EU: Thị trường tiềm năng cho nông sản Việt
EU: Thị trường tiềm năng cho nông sản Việt
Tháng trước, Đồng Tháp xuất khẩu lô 3 tấn xoài cát chu Cao Lãnh đầu tiên sang thị trường Liên minh châu Âu (EU). Dù số lượng còn khiêm tốn, nhưng vẫn là một tín hiệu vui cho nông sản trong nước.
Đối với những nhà cung cấp từ ngoài châu Âu, chuyện sản phẩm được thị trường EU chấp nhận còn là sự bảo chứng về chất lượng và độ an toàn.
Nhập khẩu liên tục tăng cao
Dân số châu Âu chỉ hơn 500 triệu nhưng mỗi năm nhập khẩu hơn 60 tỉ euro rau quả tươi, tức 44% trị giá thương mại toàn cầu của thị trường này. Châu Âu cũng chiếm 5 trong 10 nước nhập khẩu nhiều rau quả tươi nhất thế giới.
Thị trường châu Âu, nhất là những nước thuộc EU, có ưu điểm là mọi thủ tục đều rành mạch, rõ ràng, nhưng nổi tiếng khó tính với những quy định rất khắt khe về an toàn thực phẩm.
Đáng lưu ý là dù châu Âu nói chung và khối EU nói riêng có những quy định chung về an toàn thực phẩm, nhưng một số nước như Anh, Đức, Hà Lan, Áo, Đan Mạch lại áp dụng những tiêu chuẩn nghiêm ngặt hơn những quy định chung, chẳng hạn như giới hạn dư lượng tối đa cho phép (MRL) của thuốc bảo vệ thực vật.
Người dân nơi đây rất xem trọng dinh dưỡng và vận động thể chất. Chế độ dinh dưỡng lành mạnh, giảm chất béo, tăng rau củ trong các bữa ăn ngày càng trở nên phổ biến, qua đó khiến lượng tiêu thụ rau quả tăng cao.
Trong năm 2020, dù bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, lượng trái cây tươi nhập khẩu vẫn tiếp tục tăng, nhất là những loại giàu vitamin như cam, quýt, trái bơ và việt quất.
Các nước đang phát triển ngoài khu vực châu Âu, có lợi thế về khí hậu nông nghiệp, có thể cung cấp rau quả trái vụ và đa dạng về chủng loại cho người dân lục địa già.
Theo Eurostat (cơ quan thống kê của EU), trong số các quốc gia xuất khẩu rau quả cho châu Âu, có đến 70 nước đang phát triển.
Tổ chức Phát triển hàng hóa nhập khẩu của Hà Lan (CBI) cho biết tổng giá trị rau quả nhập từ những nước đang phát triển vào châu Âu đã tăng 38% trong vòng 5 năm (2016 – 2020).
Những nước nhập nhiều rau quả nhiệt đới nhất châu Âu là Hà Lan, Đức, Anh, Pháp. Riêng Hà Lan tái xuất 80% sang các nước khác.
Trong năm 2020, Đức đã nhập 12,4 tỉ euro trái cây tươi và rau quả, chiếm hơn 20% tổng giá trị của cả châu Âu. Trong 3,5 tỉ euro rau quả mà Đức nhập từ ngoài châu Âu, các nước đang phát triển chiếm 2,9 tỉ euro.
Pháp nhập 2 tỉ euro trái cây và 0,7 tỉ euro rau, phần lớn từ các nước Bắc Phi. Vương quốc Anh cũng nhập khoảng 48% lượng rau quả tươi từ ngoài châu Âu.
Tác động của biến đổi khí hậu tại châu Âu, trong đó có đợt sương giá trong mùa xuân 2021, đã gây thiệt hại nặng cho vụ mùa nho tại Pháp, đào và mơ tại Nam Âu, qua đó khiến nhu cầu nhập khẩu tăng cao.
Những xu hướng thị trường
Các nước ở phía tây và bắc châu Âu, đặc biệt là Đức, Thụy Sĩ, Áo, Thụy Điển, Đan Mạch – là thị trường lớn cho rau quả có giá trị dinh dưỡng cao và rau quả hữu cơ, riêng Đức chiếm tới 29% tổng doanh số rau quả hữu cơ trong khối EU.
Các nước Nam Âu là vườn rau của châu Âu nên tiêu thụ nhiều trái cây hơn mức trung bình, đồng thời chú trọng đến hương vị của trái cây nhập khẩu.
Trong khi đó, các nước Trung và Đông Âu có thu nhập bình quân thấp hơn những khu vực khác, nên họ ưu tiên cho các loại nông sản có giá cạnh tranh và sản phẩm địa phương. Do đó, sức mua rau quả nhập khẩu tại đây còn thấp.
Những năm gần đây sức tiêu thụ trái cây nhiệt đới và bán nhiệt đới tăng nhanh, đặc biệt là ở khu vực bắc và tây Âu. Không chỉ người nước ngoài, người gốc nhập cư mà người bản xứ cũng ưa chuộng những loại trái cây ngoại nhập.
Ngoài những loại quen thuộc như chuối (nhập vào gần 1 triệu tấn/năm), trái bơ, xoài, thơm, đu đủ, lựu, chà là, nhiều siêu thị còn có những loại trái cây hiếm lạ như trái vải, dừa trái, hồng, chôm chôm, thanh long, khế, chanh dây, sapôchê, trái lồng đèn (còn gọi là trái thù lù)…
Thanh long, khế, lựu, trái lồng đèn trông đẹp mắt nên rất được ưa chuộng trong những dịp lễ lạt như Giáng sinh, Tết dương lịch, lễ Phục sinh.
Các nhà hàng cũng thích dùng trái cây để trang trí món ăn. Lựu, khế, chanh dây, vải, quất (tắc) còn được ghi nhận là rất tốt cho sức khỏe như lựu có chứa vitamin A, C, E, K và chất khoáng như calcium, potassium, chất sắt.
Trong năm 2019 trị giá số lượng trái vải, chanh dây, khế và thanh long nhập vào châu Âu đã tăng 40% so với 2016, lên tới 142 triệu euro.
Các nước cung cấp nhiều trái cây nhiệt đới nhất cho thị trường châu Âu hiện nay là Thổ Nhĩ Kỳ, Tây Ban Nha, Tunisia, Peru, Colombia, Nam Phi, Guatemala và Thái Lan. Trung Quốc là nhà cung cấp chính các loại rau củ như tỏi và hành củ, giờ có thêm khoai lang và các loại đậu đóng hộp. Thanh long, chanh dây, khế ở thị trường châu Âu chủ yếu có nguồn gốc từ Malaysia, Thái Lan.
Pháp chuộng trái vải Madagascar và Việt Nam. Hạt điều Việt Nam cũng được biết đến nhiều hơn tại châu Âu. Nước dừa tươi, nước cốt dừa hữu cơ của Bến Tre nay đã vào được các siêu thị Bắc Âu, cạnh tranh với sản phẩm của Thái Lan, Sri Lanka, Ecuador.
Ý, Tây Ban Nha trồng thử thanh long
Có cầu ắt có cung. Ý và một số nước có khí hậu Địa Trung Hải như Tây Ban Nha đang nỗ lực trồng thử một số trái cây nhiệt đới hiếm lạ như trái lồng đèn, mãng cầu xiêm, sơn tra (còn gọi là táo gai) và cả thanh long.
Hương vị chưa rõ thế nào nhưng giá cả hẳn sẽ có sức cạnh tranh mạnh mẽ với trái cây ngoại nhập.