24/11/2024

Bay quốc tế lại: Hàng nhiều hơn khách!

Bay quốc tế lại: Hàng nhiều hơn khách!

Mới nhất, ngày 4-3, tại cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất trong tổng số 89 chuyến bay quốc tế đi/đến chỉ có 37 chuyến chở khách, còn lại là chuyến bay chở hàng hoá (cargo).

 

Bay quốc tế lại: Hàng nhiều hơn khách! - Ảnh 1.

Hành khách trên chuyến bay TK612 (Thổ Nhĩ Kỳ) đến sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) vào chiều 15-2 – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Không như kỳ vọng của các công ty du lịch, gần một tháng sau khi Việt Nam dỡ bỏ hạn chế về tần suất khai thác với các chuyến bay quốc tế, tình hình vẫn không sáng sủa.

Thực tế cho thấy chuyến bay chở hàng vẫn nhiều hơn bay chở khách.

Chuyến bay vắng khách

Theo số liệu từ Cục Hàng không Việt Nam, tần suất khai thác các đường bay quốc tế đi/đến Việt Nam là 370 chuyến/tuần/chiều, tương đương 53 chuyến bay/chiều/ngày. Trong khi đó, tần suất khai thác các đường bay quốc tế theo lịch bay mùa đông năm 2019 là 4.185 chuyến/tuần/chiều, tương đương 598 chuyến/chiều/ngày.

Từ ngày 11-1 đến 23-2 có khoảng 200.000 khách quốc tế đến Việt Nam, đây là con số rất nhỏ so với 4 triệu khách/tháng trong thời kỳ cao điểm năm 2019.

Mới nhất, ngày 4-3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất trong tổng số 89 chuyến bay quốc tế đi/đến chỉ có 37 chuyến chở khách, còn lại là chuyến bay chở hàng hóa (cargo).

Các hãng bay cho biết không phải cứ mở cửa bầu trời thì hoạt động hàng không quốc tế sẽ “tưng bừng” trở lại ngay. Với các đường bay quốc tế trọng điểm đã khôi phục có tiềm năng rất lớn nhưng khách đi lại cũng rất ít, thậm chí chỉ có vài chục người/chuyến. Hiện nay có quá nhiều khó khăn như nhiên liệu bay tăng vọt, Mỹ và Nhật Bản cũng đã khuyến cáo công dân tránh đi du lịch Việt Nam khi số ca F0 tăng cao…

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Quang Trung – trưởng ban kế hoạch chiến lược phát triển Vietnam Airlines – cho biết hiện nay khách bay quốc tế chủ yếu vẫn là kiều bào Việt, còn khách nước ngoài vẫn chờ đợi sau 15-3 nhưng đến nay các hãng bay vẫn hồi hộp chờ quyết định cuối cùng của Chính phủ về các điều kiện nhập cảnh, y tế…

Trước tháng 1, kiều bào đi lại đông, chủ yếu về nước đón Tết, rồi sau đó giảm hẳn. Không phải chuyến bay nào cũng có đủ khách như kỳ vọng. Có những chuyến bay mà hãng “đau đầu” với số lượng khách chỉ đạt 60 – 70 khách, còn dư hàng trăm ghế trống.

Chẳng hạn mới đây, chuyến bay từ Lào, Campuchia liên tục trong tình trạng vắng khách chiều đi lẫn chiều về. Tương tự, Thái Lan và Singapore vẫn chưa nhộn nhịp khách đi lại giữa 2 chiều. Sắp tới, ngày 16-3 Singapore nới lỏng quy định không cách ly khách từ Việt Nam sang, tuy nhiên thời gian đầu được dự đoán vẫn chưa thể đông trở lại ngay.

Hay với thị trường Nhật Bản, Vietnam Airlines đánh giá sẽ có nhiều khách du lịch và nhu cầu hồi hương của người Việt tại Nhật rất lớn. Tuy nhiên, khi khai thác thực tế có những chuyến khách bỏ chuyến và hủy vé rất nhiều. Lượng khách vận chuyển về Việt Nam chưa đạt 1/6 số ghế trên máy bay.

Nói về việc sản lượng khách quốc tế đến Việt Nam thấp, lãnh đạo Hãng hàng không Vietjet cho rằng cần thực hiện chế độ miễn hoặc cấp visa thông thoáng đối với người nước ngoài thì việc phục hồi các đường bay quốc tế mới có ý nghĩa.

Cũng có một nguyên nhân khác khiến hãng bay quốc tế chưa mặn mà khai thác đến Việt Nam vì khó xin slot. Thực tế, việc cấp slot sát ngày mà một hãng muốn khai thác có lãi thì phải được 70% khách. Mở bán vé phải mở trước 60 ngày, chứ chưa được cấp slot thì không dám mở bán.

