Nhiều tàu cá nằm bờ ở cảng cá Lạch Hới, phường Quảng Tiến, TP Sầm Sơn (Thanh Hóa) do xăng dầu tăng giá – Ảnh: HÀ ĐỒNG
Thanh Hoá: 1.200 tàu cá nằm bờ
Hiện nay, tại 6 huyện, thị, thành phố ven biển của Thanh Hóa có gần 7.000 tàu thuyền đánh bắt hải sản xa bờ và gần bờ. Do xăng dầu tăng giá, đến nay tỉnh này có 1.200 tàu cá nằm bờ, trong đó có 555 tàu lớn đánh bắt xa bờ.
Ngư Lộc là xã ven biển huyện Hậu Lộc, có số lượng tàu thuyền đánh bắt hải sản nhiều nhất tỉnh Thanh Hóa, với 325 tàu, trong có 160 tàu khai thác hải sản xa bờ.
Do xăng dầu liên tục tăng giá, hầu hết số tàu khai thác hải sản xa bờ của xã này phải nằm bờ. Mỗi chuyến khai thác hải sản xa bờ, tàu phải đi hơn nửa tháng. Chi phí xăng dầu ngày càng cao, công lao động không thể giảm nên nhiều tàu đi khai thác không đủ bù lỗ cho chi phí nhiên liệu, trả tiền nhân công.
Ngoài ra, số tàu thuyền đi về trong ngày cũng không có thu nhập vì chi phí xăng dầu quá cao, ảnh hưởng đến nguồn thu nhập, cuộc sống của 2.500 lao động bám vào nghề biển ở xã Ngư Lộc.
Ông Nguyễn Văn Bảo – ở thôn Nam Vượng, xã Ngư Lộc – cho hay gia đình ông có tàu cá công suất 450CV. Mỗi chuyến đi biển từ 15-20 ngày, tàu này “ăn” từ 5.000-6.000 lít dầu. Chủ tàu phải thuê 10 lao động với tiền công 400.000 đồng/ngày/người. Tổng chi phí tiền dầu, nhân công cho mỗi chuyến đánh bắt hải sản xa bờ khoảng 200 triệu đồng.
“Do giá xăng dầu tăng liên tục, càng đi biển càng lỗ, có chuyến lỗ từ vài chục triệu đến cả trăm triệu đồng, không đủ tiền chi phí nên từ sau Tết Nhâm Dần 2022 đến nay, tôi đành cho tàu nằm bờ dù rất nhớ biển và mong được ra khơi để mưu sinh, có tiền nuôi con ăn học. Cuộc sống của người đi biển, sống từ nghề biển đã và đang gặp rất nhiều khó khăn. Chúng tôi mong Nhà nước có chính sách hỗ trợ giá xăng dầu cho ngư dân, ngân hàng khoanh nợ, giãn nợ vốn vay để bà con ngư dân xoay xở trong thời gian tới” – ông Bảo nói.
Còn ông Trần Văn Phụng – ở phường Quảng Tiến, TP Sầm Sơn, chủ tàu cá mang số hiệu TH 92555 TS – như đang ngồi trên lửa khi tàu càng ra khơi càng lỗ do xăng dầu tăng giá, trong khi khoản nợ vay đóng tàu đang là gánh nặng đối với ngư dân 63 tuổi này.
“Trước kia, gia đình tôi phải vay 6 tỉ đồng từ ngân hàng để đóng mới tàu đánh bắt hải sản xa bờ. Sau hơn 4 năm khai thác, gia đình mới trả được hơn 1,5 tỉ đồng cho ngân hàng. Hiện nay còn nợ hơn 4 tỉ đồng, mỗi tháng phải trả hơn 30 triệu tiền lãi. Bây giờ tàu nằm bờ, gia đình tôi chưa biết xoay xở ra sao để có tiền trả nợ ngân hàng” – ông Phụng buồn rầu chia sẻ.
