Nhiều lợi thế, vì sao ĐBSCL chưa phát triển ?
Nhiều lợi thế, vì sao ĐBSCL chưa phát triển ?
Đó là câu hỏi mà Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đặt ra tại Hội nghị “Thúc đẩy nông nghiệp phát triển bền vững vùng ĐBSCL chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu”, diễn ra tại TP.Rạch Giá, Kiên Giang ngày 6.3.
Thủ tướng yêu cầu các bộ trưởng, lãnh đạo tỉnh, thành, các nhà khoa học cùng thảo luận để nhận diện những vấn đề ĐBSCL đang gặp phải. Nhận diện rõ những mâu thuẫn, tồn tại, yếu kém nào khiến ĐBSCL chưa thể phát triển được. Từ đó xác định tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược là gì và ĐBSCL cần gì về mặt thể chế. Trong phạm vi của Chính phủ phải làm ngay việc gì?
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đặt ra nhiều câu hỏi, yêu cầu các bộ trưởng, lãnh đạo tỉnh, thành, các nhà khoa học cùng thảo luận để nhận diện những vấn đề ĐBSCL đang gặp phải XUÂN LAM |
ĐBSCL là vùng sản xuất nông nghiệp lớn nhất cả nước, nhưng cuộc sống của người nông dân khu vực này vẫn rất khó khăn ĐÌNH TUYỂN |
Nông sản chờ… giao thông
Báo cáo với Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cho biết, nhờ vào vị trí địa lý, điều kiện thiên nhiên, ĐBSCL đã trở thành vùng sản xuất nông nghiệp hàng hoá tập trung, sớm tiếp cận nền kinh tế thị trường. Nông nghiệp chiếm tỷ trọng cao, so với bình quân cả nước, cung ứng đa dạng các mặt hàng lúa gạo, trái cây, thủy sản, đóng góp quan trọng vào kim ngạch xuất khẩu nông sản.
Đã đến lúc ĐBSCL cần có cách nghĩ mới hơn, khác hơn, lớn hơn, táo bạo hơn để kích hoạt vùng đất giàu tiềm năng này ĐÌNH TUYỂN |
Tuy nhiên, vì nhiều lý do khách quan lẫn nội tại, đồng bằng chưa cất cánh như kỳ vọng. Nông nghiệp Việt Nam, trong đó có ĐBSCL, đang đối mặt những thách thức lớn: biến đổi khí hậu, thị trường, biến chuyển xu thế tiêu dùng trên thế giới. Đặc biệt, gần đây là tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu trong dịch bệnh Covid-19 và những sự kiện thời sự nóng bỏng. “Còn rất nhiều băn khoăn về nông nghiệp đồng bằng, và cũng là sự trăn trở của Thủ tướng Chính phủ tại nhiều Hội nghị, các cuộc gặp gỡ với các địa phương và nhân dân trong vùng. Do đó, đã đến lúc đồng bằng cần có cách nghĩ mới hơn, khác hơn, lớn hơn, táo bạo hơn để kích hoạt vùng đất giàu tiềm năng này”, ông Hoan nói.
Cùng với hệ thống giao thông đường bộ, các dự án thủy lợi, phòng chống thiên tai, hạ tầng nông nghiệp, nông thôn đang trong quá trình chuẩn bị đầu tư, mở ra nhiều dư địa phát triển mới cho ĐBSCL XUÂN LAM |
Cũng theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, gần đây, ĐBSCL đã đón thêm nhiều cơ hội. Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.Cần Thơ nơi được xem là trung tâm nối kết trong vùng. Cùng với hệ thống giao thông đường bộ, trong đó các tuyến cao tốc trong giai đoạn trung hạn 2021 – 2025, các dự án thuỷ lợi, phòng chống thiên tai, hạ tầng nông nghiệp, nông thôn đang trong quá trình chuẩn bị đầu tư, mở ra nhiều dư địa phát triển mới. ĐBSCL đang dần khơi thông điểm nghẽn về một vùng trũng hạ tầng. “Chúng ta cùng nhau hình dung rằng, trong vài ba năm nữa, khi hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng giao thông – vận tải, đô thị, thuỷ lợi, phòng chống thiên tai, logistics phục vụ nông nghiệp, nông thôn, thì ĐBSCL sẽ như thế nào? Chắc chắn dòng chảy nông sản đến thị trường sẽ nhanh hơn, chi phí sẽ giảm hơn, sức cạnh tranh hàng hoá sẽ cao hơn. Doanh nghiệp, nhà đầu tư, nhất là đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, sẽ đến với ĐBSCL ngày càng nhiều hơn”, ông Hoan kỳ vọng.
