị của Mỹ và Anh trong Bản ghi nhớ Budapest 1994, nhưng rõ ràng Ukraine đã phải tự chiến đấu với người Nga.

Do đó, nghĩa vụ từ các quốc gia bảo đảm an ninh cho Ukraine cần phải mang tính ràng buộc và được xác định rõ ràng hơn. Chẳng hạn, nếu có vi phạm, sẽ có phản ứng mạnh mẽ từ các quốc gia tham gia ký kết như điều 5 trong Hiệp ước NATO.

Hiện tại đã có những dấu hiệu tích cực từ Nga và Ukraine sau cuộc đàm phán thứ 5, nhưng điều quan trọng là phương Tây – những bên cam kết quan trọng bảo đảm an ninh cho Ukraine trong tương lai – lại không tin sẽ có những kết quả cam kết thực chất từ Nga.

 

Điện Kremlin: Nga sẽ không bàn về Crimea

Ngày 30-3, Điện Kremlin nhận định cuộc đàm phán với Ukraine không hứa hẹn có đột phá và cần phải tiếp tục làm việc một thời gian dài.

Nga cho rằng việc Ukraine đặt ra những yêu cầu cụ thể hơn là điều tích cực, song Matxcơva khẳng định sẽ không bàn về tình trạng của bán đảo Crimea đã sáp nhập Nga từ năm 2014.

“Crimea là một phần của Liên bang Nga”, Hãng tin Sputnik dẫn lời người phát ngôn Dmitry Peskov của Điện Kremlin.

Tổng thống Mỹ tuyên bố đã nhất trí với các đồng minh sẽ tiếp tục “bắt Nga trả giá”. Tuy nhiên, ngày 30-3 Đức đã phải phát “cảnh báo sớm” trước nguy cơ thiếu hụt khí đốt.

Trong khi đó, Chủ tịch Hạ viện Nga Vyacheslav Volodin cảnh báo Nga có thể mở rộng danh sách các mặt hàng phải thanh toán bằng đồng rúp như phân bón, ngũ cốc, dầu mỏ, than đá, kim loại, gỗ.

TRẦN PHƯƠNG

TS NGUYỄN THÀNH TRUNG
TTO