Một ngư dân phường Quảng Tiến, TP Sầm Sơn (Thanh Hóa) buồn rầu cho tàu cá nằm bờ ở cảng cá Lạch Hới vì xăng dầu tăng giá – Ảnh: HÀ ĐỒNG
Ông Nguyễn Hải Năm – chủ tịch UBND xã Ngư Lộc – cho biết trong số chủ 325 tàu thuyền khai thác hải sản của xã thì có tới hơn 90% số hộ vay vốn từ các ngân hàng và Quỹ tín dụng nhân dân Ngư Lộc, với tổng số vốn vay là 116 tỉ đồng để đầu tư đóng mới, sửa chữa tàu thuyền, mua ngư cụ, dầu và nhu yếu phẩm để ra khơi.
Do xăng dầu tăng giá liên tục, một nửa số tàu thuyền của xã đã nằm bờ làm mất nguồn thu cho ngư dân và lao động làm dịch vụ hậu cần nghề cá.
“Mỗi khi xăng dầu tăng giá, Hội nghề cá xã Ngư Lộc, chính quyền và ngư dân địa phương đều kiến nghị Nhà nước có chính sách hỗ trợ ngư dân để bà con yên tâm bám biển. Trước và sau Tết Nhâm Dần, chính quyền xã đã kêu gọi các nhà hảo tâm, doanh nghiệp quyên góp đồ dùng thiết yếu để hỗ trợ kịp thời cho các gia đình ngư dân gặp khó khăn” – ông Nguyễn Hải Năm cho biết thêm.
Sáng 12-3, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Cao Văn Cường – giám đốc Sở NN&PTNT Thanh Hóa – cho biết sở đang phối hợp với các địa phương ven biển thống kê chi tiết số hộ có tàu cá phải nằm bờ do giá xăng dầu tăng cao hiện nợ ngân hàng bao nhiêu, cuộc sống của gia đình chủ tàu cá thế nào, cần hỗ trợ trước mắt và lâu dài ra sao để báo cáo lãnh đạo tỉnh vào tuần sau. Từ đó có chính sách hỗ trợ kịp thời đối với ngư dân.
Theo khảo sát của Tuổi Trẻ Online, giá các loại hải sản ở chợ đầu mối và các đại lý tại TP Thanh Hóa bắt đầu rục rịch tăng từ 5 – 10% tùy loại so với dịp Tết Nhâm Dần.
Cá thu tươi nguyên con đang có giá 230.000 đồng/kg, cá thu cắt lát là 300.000 đồng/kg, tăng 5% so với sau Tết Nhâm Dần.
Nhiều loại hải sản tại Thanh Hóa đang phải nhập từ các tỉnh phía Nam về do khan kiếm như mực tươi, tôm hùm, cá mú…
Giá dầu tăng cao nhưng giá cá lại giảm
Tại Quảng Ngãi, Quảng Nam, nhiều chủ tàu cá neo tàu không ra khơi vì lo sợ thua lỗ.
Ngày 12-3, các cảng cá tại Quảng Nam và Quảng Ngãi khá vắng vẻ dù đây là thời gian đánh bắt chính vụ. Các ngư dân cho biết phải neo tàu nằm bờ vì giá dầu diesel tăng hơn 25.000 đồng/lít (gấp đôi so với năm ngoái) nên càng ra khơi càng lỗ.
Tàu cá công suất lớn ở Quảng Ngãi đa phần nằm bờ vì giá dầu quá cao – Ảnh: TRẦN MAI
Tại cảng cá Sa Huỳnh (phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ, Quảng Ngãi), một hàng dài tàu cá xếp hàng dọc cảng. Không khí rất vắng vẻ, chỉ vài tàu nhỏ đánh bắt gần bờ hoạt động. Ông Nguyễn Sáu, phường Phổ Thạnh, thở dài khi xăng dầu tăng chóng mặt. Hai chiếc tàu của gia đình, ông đành neo 1 chiếc ở cảng.