Nông nghiệp phải dựa trên công nghiệp, dịch vụ
Phát biểu gợi ý thảo luận cho hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, ĐBSCL có điều kiện tự nhiên phát triển nông nghiệp thuận lợi nhất cả nước. “Như vậy vì sao ĐBSCL chưa phát triển được? Mâu thuẫn nào, tồn tại yếu kém nào khiến khu vực này chưa thể phát triển được?”, Thủ tướng đặt câu hỏi và định hướng: “Phải lấy nông dân làm trung tâm, nông nghiệp làm nền tảng, động lực. Chủ đề của hội nghị này là thúc đẩy phát triển nông nghiệp ĐBSCL chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu. Chủ động ở đây là biến đổi quan trọng về chất. Cùng với đó, khi bàn về nông nghiệp bền vững thì cũng phải xét đến công nghiệp, dịch vụ hỗ trợ cho nông nghiệp như thế nào”.
Theo Thủ tướng, trong Quy hoạch phát triển vùng ĐBSCL vừa được Chính phủ phê duyệt cũng đã chỉ rõ tỉ trọng các ngành kinh tế ở ĐBSCL, trong đó nông nghiệp hơn 20%, công nghiệp 32%, dịch vụ 46%. Vì vậy bàn về nông nghiệp nhưng trên nền tảng, công nghiệp, dịch vụ. Ở đó, Phú Quốc chính là một ví dụ điển hình về phát triển. “Từng là một đảo hoang sơ, chiếm diện tích 0,18% của cả nước, nhưng chỉ cần có tư duy phát triển đột phá xây dựng Phú Quốc thành một trung tâm phát triển du lịch quốc tế. Từ đó, phát triển hạ tầng cơ bản như sân bay, điện lưới, nước ngọt thì các nhà đầu tư sẽ tìm đến. Đó cũng là một mô hình điển hình về hợp tác công tư phát triển”.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đặt câu hỏi “Vì sao ĐBSCL chưa phát triển được? Mâu thuẫn nào, tồn tại yếu kém nào khiến khu vực này chưa thể phát triển được?” XUÂN LAM |
Người đứng đầu Chính phủ cũng nêu 3 vấn đề quan trọng của ĐBSCL đó là phát triển hạ tầng, nguồn nhân lực và cách quản trị, liên kết vùng. 13 tỉnh thành không thể phát triển rời rạc được mà phải là một thực thể nhưng không trông chờ ỷ lại vào nhau. Liên kết chặt chẽ nhưng lấy sự độc lập để thúc đẩy liên kết. Cuối cùng là thị trường, rất quan trọng quyết định phát triển sản phẩm của ĐBSCL.
“Nghị quyết 120 về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu đã giải quyết được gì rồi? Bây giờ về thể chế cần làm gì, phạm vi của Chính phủ phải làm ngay việc gì?”, Thủ tướng nói và cho biết, sau hội nghị này sẽ có Chỉ thị của Thủ tướng để giải quyết rốt ráo hơn các vấn đề còn tồn tại ở ĐBSCL để giúp khu vực này phát triển nhanh hơn nhưng bền vững.
Vùng ĐBSCL có diện tích tự nhiên 39,7 nghìn km2, chiếm 12,2 % diện tích cả nước, có dân số khoảng 18 triệu người, chiếm 19% dân số cả nước. ĐBSCL là trung tâm lớn về sản xuất lúa gạo, trái cây, nuôi trồng, đánh bắt và chế biến thủy sản, đóng góp lớn vào xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của cả nước.
ĐÌNH TUYỂN – XUÂN LAN
TNO