24/11/2024

Kềm giá cước, hạn chế giá hàng hoá leo thang

Kềm giá cước, hạn chế giá hàng hoá leo thang

Hệ thống logistics từ đường bộ, đường thủy cho tới hàng không đều đang mong chờ những chính sách hỗ trợ giảm thuế, phí để khống chế giá cước, kềm đà leo thang của giá hàng hoá.

 

 

Hàng không, đường bộ, đường biển kêu cứu

Nhiên liệu chiếm tỷ trọng lớn nhất trong chi phí của doanh nghiệp (DN) vận tải hàng không (khoảng 30 – 40%), cơn bão giá nhiên liệu càn quét đúng giai đoạn du lịch vừa mở cửa khiến các DN hàng không chưa hết khó lại càng thêm khổ.

Trong báo cáo mới nhất gửi Bộ GTVT, Bộ Tài chính, Hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines (VNA) cho biết giá dầu không ngừng tăng nhanh ảnh hưởng lớn đến việc kinh doanh của các hãng bay. Cụ thể, giá nhiên liệu máy bay Jet A1 tăng từ mức trung bình khoảng 73 USD/thùng năm 2021 lên mức hơn 100 USD/thùng. Xung đột Nga – Ukraine càng đẩy đà tăng của giá dầu thô lên nhanh hơn. Một số nhà phân tích dự báo giá dầu thô sẽ nhanh chóng đạt ngưỡng 150 USD/thùng, vượt mức kỷ lục 147 USD/thùng hồi năm 2008. Trong trường hợp này, giá nhiên liệu máy bay Jet A1 sẽ tăng lên mức hơn 160 USD/thùng và không loại trừ những kịch bản xấu khiến giá có thể còn tăng lên đến 200 USD/thùng.

“Việc giá nhiên liệu Jet A1 trung bình đầu tháng 3 đạt trên 130 USD/thùng đang khiến chi phí nhiên liệu của Vietnam Airlines tăng mạnh. Theo tính toán, nếu giá nhiên liệu bay duy trì ở mức 130 USD/thùng cho cả năm 2022, chi phí ước tính sẽ tăng thêm 5.700 tỉ đồng. Nếu lên khoảng 160 USD/thùng, chi phí sẽ tăng thêm đến 9.120 tỉ đồng, làm trầm trọng hơn mức lỗ dự kiến của hãng trong năm 2022”, báo cáo của VNA nêu.

Trong giai đoạn khó khăn, áp lực lạm phát tăng cao như hiện nay, có thể tính toán lùi lại một vài khoản chi để giảm nguồn thu, giảm thuế, lùi thời gian thu phí… hỗ trợ cho nền kinh tế vượt qua giai đoạn nước sôi lửa bỏng.

Chuyên gia kinh tế NGÔ VĂN TUYỂN

Trước tình hình trên, VNA kiến nghị Bộ Tài chính xem xét báo cáo Thủ tướng phê duyệt phương án áp dụng chính sách miễn 100% thuế môi trường đối với nhiên liệu máy bay trong năm 2022 (hiện áp dụng mức giảm 50%) để giảm bớt gánh nặng tài chính cho các hãng hàng không. Nếu được thông qua, VNA có thể sẽ giảm được 600 tỉ đồng chi phí nhiên liệu trong năm 2022.

Vài ngày sau đề xuất của VNA, “tân binh” Vietravel Airlines cũng gửi thư “cầu cứu” Thủ tướng nhanh chóng ban hành một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN hàng không. Trong bối cảnh chi phí nhiên liệu tăng, nguy cơ lạm phát cao, kinh tế có khả năng phục hồi chậm khiến người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu hơn, Vietravel Airlines đề nghị được tiếp cận gói vay tín dụng lãi suất 0%, đồng thời miễn thuế thu nhập DN cho năm 2022, giảm thuế giá trị gia tăng xuống mức 5% để kích thích thị trường. Bên cạnh đó, DN này cũng đề nghị Bộ Tài chính, Bộ GTVT và các cơ quan chức năng xem xét điều chỉnh giảm mức thuế nhập khẩu đối với nhiên liệu máy bay xuống 0% (so với mức 7% hiện nay); điều chỉnh thuế môi trường về 1.000 đồng/lít; thời gian áp dụng kiến nghị từ nay đến hết năm 2022.

Trong khi các DN hàng không mong ngóng được thông qua chính sách giảm thuế, hàng loạt DN thuộc nhiều ngành nghề ở TP.HCM đang như ngồi trên đống lửa khi chỉ còn 10 ngày nữa là tới thời điểm TP thu phí hạ tầng cảng biển. Giữa cơn bão giá nhiên liệu đổ bộ, từ đầu tháng 3, 7 hiệp hội gồm: Thực phẩm Minh bạch, Dệt may, Da giày – Túi xách, Sữa, Nhựa, Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN (VASEP), Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ đã có văn bản kiến nghị lên Chính phủ, UBND TP.HCM… xin lùi thời hạn thu phí cảng biển đến hết 31.12.2022. Chật vật từ đóng cửa chịu lỗ cho tới hoạt động sản xuất cầm chừng từ giai đoạn giữa tháng 6.2021 đến nay, các DN vừa mới bắt đầu phục hồi sản xuất đã lại phải gánh thêm rất nhiều chi phí như cước vận tải biển tiếp tục tăng cao, chi phí xăng dầu tăng, giá nguyên liệu tăng… Nếu TP.HCM vẫn quyết thu phí hạ tầng cảng biển vào thời điểm này sẽ làm gia tăng thêm gánh nặng cho DN, giảm năng lực cạnh tranh của DN và cản trở việc phục hồi kinh tế.