“Nếu trước kia tiền mua dầu chừng 300 triệu đồng thì nay lên đến hơn 400 triệu đồng. Nếu đi 2 chiếc mà đánh bắt không đạt là lỗ cả tỉ bạc vì ngoài tiền dầu còn ăn uống, trả cho bạn, tiền đá… Thôi neo bớt 1 chiếc ở nhà cho chắc. Mà nếu xăng tăng nữa, chắc chiếc kia về tôi cũng để neo bờ”, ông Sáu nói.
Không chỉ ngư dân mà chính các chủ cây xăng cũng “ná thở”, họ không còn thoáng như trước, cho chủ tàu mua dầu trước, kết thúc chuyến biển vào trả nữa. Giá xăng dầu nhảy múa nên phải “tiền trao cháo múc”. Điều này cũng gây khó cho nhiều chủ tàu muốn ra khơi nhưng không có tiền.
Theo thống kê của Chi cục Thủy sản Quảng Ngãi, tỉnh này có khoảng 6.000 tàu cá công suất lớn đánh bắt xa bờ. Nhưng hiện tại, việc ra khơi của ngư dân rất ít, họ đều “canh chừng” giá dầu.
Hiện tại, chỉ còn các tàu cá đánh bắt ở khu vực gần bờ, đi ngắn ngày vẫn cố gắng duy trì và “cầu may” kiếm được ít đồng từ biển – Ảnh: TRẦN MAI
Còn tại xã Bình Châu, huyện Bình Sơn và xã Nghĩa An, TP Quảng Ngãi… tàu cá cũng nằm dài khắp cảng. Ngư dân tính toán, giá xăng dầu tăng nhưng giá cá lại giảm, nên càng đi càng gặp khó. So sánh với cùng kỳ năm ngoái, giá dầu hiện giờ tăng gấp đôi, mà giá cá lại giảm 1/3.
“Trước giá cá chuồn khoảng 26.000 đồng/kg, giờ 18.000 đồng/kg; cá ngừ từ 80.000 đồng/kg giờ 50.000 đồng/kg, cá nục 40.000 đồng/kg giờ còn 20.000 đồng/kg… – ngư dân Võ Văn Lựu (xã Bình Châu) nói – Cá giảm giá mà dầu tăng. Trước đánh ký cá ngừ đổ được 7 lít dầu, giờ còn 2 lít, nói vậy là mấy ông hiểu. Đi sao cho nổi!”.
Ông Nguyễn Thanh Hùng – chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Bình Châu – cho biết trừ những tàu cá đi đợt giá dầu còn “thấp thấp” sắp vào bờ, còn các tàu ra khơi mới trong đoàn viên nghiệp đoàn rất ít. Họ không kham nổi giá dầu tăng cao.
Sáng 12-3, tại cảng cá Tam Quang, xã Tam Quang, huyện Núi Thành, Quảng Nam, một số tàu đánh bắt xa bờ cập bến, bán hải sản cho thương lái. Nhiều chủ tàu than thở giá dầu tăng cao khiến chi phí đội lên cao, trong khi đánh bắt không đạt. Chuyến nào cũng hòa hoặc lỗ vốn.
Ghi nhận ở một cây xăng dầu trong cảng, giá dầu diesel thời điểm này đã 25.260 đồng/lít. Tàu cá mang số hiệu QNa 911.08, công suất 712CV của ông Huỳnh Ngọc Tuấn (50 tuổi, xã Tam Quang) vừa cập cảng bán 8 tấn hải sản cho thương lái, thu về gần 150 triệu đồng. Ông Tuấn lắc đầu nói: “Chuyến biển dài 20 ngày, riêng chi phí dầu 120 triệu đồng chưa tính thức ăn, đá và chia cho ngư dân khác. Chuyến biển này coi như bỏ”.
