24/11/2024

Giá xăng dầu thế giới giảm mạnh, vì sao trong nước khó giảm?

Giá xăng dầu thế giới giảm mạnh, vì sao trong nước khó giảm?

Giá xăng dầu thế giới gần đây có xu hướng giảm mạnh. Theo xác nhận của một doanh nghiệp đầu mối, giá bán lẻ xăng dầu trong nước đã cao hơn giá cơ sở ở Singapore 1.100 – 3.400 đồng/lít.

 

 

Giá xăng dầu thế giới giảm mạnh, vì sao trong nước khó giảm? - Ảnh 1.

Người dân đổ xăng tại trạm xăng ở quận 1, TP.HCM, tối 15-3 – Ảnh: T.T.D.

Theo thông tin từ Bộ Công thương, giá bình quân một số mặt hàng thành phẩm xăng dầu thế giới (giao dịch trên thị trường Singapore) dùng để tính giá cơ sở xăng dầu cập nhật đến ngày 14-3 có xu hướng giảm. So với kỳ điều hành ngày 11-3, bình quân giá xăng dầu thành phẩm tính tới ngày 14-3 hiện đang thấp hơn 5-6%.

Giá trong nước cao hơn giá cơ sở ở Singapore

Trao đổi với Tuổi Trẻ vào chiều 15-3, chủ tịch HĐQT một doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu cho biết do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp ở Trung Quốc, trong khi Mỹ tăng lãi suất và những tín hiệu tích cực trong đàm phán Nga – Ukraine, giá dầu thô thế giới đã giảm sâu và dự báo sẽ về mức 90 USD/thùng – điều này sẽ giúp giảm giá xăng dầu trong nước.

Lãnh đạo Saigon Petro cũng cho biết cả giá dầu thô lẫn giá xăng dầu thành phẩm đều hạ nhiệt, thậm chí giảm mạnh. Vị này phân tích, thông thường giá xăng dầu thành phẩm cao hơn dầu thô khoảng 10 – 20 USD/thùng.

Nhưng thời gian qua, chênh lệch có lúc lên tới 40 – 60 USD/thùng. Gần đây, biên độ chênh lệch đã xích lại gần hơn, đây là tín hiệu đầu tiên cho thấy giá xăng dầu đã bớt áp lực tăng cao. Thứ hai, đợt tăng giá xăng dầu vừa qua chủ yếu do vấn đề tâm lý mất nguồn cung, lo sợ cấm vận, nhưng hiện nay diễn biến chính trị cho thấy có những tín hiệu tích cực.

Theo vị lãnh đạo Saigon Petro, giá dầu thô giảm mạnh đã dẫn đến giá cơ sở cập nhật theo ngày tại thị trường Singapore cũng giảm, như dầu DO hiện khoảng 128 – 129 USD/thùng, trong khi cao điểm giá dầu DO đến 176 USD/thùng, tức đã giảm hơn 26%. Tuy nhiên, khi nhập về VN, xăng và dầu chịu các khoản thuế, phí, phụ phí khác nhau nên giá bán lẻ xăng cao hơn dầu.

Hiện tại, giá xăng dầu bán lẻ trong nước đang chênh lệch với giá cơ sở theo ngày tại Singapore theo hướng cao hơn giá cơ sở khoảng 1.100 đồng/lít xăng và 3.400 đồng/lít dầu. Nếu giá cơ sở vẫn giữ nguyên hoặc giảm sâu hơn, khả năng cao giá xăng dầu trong nước sẽ giảm, đặc biệt dầu sẽ giảm mạnh trong kỳ điều hành ngày 21-3 tới đây.

