Thi đánh giá năng lực: Thí sinh thoải mái, tự tin
Thi đánh giá năng lực: Thí sinh thoải mái, tự tin
Kỳ thi đánh giá năng lực đợt 1 năm 2022 do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức đang diễn ra sáng nay 27-3 tại 17 địa phương.
80 điểm thi tại 17 tỉnh, thành
Theo TS Nguyễn Quốc Chính – giám đốc Trung tâm Khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo ĐH Quốc gia TP.HCM, đây là năm thứ năm ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực và cũng là đợt thi thu hút đông thí sinh nhất từ trước tới nay với gần 85.000 thí sinh đến từ các trường THPT trên cả nước tham gia.
“Tỉ lệ thí sinh đăng ký dự thi đợt 1 năm nay đạt 121,66% so với cùng đợt năm 2021. Đây là một tín hiệu lạc quan, ngày càng khẳng định uy tín của kỳ thi đối với thí sinh và xã hội”, ông Chính đánh giá.
Trong số thí sinh đăng ký dự thi đợt 1, nhiều nhất là cụm thi TP.HCM có 32 điểm thi với 42.000 thí sinh. Cụm thi tỉnh Khánh Hòa có 7 điểm thi với 4.900 thí sinh, Đồng Nai có 7 điểm thi với 4.100 thí sinh, Bình Định có 2 điểm với 4.100 thí sinh. Ngoài ra còn có các điểm thi tại Bến Tre, Đà Nẵng, Đắk Lắk, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, Quảng Ngãi, Cần Thơ, An Giang, Phú Yên, Kiên Giang, Bình Thuận, Bạc Liêu và Quảng Nam.
Kỳ thi chỉ diễn ra trong một buổi sáng. 7h30 giám thị gọi thí sinh vào phòng thi. Thí sinh sẽ được nhận phiếu trả lời trắc nghiệm, giấy nháp, ghi họ tên và số báo danh vào hai giấy này. 8h20 phát đề, thí sinh kiểm tra đề thi, số trang. 8h30 thí sinh bắt đầu làm bài thi. 11h thí sinh hết thời gian làm bài.
Ông Chính cũng khẳng định kỳ thi sẽ được ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức an toàn và hiệu quả với các biện pháp, phương án phòng chống dịch COVID-19 tối ưu nhất.
Thí sinh đi thi với tâm trạng thoải mái
Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ Online, do kỳ thi này diễn ra buổi sáng chủ nhật nên tại TP.HCM đường sá khá thông thoáng. Phần lớn thí sinh tham dự kỳ thi này với tâm trạng thoải mái.
Tại điểm thi 22 – Trường ĐH Văn Lang (quận Bình Thạnh), thí sinh Thiều Nguyên Thảo, học sinh Trường THPT Võ Thị Sáu (TP.HCM), cho biết: “Do điểm thi gần nhà nên em không cần phải đi thi quá sớm, hành trang đi thi rất gọn. Đọc đề thi tham khảo của kỳ thi em thấy kiến thức để thi chủ yếu được tích lũy qua quá trình học, không cần phải ôn tập gì, chỉ tập giải đề cho quen và tự tin hơn”.
Tương tự, tại điểm thi 29 – Trường ĐH Sài Gòn, thí sinh Lê Trọng Nhân, học sinh Trường THPT Lương Thế Vinh (TP.HCM), cũng đi thi gần nhà nên cũng không vội vã. Nhân cho biết ở trường thầy cô khuyên học sinh nên tham dự kỳ thi này để có thêm cơ hội vào đại học. Hầu hết các bạn trong lớp Nhân đều tham dự kỳ thi này.
“Do không biết kỳ thi này ra sao nên vừa qua em có đăng ký lớp luyện thi nhưng do đăng ký trễ nên mới theo học được 1 tháng nay để thi đợt 2. Đọc qua đề thi tham khảo em thấy không quá khó… Hơn nữa, kỳ thi này là cơ hội tăng thêm nên chẳng có áp lực gì”, Nhân chia sẻ.
Trong khi đó, tại điểm thi 15 – Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM), có nhiều thí sinh ở tỉnh Tây Ninh đến từ sớm. Do tại Tây Ninh không có điểm thi nên thí sinh phải đến TP.HCM dự thi. Bạn Thái Thị Kim Ngân – học sinh Trường THPT Quang Trung (Tây Ninh) – chia sẻ: “Em tham dự kỳ thi này chủ yếu để trải nghiệm nhưng nghĩ đây là cơ hội để vào đại học. Do hiện nay vẫn đang học chương trình trên lớp và tập trung học các môn thi tốt nghiệp THPT nên không dành nhiều thời gian ôn luyện thi đánh giá năng lực, em chủ yếu tập giải đề trên mạng”.
Thí sinh được tạo điều kiện tối đa
Tại điểm thi 01 – Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM), có một thí sinh đi thi được nhiều người chú ý. Đó là bạn Lưu Hồng Phúc (học sinh Trường THPT Mạc Đĩnh Chi) đến điểm thi khá sớm và rất tự tin.
Hồng Phúc cho biết bạn có nguyện vọng đăng ký xét tuyển vào Trường ĐH Kinh tế TP.HCM và tỏ ra hào hứng trong kỳ thi đánh giá năng lực diễn ra vào sáng nay.
Tại điểm thi 20 – Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, hầu hết thí sinh dự thi tại đây là học sinh các trường THPT quận Gò Vấp, quận Phú Nhuận. Nhiều thí sinh học cùng lớp, cùng trường dự thi cùng điểm thi này nên cùng đi thi với tâm trạng rất thoải mái.
Tại điểm thi này, do quên in giấy báo thi mang theo nên một số thí sinh lo lắng… Tuy nhiên, ngay tại phòng, các thí sinh đều được giải quyết cho vào thi. TS Nguyễn Trung Nhân, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, cho biết: “Những thí sinh quên mang giấy báo thi hoặc giấy tờ tùy thân đều được tạo điều kiện tối đa để được dự thi. Với những trường hợp mất giấy tờ tùy thân hoặc quên mang theo sẽ được yêu cầu làm giấy cam kết theo đúng quy định và được dự thi bình thường”.
Thí sinh dự thi sẽ làm bài trắc nghiệm 120 câu hỏi trong thời gian 150 phút. Điểm số tối đa của bài thi là 1.200 điểm, trong đó điểm tối đa phần sử dụng ngôn ngữ là 400 điểm, phần toán học, tư duy logic và phân tích số liệu là 300 điểm, phần giải quyết vấn đề là 500 điểm. Điểm của từng câu hỏi sẽ có trọng số khác nhau tùy thuộc vào độ khó và độ phân biệt của câu hỏi.
Kết quả thi này sẽ được công bố vào ngày 5-4. Đến nay, có 84 trường ĐH, CĐ trên cả nước sẽ sử dụng kết quả kỳ thi này để tuyển sinh với 1.266 ngành học.