23/11/2024

TP.HCM đổi mới đề thi vào lớp 10

TP.HCM đổi mới đề thi vào lớp 10

Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 tại TP.HCM năm nay sẽ diễn ra vào ngày 11 và 12-6. Sau một năm không tổ chức thi tuyển, năm nay Sở GD-ĐT TP.HCM sẽ có chủ trương như thế nào về đề thi?

 

 

 

TP.HCM đổi mới đề thi vào lớp 10 - Ảnh 1.

Học sinh lớp 9 Trường THCS Lạc Hồng (quận 10, TP.HCM) trong giờ học – Ảnh: NHƯ HÙNG

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Bảo Quốc – phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM – cho biết: “Sở vẫn tiếp tục thực hiện chủ trương đổi mới cách ra đề thi tuyển sinh vào lớp 10. Trong đó, sẽ tăng cường các câu hỏi yêu cầu thí sinh vận dụng những kiến thức đã học để giải quyết các tình huống thực tế trong cuộc sống”.

 

Môn tiếng Anh: tăng thời gian làm bài

Theo Sở GD-ĐT TP.HCM, năm nay là năm đầu tiên TP thực hiện tính điểm tuyển sinh lớp 10 với ba môn thi đều là hệ số 1 (trước đây môn ngoại ngữ tính hệ số 1, môn toán và ngữ văn hệ số 2). Cách tính điểm này nhằm nâng cao vai trò môn ngoại ngữ trong nhà trường phổ thông. Vì vậy đề thi môn tiếng Anh năm nay tăng thời gian làm bài là 90 phút thay vì 60 phút như năm 2020.

Ông Trần Đình Nguyễn Lữ – chuyên viên môn tiếng Anh Sở GD-ĐT TP.HCM – thông tin: “Số lượng câu hỏi trong đề thi sẽ tăng lên 40 câu thay vì 36 câu như trước. Nội dung đề thi sẽ ra theo hướng nhẹ nhàng với kiến thức, chủ đề, chủ điểm, từ vựng quen thuộc, nằm trong chương trình THCS và chủ yếu trong chương trình lớp 9. Các phần kiến thức đã giảm tải khi học trực tuyến sẽ không có trong đề thi. Các câu hỏi chủ yếu là nhận biết, thông hiểu, phần nâng cao chỉ chiếm 10 – 15%”.

Theo sở, đề thi môn tiếng Anh năm nay sẽ có hai bài đọc như thường lệ. Nội dung bài đọc cũng nằm trong những chủ điểm đã học. Tuy nhiên, độ dài của bài đọc sẽ dài hơn đề thi năm 2020 nhằm kiểm tra năng lực đọc nhanh – hiểu đúng của thí sinh. Những câu hỏi thuộc dạng phân hóa thí sinh dự kiến sẽ nằm ở phần đọc – hiểu và viết lại câu. Riêng câu hỏi về ngữ pháp dự kiến chỉ chiếm khoảng 1/4 trong tổng số các câu hỏi của đề thi tiếng Anh.

Ông Lữ khuyên học sinh: “Các câu hỏi sẽ được ban ra đề biên soạn theo hướng kiểm tra khả năng sử dụng ngôn ngữ của thí sinh trong đời sống thực tế. Do đó, đề thi sẽ không chú trọng về ngữ pháp mà nghiêng về kỹ năng, từ vựng. Sai lầm của học sinh những năm trước là quá tập trung vào phần ngữ pháp trong khi câu hỏi về phần này không nhiều. Năm nay, tôi khuyên các học sinh nên rèn những dạng bài để hình thành kỹ năng, đọc nhiều bài đọc để ghi nhớ từ vựng…”.

 

Môn toán: 70% câu hỏi nhận biết, thông hiểu

Ông Dương Bửu Lộc – chuyên viên môn toán Sở GD-ĐT TP.HCM – cho hay: “Đề thi môn toán năm nay sẽ có 70% câu hỏi ở mức độ nhận biết, thông hiểu; 30% câu hỏi ở mức độ vận dụng và vận dụng cao. Riêng những câu hỏi vận dụng cao sẽ được chúng tôi cân nhắc cho phù hợp với trình độ học sinh phải học trực tuyến trong thời gian dài do ảnh hưởng của dịch COVID-19”.

Cũng theo ông Lộc, đề thi môn toán gồm tám câu, với bảy câu là kiến thức cơ bản và một câu về hình học phẳng. Trong đó, câu 1 và 2 là kiến thức quen thuộc về đồ thị, định lý Vi-et, điều kiện có nghiệm của phương trình. Câu 3 đến câu 7 là các bài toán vận dụng kiến thức đã học trong chương trình giải các bài toán liên quan thực tế, trong đó sẽ có 1 – 2 bài toán ở mức nâng cao. Câu 8 là bài toán hình học phẳng gồm ba bài toán nhỏ. Trong đó, hai bài ở mức độ cơ bản, bài còn lại mang tính phân hóa cao.