 

Không dễ giảm giá

Tuy vậy, có doanh nghiệp lại cho rằng giá xăng dầu thành phẩm hiện đang có xu hướng giảm nhưng chưa gồm thuế phí ở Việt Nam. Giá cơ sở ở Việt Nam (gồm giá xăng dầu thành phẩm cộng thuế, phí, lợi nhuận định mức…) cũng đang thấp hơn so với giá bán lẻ ở mức từ trên 1.000 đến 2.000 đồng/lít, nhưng đó là do giá xăng dầu đang được “trợ giá” từ quỹ bình ổn. Còn nếu không được trợ giá từ quỹ bình ổn thì giá cơ sở đang cao hơn so với giá bán lẻ hiện nay ở mức 300 – 500 đồng/lít.

Theo vị này, thực tế trong kỳ điều hành ngày 11-3, cơ quan điều hành đã tăng chi mạnh quỹ bình ổn, đối với xăng E5RON92 lên mức 750 đồng/lít so với mức chi của kỳ trước là 250 đồng/lít, xăng RON95 lên mức 1.000 đồng/lít. Tại thời điểm điều hành ngày 11-3, cơ quan chức năng đã tính toán nếu không chi quỹ bình ổn thì xăng E5RON92 có thể lên mức 29.735 đồng/lít và xăng RON95 lên mức 30.824 đồng/lít…, tức cao hơn rất nhiều so với mức giá bán lẻ được công bố.

Do đó, để giá bán lẻ xăng dầu trong nước có thể giảm trong kỳ điều hành ngày 21-3 tới, sẽ phụ thuộc diễn biến giá xăng dầu thế giới trong 5 ngày tới và việc cân đối sử dụng quỹ bình ổn…

“Giá chỉ có thể giảm khi giá thế giới trong 5 ngày tới giảm sâu hơn nữa và nhà điều hành vẫn tiếp tục chi sử dụng quỹ bình ổn để trợ giá” – vị này phân tích.

Còn theo một đơn vị được Bộ Công thương phân giao nhập khẩu xăng dầu vào giữa tháng 2-2022, nếu giảm giá thì sẽ tạo áp lực vô cùng lớn đối với doanh nghiệp bởi do đứt đoạn nguồn cung từ Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn nên doanh nghiệp phải cấp tập quay sang nhập khẩu. Điều này khiến không ít hợp đồng mua vào không những phải chịu mức giá tăng cao, mà còn bị “ép giá”.

Chưa kể, phụ phí cũng tăng gấp 2-3 lần, từ mức 2,5 USD/thùng tăng lên 6-7 USD/thùng. Đặc biệt, các hợp đồng nhập khẩu xăng dầu cho quý 2 được doanh nghiệp triển khai mua theo chỉ đạo của Bộ Công thương rơi vào đúng giữa tháng 2 – thời điểm giá xăng dầu thế giới tăng chóng mặt. Dẫn tới, dù giá thế giới giảm, doanh nghiệp vẫn chưa thể tăng thêm nhiều mức chiết khấu cho các hệ thống thương nhân phân phối và đại lý.

Giá xăng dầu thế giới giảm mạnh, vì sao trong nước khó giảm? - Ảnh 2.

Giá xăng dầu thế giới giảm nhưng giá trong nước vẫn khó giảm – Ảnh: Quang ĐịnhUANG ĐỊNH

Khó tránh tăng nhanh, giảm chậm

Theo các chuyên gia và doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, cơ chế điều hành 10 ngày/chu kỳ điều chỉnh giá xăng dầu theo nghị định 95 vừa được áp dụng gần 3 tháng nay đang tiếp tục bộc lộ những bất cập. Cứ phải đợi 10 ngày nên khó tránh tại một số thời điểm phải đối diện với vòng luẩn quẩn “tăng thì thấy nhanh, giảm cứ thấy chậm”.

Một lãnh đạo doanh nghiệp đầu mối lớn trong nước cho rằng mức biến động trên thị trường xăng dầu thế giới hiện nay tính theo ngày, thậm chí theo giờ, với biên độ tăng giảm mạnh hơn trước rất nhiều. Nếu tiếp tục phương án điều hành giá trong 10 ngày thì giá xăng dầu trong nước khó theo kịp được với diễn biến giá thế giới. Khi doanh nghiệp chịu áp lực giá đầu vào tăng, nhưng giá trong nước không tăng kịp, thì khi giá giảm cũng khó giảm ngay cho người tiêu dùng.

