Những điểm mới trong tuyển sinh đại học năm nay
Những điểm mới trong tuyển sinh đại học năm nay
Hôm qua 16.3, Bộ GD-ĐT tổ chức hội nghị trực tuyến về công tác tuyển sinh ĐH 2022.
Đại diện Bộ này đã dành nhiều thời gian để phân tích một số hạn chế của tuyển sinh năm 2021, từ đó đề xuất giải pháp khắc phục cho mùa tuyển sinh năm nay.
Theo bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT), công tác tuyển sinh năm 2022 giữ ổn định như năm 2021. Tuy nhiên, Bộ cũng sẽ điều chỉnh những nội dung mang tính kỹ thuật để tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho thí sinh (TS), các cơ sở đào tạo, nhằm đảm bảo khách quan, công bằng giữa các TS, công bằng giữa các cơ sở đào tạo và tạo sự đồng thuận trong xã hội.
Thí sinh trúng tuyển làm thủ tục nhập học ĐÀO NGỌC THẠCH |
Đăng ký tất cả phương thức trên một hệ thống chung
Một điều chỉnh quan trọng của năm nay là TS sẽ hoàn toàn tham gia toàn bộ quy trình xét tuyển, kể từ khi đăng ký xét tuyển đến khi xác nhận nhập học, bằng hình thức trực tuyến và nộp lệ phí xét tuyển qua tài khoản sở GD-ĐT.
Giải đáp những thông tin mới về tuyển sinh
Vào 14 giờ hôm nay 17.3, Báo Thanh Niên tổ chức chương trình tư vấn truyền hình trực tuyến với chủ đề “Tuyển sinh đại học 2022 có gì mới?”. Chương trình diễn ra ở các kênh: thanhnien.vn, Facebook.com/thanhnien, YouTube và TikTok Báo Thanh Niên.
Chương trình diễn ra từ 14 – 15 giờ, với các chuyên gia: tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM; thạc sĩ Lê Phan Quốc, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm TP.HCM; thạc sĩ Trần Minh Tuấn, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM; thạc sĩ Trần Duy Can, chuyên viên đào tạo Trường ĐH Kinh tế TP.HCM.
Bảo Hân
TS đăng ký nguyện vọng xét tuyển vào các trường, theo tất cả các phương thức xét tuyển trực tuyến trên cùng một hệ thống. Đăng ký không giới hạn số lần trong thời gian quy định.
Theo tính toán của Bộ, khoảng thời gian tối ưu để TS đăng ký xét tuyển là sau khi thi xong tốt nghiệp THPT đến sau khi có điểm phúc khảo. Sở GD-ĐT cập nhật kết quả học tập (lớp 10, 11, 12) lên cơ sở dữ liệu ngành, đồng thời kiểm tra, rà soát dữ liệu này sau khi được đồng bộ sang hệ thống quản lý thi và xét tuyển, để các trường sử dụng làm căn cứ xét tuyển theo kết quả học tập, tạo thuận lợi cho TS và trường đại học.
Xét tuyển theo một lịch tuyển sinh chung
Theo bà Thủy, năm ngoái tỷ lệ TS nhập học đợt 1 từ kết quả trúng tuyển sau khi đã lọc ảo thấp (khoảng 56%, trong khi năm 2020 tỷ lệ nhập học đợt 1 là khoảng 60%) đã ảnh hưởng đến kết quả tuyển sinh của các trường. Một số trường không nhập hết số TS trúng tuyển xác nhận nhập học các phương thức khác lên hệ thống để loại khỏi dữ liệu lọc ảo, xét tuyển. Một khó khăn nữa, do phải thực hiện giãn cách xã hội, TS gặp khó khăn khi xác nhận nhập học.
Để khắc phục khó khăn trên, năm nay Bộ sẽ yêu cầu tất cả các trường thực hiện tuyển sinh theo một lịch chung thống nhất, chứ không chỉ áp dụng lịch chung với xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT. Như vậy, năm nay sẽ không còn tình trạng mỗi trường có một điều kiện xét tuyển thẳng riêng như năm ngoái. Khi các trường xét tuyển đợt 1, TS sẽ đăng ký tất cả các nguyện vọng (NV) của các phương thức trên hệ thống (Bộ sẽ hỗ trợ xử lý NV, lọc ảo; các trường, nhóm trường tự xét tuyển và tải danh sách lên để lọc ảo…). Các trường xét tuyển tất cả các phương thức và đưa lên hệ thống để lọc ảo. TS xác nhận nhập học trực tiếp lên hệ thống học.
