Quyết liệt xây dựng đường Vành đai 3
Quyết liệt xây dựng đường Vành đai 3
Đó là khẳng định của các bên tại hội thảo dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3, do UBND TP.HCM tổ chức ngày 11.3.
Khát vọng của 20 triệu dân
Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông (TP.HCM), cho biết tổng chiều dài dự án đường Vành đai 3 gần 92 km, trong đó đoạn đi qua TP.HCM dài nhất là 47,51 km. Dự án sẽ giải phóng mặt bằng (GPMB) một lần và mở rộng ra hai bên để có thêm quỹ đất đấu giá, tạo nguồn thu để đầu tư cho dự án và nguồn thu cho ngân sách. Khi xây dựng dự án sẽ có hơn 2.400 ha đất ở TP.HCM, Đồng Nai có khoảng 214 ha đất mở rộng ra hai bên đường được đem đấu giá thu về khoảng 31.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, số tiền sẽ còn tăng lên vì còn quỹ đất của Bình Dương và Long An chưa thống kê được. Có 3.863 hộ bị ảnh hưởng và 1.476 hộ dân tái định cư, với tổng kinh phí hơn 41.500 tỉ đồng. Hiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đã trình Chính phủ xem xét và sắp tới trình Quốc hội thông qua. Đây là dự án vô cùng cấp thiết, tạo sự đột phá phát triển giao thông, giải quyết quá tải về giao thông cho cả vùng chứ không riêng gì TP.HCM. Đặc biệt, tuyến đường sẽ nối kết các đô thị vệ tinh, các cảng với nhau, rút ngắn thời gian đi lại giữa các tỉnh, tạo không gian phát triển mới cho các đô thị vệ tinh như Nhơn Trạch, Thủ Đức, Thuận An, Củ Chi…, từ đó tạo ra nguồn lực mới đóng góp vào ngân sách các địa phương.
Hệ thống hạ tầng nếu được đầu tư hoàn thiện sẽ thúc đẩy không chỉ TP.HCM mà cả vùng kinh tế trọng điểm phía nam phát triển NGỌC DƯƠNG |
Tuyến đường cũng tạo hành lang nối kết liên vùng khi nối kết với 5 đường cao tốc, từ đó tạo sự lan tỏa cho cả vùng kinh tế trọng điểm phía nam. Cũng theo ông Phúc, dự án sẽ đầu tư làm 2 giai đoạn, giai đoạn đầu thiết kế 4 làn xe và hai đường song hành, mỗi bên 2 làn xe. Điểm đầu giao cắt với cao tốc Bến Lức – Long Thành ở Nhơn Trạch (Đồng Nai), sau khi qua Đồng Nai – Bình Dương – TP.HCM – Long An thì điểm cuối kết nối vào cao tốc Bến Lức – Long Thành. Khi hoàn thành, tuyến đường sẽ áp dụng hình thức thu phí để thu hồi vốn.
“Để thực hiện nhanh, dự án xin một cơ chế đặc thù, giao cho UBND TP.HCM và UBND các tỉnh tổ chức thực hiện đầu tư xây dựng các dự án thành phần thuộc địa phương mình quản lý. Nhất là chỉ định thầu tất cả các gói thầu, từ GPMB đến các gói thầu xây lắp, tư vấn, thiết kế… Đây là ước vọng, khát vọng của 20 triệu bà con vùng kinh tế trọng điểm phía nam. Năm 2025 sẽ cơ bản hoàn thành phần cao tốc, năm 2026 hoàn thành toàn dự án và năm 2027 sẽ quyết toán”, ông Phúc nói.
Chậm ngày nào, thiệt ngày đó
Ông Ngô Thịnh Đức, Chủ tịch Hội Cầu đường Việt Nam, nhận định dự án đã thông qua hơn 10 năm chưa làm được, nay nếu không làm sẽ có tội với người dân các địa phương phía nam. Bởi dù đã quy hoạch và giải phóng cảng ra khỏi nội đô nhưng xe container vẫn ùn ùn vào TP.HCM vì chưa có các tuyến đường vành đai.
TS Trần Du Lịch, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, cho biết điểm nghẽn lớn nhất khiến vùng kinh tế trọng điểm phía nam không phát triển được là hạ tầng giao thông. Việc chậm kết nối giao thông ngày nào là thiệt hại về kinh tế ngày đó. Do đó, đây là cơ hội để làm sao vùng này phát triển xứng đáng với tầm của nó. Theo TS Trần Du Lịch, 1/4 thế kỷ qua, ông đã nghiên cứu khu vực TP.HCM, Đồng Nai, Long An, Bình Dương, Tây Ninh, Bà Rịa-Vũng Tàu và thấy rằng nơi đây không chỉ hình thành vùng công nghiệp của Việt Nam mà của cả khu vực khi kết nối các nền kinh tế lớn, các cụm cảng lớn, các khu công nghiệp. Nhưng muốn làm được phải có hạ tầng. Tuy nhiên, đến nay các tuyến đường vành đai vẫn nằm trên giấy nên các cảng biển, cảng nước sâu không phát huy hết tác dụng, các đô thị ở vùng không nối kết được. Ông lấy ví dụ: 1 cây cầu từ TP.HCM qua Nhơn Trạch được xây dựng thì cả vùng Nhơn Trạch bùng nổ, nhưng đã rất nhiều lần hô hào khởi công mà đến nay vẫn chưa thấy đâu. Việc chậm trễ này làm tắc nghẽn trên các mặt. Đặc biệt, các doanh nghiệp trên địa bàn vùng này chịu chi phí logistics cao nhất Việt Nam. Doanh nghiệp chở hàng từ Cái Mép – Thị Vải lên Tây Ninh còn đắt hơn từ Thiên Tân (Trung Quốc) về Cái Mép – Thị Vải.