Tàu cá của ông Thành sau khi cập bờ bán cá, trừ đi chi phí thì hòa vốn, không có lời – Ảnh: LÊ TRUNG
Ông Tuấn kể từ sau Tết, giá dầu khoảng 19.000 đồng/lít, cao hơn năm trước nhưng tàu ông vẫn quyết ra khơi bám biển, đánh bắt. Càng đánh càng lỗ, hôm nay tàu vừa cập bờ nghe giá dầu hơn 25.000 đồng/lít, ông thấy nản thêm. “Đánh bắt trên biển ngày càng khó, cá thì ít, mà giá dầu nhảy múa liên tục vậy ngư dân chỉ còn cách neo bờ”, ông Tuấn nói.
Cũng cập cảng trong ngày nay, ông Nguyễn Quang Thành (40 tuổi, xã Tam Quang), chủ tàu cá QNa 916.36, cũng ngao ngán với giá dầu. “Trước Tết, mỗi chuyến chi phí dầu tàu tôi chỉ tầm 70-80 triệu đồng, mà hiện nay đội chi phí lên 110-120 triệu đồng. Riêng tiền dầu đội 40-50 triệu đồng thì đánh bắt lấy đâu lời” – ông Thành nói.
Tàu cá của ông chuyến này về bờ đánh bắt được 15 tấn cá, trừ hết chi phí thì không lãi được bao nhiêu, số tiền chia cho các thuyền viên rất thấp.
Còn chiếc tàu QNa 902.71 của ông Nguyễn Minh Quang (56 tuổi, xã Tam Tiến, huyện Núi Thành) sau năm ngày đánh bắt về bán hải sản được gần 40 triệu đồng, mà chi phí dầu đã ngót 60 triệu đồng (tăng 20 triệu so với trước Tết), chuyến biển này đối với tàu ông lỗ nặng.
Tàu cá của ông Quang lỗ nặng sau chuyến biển năm ngày do giá dầu tăng cao, chi phí đội cao ngất – Ảnh: LÊ TRUNG
Toàn xã Tam Quang có hơn 300 tàu cá, trong đó có hơn 200 tàu cá công suất lớn đánh bắt tại ngư trường Trường Sa, Hoàng Sa. Chính quyền huyện Núi Thành cũng động viên ngư dân, khuyến khích các chủ tàu tính toán cân đối chi phí sao cho hợp lý trong mỗi chuyến biển trước tình trạng giá dầu liên tục tăng.
Ngư dân ra khơi lúc này cầm chắc lỗ
Tại cảng cá Hòn Rớ (xã Phước Đồng, TP Nha Trang, Khánh Hòa) – cảng cá lớn nhất khu vực Nam Trung Bộ, hàng trăm tàu nằm bờ do giá xăng dầu tăng cao. Nhiều ngư dân cho biết nếu tình trạng này kéo dài sẽ phải ngưng đánh bắt một thời gian.
Sau chuyến biển vừa rồi chỉ thu được hơn 2 tấn hải sản, bán ra được khoảng 120 triệu đồng trong khi chi cho chuyến đi là hơn 200 triệu đồng, ông Lê Đăng Vịnh đang tạm thời cho tàu nằm ở cảng để “tính toán tiếp”.
Ngày 12-3, ông Lê Đăng Vịnh – chủ tàu KH 95689 TS – cho biết ngày 1-3 dầu diesel 0.05S có giá 21.310 đồng/lít, đến hôm nay tăng lên 25.760 đồng/lít. Trước đây, khi xăng dầu ở mức 14.000 – 15.000 đồng/lít, mỗi chuyến chỉ tốn khoảng 150 triệu đồng cho khoảng 20 ngày bám biển, trong đó chi phí nhiên liệu chiếm khoảng 50% thì nay chỉ riêng tiền dầu đã gần 100 triệu đồng.