Vắng khách du lịch quốc tế

Ông Bùi Minh Đăng, phó trưởng phòng vận tải (Cục Hàng không Việt Nam), cho biết hiện mới có 20 quốc gia và vùng lãnh thổ mở lại đường bay quốc tế đến Việt Nam; còn 8 quốc gia và vùng lãnh thổ chưa mở lại là Brunei, Ấn Độ, Indonesia, Myanmar, Phần Lan, Ý, Thụy Sĩ và Macau.

Đặc biệt, sau gần 2 tháng mở lại các đường bay quốc tế, các hoạt động khai thác quốc tế thường lệ mới chỉ đến Hà Nội, TP.HCM. Các điểm đến du lịch, đặc biệt là khu vực miền Trung, vẫn chưa có.

Một số thị trường kỳ vọng như Hàn Quốc, từng đạt số lượng 10 triệu hành khách vào năm 2019, đã được khôi phục nhưng số lượng khách còn hạn chế. Thị trường Trung Quốc từng đạt số lượng hơn 7 triệu hành khách quốc tế vào năm 2019 hiện chưa thể khai thác trở lại do quốc gia này đang có chính sách phòng dịch nghiêm ngặt.

Khó khăn mà ngành hàng không trong nước phải đối mặt còn rất nhiều. Ngoài việc duy trì hoạt động trong điều kiện dịch bệnh phức tạp với nhiều biến chủng khó lường, giá nhiên liệu bay tăng nhanh, tình hình quốc tế diễn biến phức tạp… sẽ khiến việc triển khai các kế hoạch sản xuất, kinh doanh gặp rất nhiều thách thức.

“Đau đầu” nhất lúc này đối với các hãng hàng không là giá nhiên liệu đang vượt qua khỏi mọi tính toán ban đầu.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, một hãng hàng không tiết lộ nguy cơ lỗ rất cao nếu hãng bay không cân đối lại tất cả chi phí, đồng thời có khả năng tăng giá vé để tránh lỗ nặng. Trong kế hoạch của hãng là nhu cầu khách sẽ tăng khi chính sách đi lại được nới lỏng sau dịch, giá nhiên liệu sẽ dao động từ 80 – 85 USD/thùng.

Tuy nhiên, thực tế lại hoàn toàn khác. Tính trung bình cả năm 2021, giá nhiên liệu khoảng 71 USD/thùng, nhưng đến đầu tháng 3-2022 lại dao động 110 – 120 USD/thùng.

Với quy mô hãng bay này, “nhiên liệu chiếm 37% trong cơ cấu chi phí. Giá xăng dầu nhích lên 1 USD, mỗi tháng mất thêm 12 tỉ đồng, tính ra con số tăng thêm cho cả năm rất khủng khiếp” – vị này nói.

Để sớm khôi phục được hoạt động bay quốc tế như thời điểm trước dịch, ông Bùi Doãn Nề – tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp vận tải hàng không – cho rằng Chính phủ cần tiếp tục quan tâm, hỗ trợ các hãng hàng không để đảm bảo sức cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài.

Thêm đường bay quốc tế mới, đa dạng giá vé

Khảo sát trên website của Vietnam Airlines, Vietjet và Bamboo Airways, các chuyến bay quốc tế từ Việt Nam đi Nhật Bản, Hàn Quốc… được mở bán với nhiều mức giá, trung bình trên 10 triệu đồng/vé khởi hành vào cuối tháng 3-2022.

Chẳng hạn từ TP.HCM – Nhật Bản, Vietjet mở bán giá thấp nhất 10 triệu đồng/vé, Vietnam Airlines 12 – 17 triệu đồng. Còn những đường bay như Singapore, Thái Lan có mức giá khá rẻ từ 1,9 – 4 triệu đồng/vé.

Bà Nguyễn Thị Thúy Bình – chủ tịch Vietjet Thái Lan – cho biết đã mở liên tiếp đường bay từ TP.HCM, Đà Nẵng – Bangkok (Thái Lan) để phục vụ hơn 170 triệu người dân giữa hai nước trong thời gian tới, hầu như ngày nào cũng có chuyến bay giữa Việt Nam – Thái Lan do Vietjet khai thác.

Tương tự, Bamboo Airways ngày 5-3 chính thức mở bán vé đường bay thẳng thường lệ Hà Nội – Melbourne với mức giá 99 AUD (khoảng 2,3 triệu đồng/vé), tần suất khai thác 1 chuyến khứ hồi/tuần, bắt đầu từ 27-4.

Tần suất các chuyến bay quốc tế của Việt Nam mới đạt gần 10% trước đại dịchTần suất các chuyến bay quốc tế của Việt Nam mới đạt gần 10% trước đại dịch

TTO – Việt Nam đã mở lại các đường bay quốc tế đi, đến 20 quốc gia và vùng lãnh thổ nhưng số chuyến bay quốc tế mới đạt gần 10% so với thời điểm chưa xảy ra đại dịch COVID-19.

CÔNG TRUNG
TTO