Phương Tây sắp cấm vận dầu mỏ Nga?
Phương Tây sắp cấm vận dầu mỏ Nga?
Một loạt các động thái vận động cấm vận dầu Nga đang được thực hiện trước thềm hội nghị thượng đỉnh của NATO và EU giữa tuần này.
Một trong các chỉ dấu rõ nhất là một số nước phương Tây đã bắt đầu tìm kiếm hoặc tăng cường các nguồn cung ngoài Nga.
Trong khi đó, giá dầu thế giới ngày 21-3 đã tăng trở lại sau cuộc tấn công của phiến quân Houthi vào một nhà máy lọc dầu của Saudi Arabia vào cuối tuần qua khiến hoạt động sản xuất tạm thời bị gián đoạn.
Nỗ lực tìm nguồn cung
Các nguồn tin ngoại giao của Hãng tin Reuters tiết lộ các nước Baltic bao gồm Lithuania đang thúc đẩy lệnh cấm vận dầu Nga trên toàn EU. Ngoại trưởng Lithuania Gabrielius Landsbergis gọi đây là “bước đi không thể tránh khỏi” nếu muốn hỗ trợ Ukraine nhiều hơn vì dầu mỏ là nguồn thu ngân sách lớn nhất của Nga.
Đức, quốc gia dẫn dắt EU và cũng là nước phụ thuộc nhiều vào Nga về năng lượng, đang chống lại điều này do giá năng lượng đang tăng vọt trong nước. Đây được cho là nguyên nhân khiến EU không thể tiến về phía trước trong kế hoạch cấm nhập khẩu dầu từ Nga. Mặc dù vậy, Berlin cũng đang tích cực tìm kiếm đối tác mới để giảm sự lệ thuộc năng lượng vào Matxcơva.
Chuyến thăm Qatar của Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck hồi cuối tuần rồi đã không dẫn đến hợp đồng cụ thể nào. Mặc dù vậy, hai bộ trưởng Đức và Qatar đã thống nhất tăng cường hợp tác năng lượng trong dài hạn bao gồm khí thiên nhiên hóa lỏng.
Phía Qatar thừa nhận đây là một cơ hội mới, bởi nước này đã luôn tìm kiếm cơ hội trở thành nhà cung cấp cho Đức nhưng việc đàm phán trước đây chưa bao giờ đi tới thỏa thuận cụ thể.
Chưa tìm được tiếng nói chung
Về mặt lý thuyết, việc cấm vận dầu mỏ Nga sẽ tạo ra thiếu hụt nguồn cung toàn cầu và có thể đẩy giá dầu lên cao hơn nữa, ảnh hưởng đến kinh tế của cả những nước trừng phạt. Phương Tây đã cố gắng vận động Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và đối tác (OPEC +) tăng sản lượng hằng ngày để kéo giá dầu xuống, nhưng cho đến nay nỗ lực này vẫn vô ích.
Vận động song phương từng quốc gia trong OPEC + (tất nhiên ngoại trừ Nga) dường như đang là cách mà phương Tây đang áp dụng để tăng nguồn cung. Khả năng thành công vẫn còn là câu hỏi, vì các nước bán dầu mỏ rõ ràng không muốn giá dầu trượt quá nhanh chóng từ việc tăng sản lượng.
Một số ý kiến cho rằng nếu EU cấm vận dầu mỏ Nga, Matxcơva có thể chọn đóng các đường ống dẫn khí đốt quan trọng sang châu Âu, sau khi đã thử thăm dò bằng việc đóng một đường ống chiếm 15% lượng khí đốt Nga cung cấp cho châu Âu hồi đầu tháng này.
Châu Âu và Mỹ đã hành động rất nhanh chóng khi áp các lệnh trừng phạt nhắm vào cá nhân và tổ chức Nga mà họ cho là góp phần dẫn tới xung đột Ukraine hoặc ủng hộ điều đó. Song với dầu mỏ và khí đốt, câu chuyện cho thấy hai bờ Đại Tây Dương vẫn chưa tìm thấy tiếng nói chung.
Nói như Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte, người phản đối lệnh cấm vận dầu mỏ Nga, châu Âu không thể xây các cơ sở dự trữ và chấm dứt sự phụ thuộc vào Nga ngay trong đêm được mà cần có quá trình chuẩn bị.
Trong cuộc họp báo ngày 21-3, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cảnh báo việc cấm vận dầu mỏ Nga sẽ là “đòn giáng xuống tất cả các nước” và ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường năng lượng thế giới. Theo ông Peskov, người Mỹ có thể dễ dàng cấm vận dầu mỏ Nga nhưng người châu Âu sẽ cảm thấy vô cùng khó khăn nếu ngừng nhập khẩu dầu mỏ từ Nga.