Nhiều tàu cá neo đậu tại cảng cá Hòn Rớ, TP Nha Trang – Ảnh: MINH CHIẾN
Không những vậy, sản lượng đánh bắt giảm, giá bán hải sản tại cảng những ngày này không tăng; cá ngừ vây vàng khoảng 145.000 – 160.000 đồng/kg, cá ngừ sọc dưa khoảng 30.000 đồng/kg… nên ngư dân ra khơi lúc này cầm chắc lỗ, ai may lắm thì huề vốn. “Nhưng ngặt nỗi không đi biển lấy gì ăn, hồi trước giá hải sản bán ra thấp nhưng phí tổn nguyên liệu ít mình ráng bám biển thêm ít ngày. Nếu tình hình này kéo dài chắc tôi phải nghỉ đi biển một thời gian” – ông Vịnh nói.
Các tàu cá nhỏ đánh bắt gần bờ cũng gặp khó khăn tương tự. Anh Lê Hồng Tuấn – chủ tàu KH97545 TS – than vãn: “Bây giờ tàu neo bến nhiều lắm do giá dầu cao với lại vào giai đoạn tàu nghỉ trăng. Với giá xăng mới, tàu tôi đi câu mỗi chuyến hết 40 lít dầu, tốn hơn 1 triệu đồng.
Nghề đi biển phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên, nên có chuyến được chuyến không, liên tiếp mấy ngày nay tàu tôi thâm hụt từ 500.000 – 800.000 đồng/chuyến, giờ muốn đi biển phải vay nợ, mượn anh em mới đủ bù chi phí”.
Theo ông Mai Thành Phúc – chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá Phước Đồng – giá xăng dầu tăng khiến các tàu đánh bắt xa bờ đang gặp khó vì nguy cơ thua lỗ rất lớn dù đang là giai đoạn cao điểm đánh bắt hải sản.
Ông Nguyễn Văn Ba – phó trưởng Ban quản lý cảng cá Hòn Rớ – cho hay trong chuyến biển tháng 2 chỉ có 296 tàu bám biển. Từ đầu tháng 3 đến nay, mới có 50 tàu đăng ký, làm thủ tục xuất bến đi khai thác, thấp hơn so với cùng kỳ năm trước.
Hiện nay, các tàu câu cá ngừ đại dương, tàu lưới cản đường dài cũng lần lượt về cập cảng vì vào giai đoạn tàu nghỉ trăng. Tuy nhiên, sản lượng đánh bắt không bằng những chuyến biển trước, trong khi giá bán không tăng mà phí tổn mỗi chuyến biển lại cao nên hiệu quả thấp.
Theo lãnh đạo Chi cục Thủy sản Khánh Hòa, hiện toàn tỉnh có 708 tàu cá hoạt động khai thác thủy sản xa bờ. Các tàu cá đang gặp nhiều khó khăn, thậm chí một số tàu tuy đã trễ hạn đăng kiểm nhưng vẫn không tiến hành thủ tục để gia hạn vì lý do nghỉ biển, gặp khó khăn về kinh phí.
Kiên Giang: 30% tàu cá nằm bờ
Sống bằng nghề đánh bắt xa bờ, hiện gia đình ông Ba Toàn (ngụ tỉnh Tiền Giang) có 2 tàu cá đang nằm bờ. “Từ sau Tết Nguyên đán 2022, giá cả mọi thứ đều leo thang. Nếu như thời điểm sau Tết khó kiếm ngư phủ thì nay phải tính toán thêm chi phí nhiên liệu. Với giá nhiên liệu như hiện nay, chúng tôi chưa dám đi đánh bắt vì nếu đi sẽ nắm chắc phần lỗ”, ông Ba Toàn nói.
Tỉnh Tiền Giang có đoàn tàu khai thác biển khoảng 1.500 chiếc với trên 10.000 ngư dân, thuyền viên. Tuy chưa có con số thông kê chính xác nhưng hiện khu vực thị trấn Vàm Láng, khu vực sông Cửa Đại hàng trăm tàu cá đang nằm bờ.