Nói về những sơ suất và những điểm yếu của thí sinh về môn toán, ông Lô Quốc Khải – chuyên viên môn toán Phòng GD-ĐT quận Tân Phú – nhận định: “Đề thi có 5/8 câu thuộc dạng toán thực tế. Các bài toán thực tế thường rất dài, nhiều ngữ liệu đòi hỏi thí sinh phải có kỹ năng đọc và phân tích đề; kỹ năng tìm từ khóa trọng tâm để giải quyết bài toán… Thế nhưng hiện nhiều học sinh lại thiếu kỹ năng này. Chưa kể một số em còn sai sót trong việc làm tròn số… Do đó, dù bài toán thực tế không khó nhưng học sinh vẫn không đạt được điểm cao”.

Ông Khải phân tích: “Bài toán số 8 là bài toán về hình học phẳng, được xem là bài dùng để phân loại thí sinh. Với bài toán này, thí sinh cần chú ý các thao tác về đổi đơn vị, vận dụng đúng và nhuần nhuyễn các công thức đã học, sử dụng các luận cứ hình học một cách chặt chẽ, rèn kỹ năng phân tích giả thuyết hình học…”. Ông Lộc cũng đánh giá là nhiều học sinh thường gặp khó khăn với bài toán thực tế do khả năng thấu hiểu, khó hình dung các vấn đề thực tế cuộc sống như lãi suất tiền gửi, thể tích, chu vi… Do vậy, trong quá trình học, ngoài nắm các kiến thức toán học, học sinh cần quan tâm, rèn luyện thêm để có hiểu biết về các kiến thức từ thực tế.

Thi tuyển nên chắc chắn sẽ có những câu hỏi phân loại thí sinh. Tuy nhiên, hội đồng ra đề sẽ cân nhắc để chọn lựa những câu hỏi có độ khó phù hợp với tình hình dạy và học của năm nay.

Ông Nguyễn Bảo Quốc (phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM)

 

Môn văn: tránh lan man, dài dòng

Ông Trần Tiến Thành – chuyên viên môn văn Sở GD-ĐT TP.HCM – nhận xét: “Điểm yếu của học sinh khi làm bài thi môn văn là thường viết dài dòng, lan man, không tập trung vào vấn đề chính. Vì thế, phần đọc – hiểu là phần dễ lấy điểm nhất nhưng một số em vẫn không dành được trọn 3 điểm như đề thi đưa ra. Năm nay, văn bản được chọn để ra trong phần đọc hiểu là văn bản thông tin hoặc văn bản nghị luận, văn bản khoa học… Các câu hỏi có thể yêu cầu thí sinh phát hiện, nhận diện, giải mã từ ngữ, chi tiết, hình ảnh; nêu nội dung văn bản; yêu cầu phân tích, đánh giá, liên hệ, so sánh, sáng tạo nội dung mới…”.

Ở phần nghị luận xã hội, đề thi năm nay sẽ yêu cầu thí sinh viết bài văn ngắn khoảng 500 chữ về một vấn đề xã hội. Khi làm bài, các em học sinh cần thực hiện đầy đủ cấu trúc bài nghị luận. Phần mở bài phải nêu được vấn đề, phần thân bài triển khai được vấn đề, phần kết bài thì kết luận được vấn đề.

 

Đề thi sẽ ra theo hướng mở

Ở phần nghị luận văn học ở môn văn, ông Trần Tiến Thành cho biết đề thi năm nay sẽ ra theo hướng “mở”, để học sinh tự do trình bày cảm nhận về tác phẩm văn học. Thí sinh sẽ được lựa chọn một trong hai đề. Đề 1 sẽ là phân tích, cảm nhận tác phẩm thơ, truyện trong chương trình. Từ đó đặt ra yêu cầu sáng tạo, mở rộng như liên hệ đến tác phẩm khác, liên hệ thực tế cuộc sống, làm sáng rõ một ý kiến… Đề 2 có cách hỏi mới hơn, gợi mở hơn, tạo điều kiện tối đa cho thí sinh thể hiện sự sáng tạo của mình.

“Có một điều cần lưu ý là những năm trước học sinh thường hay diễn xuôi lại tác phẩm; bài làm thiếu cảm xúc do ít đọc, ít suy tư, cũng có thể do học vẹt. Phần nối kết tác phẩm với thực tế cuộc sống chưa sát sườn và còn gượng ép. Đây là những hạn chế mà tôi hy vọng mùa thi năm nay, các thí sinh sẽ không mắc phải” – ông Thành bày tỏ.

HOÀNG HƯƠNG
TTO