Ukraine, Nga tiếp tục đàm phán
Ông David Arakhamia, quan chức Ukraine, cho biết các nhà đàm phán Ukraine và Nga đã đàm phán trực tuyến trong 90 phút ngày
21-3, theo Hãng thông tấn TASS. Sau đó, các cuộc đàm phán giữa hai bên tiếp tục diễn ra trong ngày ở “cấp độ nhóm chuyên gia”.
Cùng ngày, theo Hãng thông tấn TASS, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết Nga biết ơn tất cả quốc gia đề nghị làm trung gian hòa giải trong các cuộc đàm phán với Ukraine.
Trước đó, trong thông điệp ghi hình phát ngày 21-3 trên mạng xã hội Telegram, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky gợi ý thành phố Jerusalem (Israel) có thể là địa điểm cho các cuộc đàm phán hòa bình giữa ông và Tổng thống Nga Vladimir Putin.
ANH THƯ
Mỹ, Anh, Nhật thuyết phục thất bại các nước Ả Rập
Sau cuộc gặp với lãnh đạo Anh và Nhật, Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) và Saudi Arabia đều không đưa ra bất kỳ cam kết nào về việc họ sẽ tăng sản lượng khai thác dầu.
Nguyên nhân mà các nước này đưa ra là không thể tự quyết nếu không có sự đồng ý của Nga – một trong những thành viên của Nhóm các nước xuất khẩu dầu mỏ và các nhà sản xuất liên minh (còn gọi là OPEC+).
Nhưng nguyên nhân thứ hai là quan hệ giữa Saudi Arabia, UAE và Mỹ, Anh không được tốt lắm trong thời gian vừa qua. Mỹ và Anh là các nước đi đầu trong việc chỉ trích vấn đề nhân quyền ở hai quốc gia Ả Rập này, nhất là sau vụ nhà báo Khashoggi bị sát hại năm 2018.
Bên cạnh đó, sau khi Mỹ rút ra khỏi Trung Đông nhằm tập trung đối phó với Nga, Trung Quốc và để lại khoảng trống quyền lực, các nước Ả Rập cũng đang nỗ lực cải thiện quan hệ với các nước trong khu vực như Israel, Iran.
Chuyến thăm mới nhất đến UAE của tổng thống Syria cũng nằm trong xu hướng hữu nghị với các nước khu vực Trung Đông. Do vậy, khả năng xảy ra chiến tranh rất thấp và không cần đến “cái ô” an ninh của Anh, Mỹ nữa.
Mặc dù không ủng hộ hành động quân sự của Nga ở Ukraine, nhiều nước Trung Đông vẫn mong muốn tăng cường quan hệ với Nga trong nhiều lĩnh vực như lương thực vì Trung Đông hầu hết dựa vào lúa mì của Nga.
Về lý thuyết, phương Tây sẽ có thể thay thế dầu khí của Nga bằng các nguồn khác nhưng không thể sớm hơn 5 – 10 năm tới vì mặt kỹ thuật hết sức khó khăn.
Về khí đốt, châu Âu phải xây dựng thêm hai trạm tiếp nhận lớn đòi hỏi thời gian và đầu tư lớn. Việc thay thế dầu của Nga khoảng 4-5 triệu thùng/ngày dễ dàng hơn nhưng cũng không thể sớm được, vì các nước sản xuất lớn không thể hoặc không muốn tăng sản lượng.
Thời điểm tháng 1-2022, Venezuela chỉ sản xuất được 670.000 thùng/ngày và chỉ xuất khẩu được 490.000 thùng/ngày. Ngoài ra, việc khôi phục ngành dầu mỏ ở nước này cần hàng chục tỉ USD và nhiều năm.
Iran có trữ lượng dầu lớn, nhưng năm 2020 chỉ sản xuất 2,5 triệu thùng/ngày và xuất khẩu 400.000 thùng/ngày do Mỹ cấm vận. Khả năng dỡ bỏ cấm vận chưa rõ ràng và tăng sản lượng cũng bị hạn chế.
Saudi Arabia vào tháng 1-2022 sản xuất 10 triệu thùng/ngày và xuất khẩu 6,66 triệu thùng/ngày, UAE sản xuất 2,9 triệu thùng/ngày và xuất khẩu 2,4 triệu thùng/ngày, nhưng cả hai nước đều chống lại việc tăng sản lượng.
Bản thân Mỹ cũng đang tăng sản lượng dầu nhưng cũng chỉ ở mức tối thiểu do giá thành sản xuất dầu đá phiến cao.
Nguyễn Quang Khai (nguyên đại sứ Việt Nam tại Trung Đông) – Lan Hương ghi