Còn tại Kiên Giang, sáng 12-3, ông Võ Huỳnh Công Khanh – chủ tàu đánh cá biển hơn 25 năm (TP Phú Quốc, Kiên Giang) – buồn rầu nói, hiện 3 chiếc tàu đánh cá của gia đình ông đang nằm bờ phơi nắng phơi mưa gần 1 tuần qua vì giá xăng dầu lên cao.
Ông Khanh cho hay để chuẩn bị cho một chuyến đi biển (kéo dài 1 tháng cho 3 chiếc tàu đánh cá), ông phải bỏ chi phí ra hơn 150 triệu đồng (tiền mua nhiên liệu xăng, dầu). Chưa kể, hiện thương lái thu mua cá cơm với giá 11.000 đồng/kg (giảm 3.000 đồng/kg so với trước đây) nên ông Khanh và các ngư dân khác ở địa phương lỗ nặng.
Thông tin từ Chi cục Thủy sản tỉnh Kiên Giang, địa phương hiện có hơn 9.800 tàu đánh cá, trong số này có khoảng 30% số tàu cá của ngư dân nằm bờ vì giá xăng dầu lên cao.
Ông Quảng Trọng Thao – phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Kiên Giang – cho biết giá xăng, dầu lên cao như hiện nay thì ở Kiên Giang có nhiều chủ tàu đánh cá chưa ra khơi.
“Hiện Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang cũng hỗ trợ về mặt kỹ thuật, hướng dẫn tổ chức sản xuất nhằm giúp ngư dân có một chuyến đi biển tiết giảm chi phí, góp phần ổn định cuộc sống cho bà con”, ông Thao nói.
Tại Sóc Trăng, ông Phạm Văn Hứa – giám đốc Ban quản lý cảng cá Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng – cho biết hiện toàn tỉnh có 988 tàu khai thác thủy hải sản, trong đó có 500 tàu đánh bắt xa bờ. Theo ông Hứa, ghi nhận từ đầu năm 2022 đến nay, do ảnh hưởng thời tiết, trời nhiều gió, sóng to; cộng với sản lượng mùa vụ giảm nên ngư dân đánh bắt thủy hải sản không lời nhiều. Đặc biệt gần đây, giá xăng dầu liên tục tăng đã ảnh hưởng rất lớn đến ngư dân sống bằng nghề biển.
Ông Hứa cho biết đã có khoảng 30% tàu ghe ở Sóc Trăng thả neo nằm chờ thời. Trong số này có nhiều tàu đang ngoài khơi, do đánh bắt thất, chi phí xăng dầu cao nên neo tàu, không vào đất liền. “Trước khi thả lưới đánh bắt thủy hải sản, ngư dân cân nhắc kỹ lưỡng, nếu tính có lời, họ mới làm”, ông Hứa cho biết.
Cũng theo ông Hứa, một số tàu sau khi ra khơi đánh bắt đã cập cảng bán, cũng không vội trở lại biển như trước đây mà tiếp tục neo bờ chờ đợi, coi giá xăng dầu có giảm hay không rồi mới tính tiếp. “Hiện ngư dân đánh bắt thủy hải sản đang gặp nhiều khó khăn. Nếu giá xăng dầu không giảm, số lượng tàu ghe đánh bắt nằm bờ ngày càng nhiều. Do vậy đề nghị Nhà nước sớm có chính sách hỗ trợ giá dầu để ngư dân sớm căng buồm ra khơi”, ông Hứa kiến nghị.
Theo tổng hợp từ Chi cục Thủy sản và Bộ đội biên phòng Tiền Giang, từ ngày 1-2 đến ngày 15-2, toàn tỉnh chỉ có 373 tàu cá ra khơi, trong đó khu vực thị trấn Vàm Láng (tàu ngư dân huyện Gò Công Đông) là 293 tàu, khu vực sông Cửa Đại (tàu ngư dân thành phố Mỹ Tho) 80 tàu. Hàng trăm tàu đang nằm bờ chưa ra khơi và một số tàu ở ngoài khơi Tết không vào bờ.
CHÍ CÔNG – KHẮC TÂM – MẬU TRƯỜNG