“Mặc dù nghị định 95 cho phép khi giá biến động trên 10% thì báo cáo Thủ tướng để có biện pháp điều hành phù hợp, nhưng thực tế thời gian qua đã có lúc giá cơ sở tăng trên 35% hay hiện giá cơ sở cũng đã giảm trên 10% nhưng kỳ điều hành vẫn giữ đủ 10 ngày” – vị này nói và đề nghị cần linh hoạt điều chỉnh, công bằng cho cả lúc giá lên lẫn lúc giá xuống. Không tăng nhanh giảm chậm, nhưng cũng không thể tăng chậm giảm nhanh.

 

Đầu mối và đại lý vẫn kêu khó

Một doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu cho biết, do liên tục chi sử dụng quỹ bình ổn nên thời gian qua quỹ bình ổn ở nhiều doanh nghiệp có thị phần lớn đã bị âm. Trong khi đó, đây thực tế là nguồn tiền của người dân được trích ra từ giá xăng dầu. Trường hợp âm quỹ, doanh nghiệp phải bỏ tiền vốn của mình ra để chi sử dụng quỹ. Do đó, mức chi sử dụng quỹ càng lớn thì càng “ăn” vào vốn của doanh nghiệp trong khi vay vốn rất khó khăn.

Thông tin cho Tuổi Trẻ, một đại lý kinh doanh xăng dầu ở ngoại thành Hà Nội cho rằng hiện nay mức chiết khấu doanh nghiệp nhận được từ Tổng kho xăng dầu khu vực 1 vẫn rất thấp. Trong đó, xăng E5RON92 áp dụng chiết khấu là 240 đồng/lít, xăng RON95-III chiết khấu 120 đồng/lít, dầu diesel chiết khấu ở mức 240 đồng/lít. Mặc dù có nhỉnh hơn chút ít, nhưng để duy trì kinh doanh hiệu quả, mức chiết khấu tối thiểu phải là 500 đồng/lít. “Chúng tôi bán lỗ ròng suốt mấy tháng nay, nếu thời gian tới vẫn không thay đổi thì rất khó để duy trì hoạt động” – vị này than thở.

 

Giá dầu thô giảm khoảng 40% so với đỉnh điểm

Theo Hãng tin AFP, tính tới khoảng 16h ngày 15-3, giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) đã giảm xuống mức thấp nhất là 96,70 USD/thùng, so với mức cao nhất trong 14 năm là 130,50 USD/thùng được ghi nhận vào hôm 7-3. Giá dầu thô Brent cũng giảm mạnh xuống mức 100,05 USD/thùng, so với mức đỉnh của tuần trước là 139,13 USD/thùng.

Một lãnh đạo Saigon Petro tính toán, với mức giá mới trên, so với thời điểm cao điểm giá dầu thô lên tới gần 140 USD/thùng thì dầu thô đã giảm giá khoảng 40%.

Trong khi đó, giới quan sát cũng đang chờ đợi cuộc họp của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) vào ngày 16-3. FED dự kiến sẽ tăng lãi suất lần đầu tiên trong 3 năm để bù đắp lạm phát sau cuộc họp này.

Theo Hãng tin Reuters, lạm phát đang đe dọa đẩy giá xăng, nhà ở và thực phẩm tại Mỹ tăng lên. Ngày 15-3, Nhà Trắng dự đoán giá xăng vẫn sẽ tiếp tục tăng lên trong thời gian tới nhưng cam kết thực hiện mọi biện pháp để kiểm soát tình trạng này.

NGUYÊN HẠNH – N.HIỂN

NGỌC AN – NGỌC HIỂN
TTO