Nông dân lãi to từ đồng vốn vay kỳ lạ
Nông dân lãi to từ đồng vốn vay kỳ lạ
“Tôi chưa thấy đồng vốn nào lạ thế này. Đã không phải trả lãi lại còn được thưởng” – ông Bùi Xuân Đoài, ở huyện Thanh Chương (Nghệ An) nói về đồng vốn vay “Tiếp sức nhà nông”.
Ông Bùi Xuân Đoài là một trong hàng trăm hộ nông dân tham gia chương trình “Tiếp sức nhà nông” do báo Tuổi Trẻ tổ chức với sự tài trợ của Công ty cổ phần GREENFEED Việt Nam.
Người chăn nuôi chúng tôi cần nhất là vốn, vốn là hàng đầu, thứ hai là kiến thức và kinh nghiệm. Có vốn mà không có kiến thức, kinh nghiệm cũng không thành công được.
Ông Đặng Ngọc Cường (xã Thái Dương, huyện Bình Giang, Hải Dương)
Từ đồng vốn ấy, tôi có thêm đồng ra đồng vào để cho con ăn học. Mình nghèo nhưng phải cố để các con có tương lai tươi sáng hơn. Các cháu thương tôi nên cháu nào cũng học giỏi, năm nào cũng được học bổng.
Bà Nguyễn Thị Sự (xã Thanh Xuân, huyện Thanh Chương, Nghệ An)
Vay 20 triệu đồng được “thưởng” 11 triệu đồng
Năm 2008, cô con gái cả thi đậu vào Trường đại học Y khoa (Đại học Huế), hai người con khác đang học trung học phổ thông. Ở vùng quê nghèo của Nghệ An này, cứ nhận được giấy báo trúng tuyển đại học là có đàn heo hay vài con trâu phải bán. Gia đình ông Đoài cũng vậy, cả nhà trông vào vài mảnh ruộng, mấy con heo và đàn gà hơn chục con.
Ông Đoài cũng được Ngân hàng Chính sách xã hội hỗ trợ cho vay vốn dành cho học sinh, sinh viên. Thế nhưng đồng vốn ít ỏi không đủ đóng học phí. Đang lúc túng quẫn thì Hội Nông dân xã thông báo ông Đoài được xét tham gia chương trình “Tiếp sức nhà nông”.
Chương trình hỗ trợ cho ông Đoài vốn vay 20 triệu đồng, không tính lãi trong vòng 2 năm. Ngoài ra, ông còn được hỗ trợ phiếu thức ăn trị giá 3 triệu đồng. Cầm số tiền trong tay, ông sửa chuồng trại và “vào đàn” 2 con heo nái. Lứa đầu tiên, con giống bán được giá, ông xuất chuồng 20 con giống thu về hơn 90 triệu đồng. Ông tiếp tục nuôi thêm hai con nái nữa.
Đến nay, ông Đoài trở thành một trong những hộ nông dân chăn nuôi khá của xã Thanh Tông, huyện Thanh Chương. Ông chăn nuôi cả heo nái, trâu sinh sản, dê, gà, vịt… Từ đồng vốn của chương trình, ông đã trả hết số nợ trước đây, nuôi các con ăn học. Người con thứ hai đang là sinh viên khoa chăn nuôi – thú y của Trường đại học Nông lâm Huế.
Ông Đoài nhẩm tính: Vốn vay ban đầu 20 triệu đồng, do trả đúng hạn nên ông được thưởng 4 triệu. Các con ông học giỏi, được chính chương trình “Tiếp sức nhà nông” tặng học bổng 3 triệu đồng, đứa con út đang học THPT được nhận 1 triệu đồng. Như vậy, tổng số tiền ông Đoài “lãi” từ chương trình là 11 triệu đồng.
Chiếc phao giữa dòng lũ
Ông Đặng Ngọc Cường, ở xã Thái Dương, huyện Bình Giang (Hải Dương), đã là một ông chủ trang trại. Ít ai nghĩ rằng ông chủ này từng có những ngày túng quẫn.