Kềm giá cước, hạn chế giá hàng hóa leo thang - ảnh 1
Nhiều ý kiến đề xuất nhà nước cần nhanh chóng giảm thuế, phí trong xăng dầu để ổn định thị trường trong nước  NGỌC DƯƠNG

Giá xi măng, thép, dầu ăn, mì gói… đều tăng

Thực tế, hầu hết các DN đã chạm ngưỡng cầm cự, lần lượt phải điều chỉnh giá cước, đẩy mặt bằng giá cả hàng hóa tăng lên rất cao. Đơn cử, Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn vừa gửi các hãng tàu về điều chỉnh giá dịch vụ vận chuyển container đường bộ, đường thủy phục vụ qua lại giữa cảng Cát Lái – Hiệp Phước, cảng Đồng Nai và các cảng nội địa (ICD) liên kết… với mức tăng 10 – 30% so với đơn giá được duy trì từ năm 2019. Các DN vận tải hàng hóa, vận tải hành khách từ taxi công nghệ cho tới xe khách du lịch, liên tỉnh cũng đã đồng loạt điều chỉnh tăng giá cước, trung bình từ 15 – 20%.

Chi phí vận chuyển tăng, hàng loạt DN sản xuất thực phẩm, DN xây dựng… bắt đầu thông báo điều chỉnh giá thành phẩm. Trong tháng 3, thép đã điều chỉnh giá 4 lần, xi măng hôm qua 20.3 cũng chính thức tăng giá. Giá vật liệu xây dựng tăng đẩy giá xây dựng tăng cao, ảnh hưởng đến vốn đầu tư cũng như tiến độ các dự án công – tư và cả việc xây dựng của người dân. Trên thị trường tiêu dùng, từ dầu ăn, mì gói, nước mắm, đường… đều tăng giá khiến cuộc sống của người dân thêm vất vả.

Cần nhanh chóng giảm thuế, phí trong xăng dầu để ổn định thị trường trong nước. Gần nửa giá xăng dầu do nhà nước quản lý, kiểm soát nên trong bối cảnh khó khăn, nhà nước cần phải điều chỉnh ngay từ phần mình chủ động, tự cắt đi phần thu đó. Giảm thuế, kiềm chế đà tăng của giá xăng dầu sẽ giúp kiểm soát giá hàng hóa, duy trì lạm phát thấp.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan

Theo chuyên gia kinh tế Ngô Văn Tuyển, giá nhiên liệu tác động rất rộng tới đời sống, xã hội và có thể kích thích tới các chỉ số kinh tế vĩ mô như lạm phát. Tâm lý thị trường rất nhạy cảm, một yếu tố đầu vào tăng giá sẽ khiến hàng loạt chi phí tăng theo. Ngoài ra, giá xăng dầu tăng còn khiến các ngành kinh tế khác trì trệ. “Sức mua của người dân chỉ có vậy, mua cái này nhiều thì cái khác buộc phải bớt đi. Người dân tốn tiền cho xăng dầu, hàng hóa thực phẩm hằng ngày thì sẽ không còn tiền để đầu tư cho những khoản khác. Sắp tới, giá xăng dầu có thể tăng thêm, Mỹ đã yêu cầu các công ty dầu khí giảm giá xăng dầu theo đà giảm của giá dầu thô. Thái Lan cũng đang có động thái trợ giá xăng dầu cho người dân. VN cũng không nên để giá xăng dầu trong nước tăng thêm nữa”, ông Tuyển nói.

Trong khi đó, giá xăng dầu tăng, trừ thuế môi trường là cố định, các loại thuế khác đều nhân lên theo công thức thuế chồng thuế. Giá càng cao thì thuế càng nhiều. Do đó, ông Ngô Văn Tuyển cho rằng nhà nước cần xem xét khi giá đầu vào cao, dư địa giảm giá ít thì các mức thuế phải giảm để kìm giá, hạn chế đà tăng của giá hàng hóa. Cụ thể, xem xét giảm thuế môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng…

“Bất cứ ở thời điểm nào, khi ngân sách còn cân đối được thì nên giảm nguồn thu để nền kinh tế dễ thở, tạo điều kiện phát triển. Đặc biệt, trong giai đoạn khó khăn, áp lực lạm phát tăng cao như hiện nay, có thể tính toán lùi lại một vài khoản chi để giảm nguồn thu, giảm thuế, lùi thời gian thu phí… hỗ trợ cho nền kinh tế vượt qua giai đoạn nước sôi lửa bỏng”, ông Tuyển kiến nghị.

HÀ MAI

TNO