24/11/2024

SIPRI: Châu Âu là trọng tâm chính của các nhà xuất khẩu vũ khí

SIPRI: Châu Âu là trọng tâm chính của các nhà xuất khẩu vũ khí

Theo Viện Nghiên cứu hoà bình quốc tế Stockholm (SIPRI), việc nhập khẩu vũ khí của châu Âu đã tăng lên rõ rệt trong 5 năm qua, trước khi cuộc chiến tại Ukraine nổ ra.

 

SIPRI: Châu Âu là trọng tâm chính của các nhà xuất khẩu vũ khí - Ảnh 1.

Châu Âu gia tăng mua vũ khí trong 5 năm qua – Ảnh:PA

So sánh số liệu mua bán vũ khí giai đoạn 2017-2021 với khoảng thời gian 5 năm trước đó, Viện Nghiên cứu hòa bình Stockholm (SIPRI) nhận thấy dấu hiệu gia tăng căng thẳng trên lĩnh vực quân sự toàn châu Âu.

Trong khi việc mua bán vũ khí lớn trên toàn cầu giảm 4,6%, các nước châu Âu đã tăng lượng mua vũ khí của họ lên 19%, đây là mức tăng lớn nhất so với tất cả các khu vực trên thế giới.

Ông Pieter Wezeman, một trong những tác giả của nghiên cứu SIPRI, gọi đây là một “quá trình tích lũy vũ khí đáng lo ngại”.

Trò chuyện với đài Đức DW, ông Ian Anthony, giám đốc Chương trình an ninh châu Âu của SIPRI, nói các số liệu mới nhất phản ánh phản ứng của châu Âu trước việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea vào năm 2014 và chiến sự ở khu vực Donbass. Trước tình hình trên, các đồng minh NATO đã “đảo ngược xu hướng giảm ngân sách quốc phòng”.

Doanh số bán vũ khí của Nga, nhà xuất khẩu thứ 2 thế giới sau Mỹ, giảm 26%. Tuy nhiên, điều này có thể được giải thích bởi sự sụt giảm đơn đặt hàng từ chỉ hai quốc gia: Ấn Độ và Việt Nam. Các nhà nghiên cứu của SIPRI cho rằng Ấn Độ sẽ tiếp tục mua lượng vũ khí đáng kể từ Nga trong những năm tới.

Đức là nước xuất khẩu vũ khí lớn thứ 5 thế giới, nhưng lượng xuất khẩu của nước này đã giảm 19%. Xuất khẩu vũ khí của Mỹ tăng 14% trong cùng thời gian. Riêng Pháp, đứng thứ 3 trên thế giới về xuất khẩu vũ khí, tăng tới 59%.

Các thương vụ mua bán vũ khí cũng đóng vai trò quan trọng trong quan hệ an ninh xuyên Đại Tây Dương. Cho đến nay, Mỹ là nhà cung cấp vũ khí chính cho châu Âu, đặc biệt là máy bay chiến đấu.

Anh, Na Uy và Hà Lan đã đặt mua tổng cộng 71 máy bay chiến đấu F-35 của Mỹ. Trong năm 2020 -2021, Phần Lan và Ba Lan đã đặt hàng lần lượt 64 và 32 máy bay F-35. Trong khi đó, Đức đã đặt mua 5 máy bay trinh sát chống tàu ngầm P-8A từ Mỹ.

Ngược lại, trong giai đoạn 2017-2021, Ukraine nhập khẩu vũ khí rất hạn chế. Theo SIPRI, mức độ chuyển giao vũ khí thấp cho Ukraine, một phần được giải thích do nguồn tài chính hạn chế của nước này. Tuy nhiên, cũng có thực tế Ukraine có khả năng sản xuất vũ khí của riêng mình và đang có sẵn một kho vũ khí lớn chủ yếu là từ thời Liên Xô.

Những gì Ukraine đã mua là 12 máy bay không người lái chiến đấu từ Thổ Nhĩ Kỳ, 540 tên lửa chống tăng từ Mỹ, 87 xe bọc thép và 56 khẩu pháo từ Cộng hòa Czech.

Ông Anthony nói: “Cuộc chiến ở Ukraine đã thay đổi về cơ bản địa lý quân sự – chính trị của châu Âu. Kết quả của cuộc chiến ở Ukraine sẽ quyết định đường liên lạc giữa NATO và Nga được vẽ lại ở đâu”.

GIA MINH
TTO