Năm năm trước, khi người vợ của ông bệnh nặng không qua khỏi, kinh tế gia đình ông kiệt quệ. Những đồng vốn cuối cùng đã dành chạy chữa cho vợ, lo hai đứa con ăn học. Khi vợ ông mất một thời gian cũng là lúc ở Bình Giang bùng dịch gia súc.
Bữa cơm hôm ấy, cậu con trai bỗng nhiên hỏi: “Hay con nghỉ học bố nhé…?”. Những đứa con của ông Cường đều học giỏi, ước mơ trở thành bác sĩ. Nghĩ đến việc cậu con trai học giỏi phải bỏ dở ước mơ vì nhà nghèo khiến ông Cường nghẹn đắng.
“Lúc đó, nhà tôi đi vay vài triệu đồng khó khăn lắm. Mà thực ra tôi cũng nghĩ vay rồi thì làm thế nào trả được?”- ông nói.
Thế rồi, ông Cường tham gia chương trình “Tiếp sức nhà nông”. Ngoài tiền vốn và phiếu thức ăn, điều ông lo sợ nhất trước đây là dịch bệnh lại được nhà tài trợ có cán bộ kỹ thuật hỗ trợ.
Ông mạnh dạn nuôi heo, trong khi nhiều nông dân khác không dám nuôi vì sợ dịch. Thế là ông thắng lớn vì được giá. Đến năm 2017, khi dịch tả heo châu Phi hoành hành, ông Cường chuyển hướng sang nuôi vịt.
Đến nay cậu con trai cả đã học đại học, con thứ hai của ông Cường đang học trường chuyên. Ông Cường cho hay nhờ “lộc” của nhà tài trợ mà chăn nuôi gặp may. “Người chăn nuôi chúng tôi cần nhất là vốn, vốn là hàng đầu, thứ hai là kiến thức và kinh nghiệm. Có vốn mà không có kiến thức, kinh nghiệm cũng không thành công được” – ông cho biết.
Theo nhà tài trợ GREENFEED Việt Nam, chương trình “Tiếp sức nhà nông” đã đi qua chặng đường 12 năm. Theo đó, chương trình đã giúp hơn 2.420 hộ nông dân tại 16 tỉnh, thành trên cả nước cải thiện sinh kế. Tổng kinh phí của chương trình đến nay đã vượt con số 69 tỉ đồng.
Riêng trong năm 2021, chương trình trao vốn cho 280 hộ nông dân tại các tỉnh Thanh Hóa, Ninh Bình, Tây Ninh, Bình Thuận, Đồng Tháp, Trà Vinh và Đắk Lắk với tổng kinh phí hơn 6,44 tỉ đồng.
Điều khác biệt của chương trình là sau khi trao vốn, bà con nông dân tiếp tục được tư vấn kỹ thuật, được nhà tài trợ cử cán bộ theo dõi hỗ trợ kỹ thuật trong suốt quá trình chăn nuôi.
Đầu tư cho tương lai
Chiều cuối tuần, bà Nguyễn Thị Sự ở xóm Xuân Lan, xã Thanh Xuân (Thanh Chương, Nghệ An) hãm một ấm trà xanh đợi vợ chồng cô con gái cả về thăm. Bà Sự có ba người con, cô cả đã thành đạt, cô thứ hai đang học Trường đại học Dược Hà Nội, con út đang học THPT.
Chỉ vài năm trước, bà Sự đầu tắt mặt tối với đồng ruộng và các khoản nợ cho con ăn học. Chồng bà mất từ lúc cô con út còn trong bụng mẹ, cô cả mới học lớp 4. Một mình bà gồng gánh nuôi con ăn học chừng ấy năm. Anh em, bạn bè, chòm xóm… nơi nào có thể hỏi mượn tiền được là bà Sự đến cầu cạnh để các con được đến trường.