Hiện nay có khoảng 20 phương thức xét tuyển CHỤP MÀN HÌNH |
Phải đảm bảo công bằng trong xét tuyển
Cũng theo bà Thủy, do các trường được thực hiện quyền tự chủ tuyển sinh nên các phương thức tuyển sinh hiện nay rất đa dạng (tính sơ bộ có khoảng 20 phương thức). Chính vì sự đa dạng này mà gây ra khó khăn cho TS trong việc nắm bắt thông tin. Việc các trường sử dụng nhiều phương thức khác nhau, nhiều tổ hợp khác nhau để xét tuyển cho cùng một ngành cũng làm cho TS thấy không được công bằng, nhất là khi việc phân bổ chỉ tiêu cho các phương thức hoặc tổ hợp chưa có sự hợp lý, quá chênh so với năm trước, làm TS không chuẩn bị kịp. Một số trường còn chưa kiểm soát được điều kiện sơ tuyển nên TS không đủ điều kiện vẫn trúng tuyển, khiến Bộ phải xử lý rất nhiều vấn đề khi TS nhập học.
Những vấn đề các trường phải giải trình
Bà Nguyễn Thu Thủy cho rằng với những ngành mà các trường đồng thời sử dụng nhiều phương thức, các trường cần giải trình được tính phù hợp, tính khoa học của việc tại sao lại cần nhiều phương thức để TS thấy có sự đảm bảo về tính công bằng. Với cùng một ngành, các trường nên xem xét việc quy về cùng một thang điểm của các phương thức khác nhau.
Nếu mỗi phương thức (hoặc mỗi tổ hợp môn thi) có chỉ tiêu riêng thì đề án tuyển sinh của trường phải giải trình được căn cứ phù hợp cho việc phân chỉ tiêu cho từng phương thức (hoặc tổ hợp môn thi).
Ngoài ra, các trường gặp một số vấn đề khi xét tuyển không theo chỉ tiêu đã công bố theo các phương thức xét tuyển, khiến điểm trúng tuyển theo kết quả thi THPT tăng cao, gây ra nhiều dư luận không tốt trước việc mất công bằng giữa các phương thức xét tuyển, các tổ hợp xét tuyển. Việc thêm, bớt một số tổ hợp, môn thi, bài thi trong tổ hợp xét tuyển, các trường cũng chưa đưa ra được căn cứ để giải trình. Một số ngành, tổ hợp điểm trúng tuyển tăng cao so với các năm trước; TS điểm cao không trúng tuyển.
Xét tuyển, lọc ảo tất cả phương thức tuyển sinh trong đợt 1
Bà Thủy nói: “Năm nay chúng tôi đề xuất tất cả các phương thức tuyển sinh sẽ đều được lọc ảo trên hệ thống chung. Nghĩa là NV của các em sẽ được đăng ký trên hệ thống chung, dữ liệu NV sẽ được tải lên hệ thống của Bộ. Sau đó, các trường sẽ tải về và xét tuyển trên phần mềm của mình, rồi đưa trở lại hệ thống lọc ảo và công bố kết quả cuối cùng”.
Bà Thủy cho rằng, với hệ thống này, các trường sẽ sử dụng được sự hỗ trợ tối đa về cơ sở dữ liệu của Bộ, gồm kết quả học tập bậc THPT và kết quả thi tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên, với một số trường xét tuyển theo phương thức riêng, có yêu cầu phức tạp hơn vẫn cần có hệ thống đăng ký và nhận hồ sơ riêng nhưng phải thông báo với TS để đồng thời làm 2 việc: đăng ký NV lên cổng thông tin của Bộ, đăng ký xét tuyển với trường có phương thức riêng theo yêu cầu cụ thể của trường.
QUÝ HIÊN
TNO