Ông Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cũng nói rằng so sánh vùng TP.HCM và vùng Hà Nội sẽ thấy phát triển khác nhau. Do đó, TP.HCM cần mạnh dạn đề xuất cách làm chứ hiện nay còn “rón rén”. Dự án này nếu huy động tư nhân vào làm lại rất hay khi mà Chính phủ khuyến khích sự chủ động để huy động nguồn vốn. “Tôi nhấn mạnh là ủng hộ cơ chế chỉ định thầu, với những điều kiện ràng buộc rõ ràng, chặt chẽ. Hồ sơ thành tích phải rõ, thêm điều kiện làm tốt sẽ thưởng còn không sẽ phạt, thậm chí đi tù vì đây là dự án trọng điểm quốc gia. Như vậy mới đối phó được các nhóm lợi ích, mưu mẹo, kiếm chác. Câu chuyện về chất lượng, thời gian, tiết kiệm vốn là rất quan trọng. Nếu làm được, hiệu quả cho TP.HCM và các tỉnh cực kỳ lớn, tạo ra một không gian phát triển đô thị cho cả vùng”, TS Thiên nói.
Chuẩn bị làm đường Vành đai 4, cao tốc
Theo ông Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Ban Kinh tế T.Ư, có 2 rủi ro lớn cần kiểm soát là mặt pháp lý và GPMB từ nhiều dự án đã làm. Về pháp lý đang xin cơ chế đặc thù, mà đặc thù là vượt luật nên cần một cơ sở pháp lý thuyết phục để các đại biểu Quốc hội đồng thuận thông qua. Dự án này bản chất là ngân sách T.Ư phải lo, nhưng lâu nay đang thiếu nên phải “chia” cho địa phương cùng gánh. Nhưng phần ngân sách T.Ư ứng sẽ tính như thế nào, cho vay hay cấp? Nếu đưa ra Quốc hội mà tranh cãi không dứt khoát được thì sẽ bị bác và lùi thêm 6 tháng nữa. Đối với việc GPMB, muốn nhanh phải sạch về pháp lý đất ở những vùng được GPMB. Như sân bay Long Thành chậm do nhiều trường hợp không biết đền bù cho ai, đền bù như thế nào và xảy ra tranh chấp, khiếu kiện. Nên ngay từ bây giờ phải thống kê được nguồn gốc đất, các tranh chấp để sau này bắt tay vào làm sẽ nhanh. Điển hình như đường Vành đai 2 đến nay đền bù mãi chưa xong, hay QL13 đoạn TP.HCM chính vì GPMB không được, kinh phí đội lên 6 lần mà đến nay trở thành nút cổ chai dù đoạn ở Bình Dương đã làm rất rộng, rất đẹp.
Ông Lê Đình Thọ, Thứ trưởng Bộ GTVT, cho hay cơ chế hiện nay rất phù hợp, nếu được thông qua sẽ rút ngắn được thời gian. Vấn đề cần làm ngay là tiến hành GPMB, triển khai các bước chỉ định thầu, vật liệu… Đến nay dự án đạt được đồng thuận rất lớn trong việc triển khai. Không chỉ Vành đai 3 mà nhiều dự án trọng điểm đang triển khai, Quốc hội, Chính phủ rất quan tâm. Nếu Vành đai 3 được thực hiện đúng tiến độ, hệ thống cảng biển cũng sẽ được tái cơ cấu. Đồng bằng sông Cửu Long gắn liền với 5 cao tốc hướng tâm, 2 tuyến nữa sẽ kết nối với giao thông TP.HCM.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, hiện các địa phương đang nỗ lực hoàn thiện hồ sơ để trình Quốc hội xem xét thông qua vào kỳ họp tháng 5 tới. Trong quá trình này cũng triển khai các bước, để khi Quốc hội duyệt là có thể bắt tay vào làm ngay, nhất là khâu GPMB. Sau khi trình hồ sơ cho Quốc hội cũng sẽ ngồi lại ngay để chuẩn bị đường Vành đai 4 và các tuyến cao tốc…
“Đề nghị thí điểm hình thành một quỹ, một tổ chức để phát hành trái phiếu, khai thác quỹ đất để làm đường Vành đai 4, cao tốc. Nếu được thì giao TP.HCM phát hành trái phiếu phát triển hạ tầng vùng TP.HCM. Khi đó không cần xin tiền từ Chính phủ. Trái phiếu phát hành hoàn toàn có thể đủ để làm. Khi hình thành mạng lưới hạ tầng thì vùng kinh tế trọng điểm phía nam sẽ bùng nổ, cất cánh. Khi đó vùng này không chỉ đóng góp 43% ngân sách mà còn nhiều hơn nữa”.
TS Trần Du Lịch,
thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ
ĐÌNH SƠN
TNO