Từ đồng vốn vay của chương trình, bà Sự nuôi bò và ngan. Mỗi năm, từ chăn nuôi, bà lại có thêm một khoản để đóng học phí cho con đến trường.
Vợ chồng cô con gái cả đánh ôtô về tận ngõ, đưa đứa cháu còn ẵm ngửa về thăm bà Sự. Mọi lo toan, nhọc nhằn của người mẹ thoảng bay như hương trà xanh xứ Nghệ.
“Từ đồng vốn ấy, tôi có thêm đồng ra đồng vào để cho con ăn học. Mình nghèo nhưng phải cố để các con có tương lai tươi sáng hơn. Các cháu thương tôi nên cháu nào cũng học giỏi, năm nào cũng được học bổng” – bà Sự chia sẻ.
Đại diện nhà tài trợ GREENFEED cho hay đơn vị hỗ trợ nông dân theo hướng vừa tạo sinh kế vừa tạo động lực để “đầu tư” cho tương lai. Chính vì thế, bên cạnh việc hỗ trợ vốn và hỗ trợ thức ăn chăn nuôi là các hoạt động tư vấn kỹ thuật và trao thưởng cho con em hộ nông dân tham gia chương trình có ý chí phấn đấu, vươn lên trong học tập.
Tùy vào kết quả học tập mà món quà của chương trình hỗ trợ có thể từ 500.000 đồng đến 3 triệu đồng mỗi suất.
Nhận món quà từ nhà tài trợ, em Dương Thảo Vi, sinh viên năm nhất Trường cao đẳng Lương thực thực phẩm Đà Nẵng, chia sẻ đây là lần thứ hai Vi được nhận thưởng của chương trình.
Lần đầu tiên em nhận thưởng khi đang học lớp 12. Cũng chính từ phần thưởng này mà Vi chọn theo học ngành lương thực, thực phẩm. Em hy vọng sẽ được làm việc ở một doanh nghiệp hoạt động đa ngành từ “Farm – Feed – Food” như GREENFEED Việt Nam.
Nhà Vi ở xã Tây Vinh (Tây Sơn, Bình Định), gia đình em được vay vốn 20 triệu đồng của chương trình. Má em, bà Nguyễn Thị Diệu Hiền, mua được một con bò về chăm. Mấy tháng trước, con bê đầu tiên đã có người mua hơn chục triệu đồng, bà Hiền có tiền lo cho các con ăn học.
Bà cảm thấy cuộc sống dễ chịu hơn. Với bà, thành quả lớn nhất từ đồng vốn vay của chương trình chính là bước đường vào đại học của các con. Tương lai tươi sáng của người nông dân này đang hiện hữu ngay trước mắt.
Bà Đào Thị Phương Thảo, phó chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Hưng Yên, cho hay chương trình “Tiếp sức nhà nông” do báo Tuổi Trẻ tổ chức với sự tài trợ của Công ty GREENFEED từ năm 2012 đến nay ở Hưng Yên đã được 4 chu kỳ.
Trong thời gian này, đã có 220 hộ nông dân nghèo ở Hưng Yên được vay vốn không lãi suất với số tiền 3 tỉ 320 triệu đồng. Bên cạnh đó, nhà tài trợ còn hỗ trợ các hộ nông dân phiếu thức ăn chăn nuôi với tổng kinh phí 540 triệu đồng. Đây là một động lực lớn để các hộ nông dân này vươn lên thoát nghèo, có cuộc sống ổn định.
Không những vậy, chương trình còn trao học bổng cho các con em của các hộ nông dân được vay vốn, có ý chí phấn đấu vươn lên trong học tập với mỗi suất học bổng từ 500.000 đến 3 triệu đồng.
Đây là những món quà ý nghĩa bởi chương trình không những giúp đỡ hộ nông dân nghèo trong hiện tại bằng vốn, phiếu thức ăn chăn nuôi mà còn giúp các hộ này trong tương lai khi động viên kịp thời để các em học sinh phấn đấu học tập.