Giá phân bón tăng cao, nông dân gặp khó
Giá phân bón tăng cao, nông dân gặp khó
Giá phân bón đang tăng cao khiến nông dân ở Hà Tĩnh lo lắng, nhiều người than thở tình trạng này khiến họ chỉ đang lấy công làm lãi, thậm chí lỗ nặng khi sản lượng hoa màu đạt năng suất thấp.
Bà Trần Thị Hoàn (50 tuổi, ngụ tại thôn Quang Trung, xã Kỳ Xuân) cho biết, vụ xuân năm nay gia đình bà làm 4 sào lúa, 3 sào lạc (đậu phộng). Thời tiết nắng ấm, hoa màu đang sinh trưởng tốt nên gia đình bà chia nhau xuống ruộng, nhỏ cỏ, bón phân, chăm sóc hoa màu.
Hỏi về giá phân bón hiện nay, bà Hoàn lắc đầu bảo giá phân bón thời điểm này bán quá cao khiến người nông dân tốn thêm chi phí không nhỏ cho sản xuất nông nghiệp.
Bà Hoàn liệt kê, với 1 sào canh tác lạc, tốn khoảng 300 ngàn thuê máy làm đất, 30kg phân NPK với giá hơn 500 ngàn, 10kg lạc giống giá khoảng 530 ngàn đồng.
Nếu được mùa, mỗi sào lạc cho năng suất 1,5 tạ với giá bán ra được 2,7 triệu đồng, trừ mọi chi phí chỉ lấy công làm lãi, còn mất mùa thì lỗ nặng.
“Năm ngoái tôi mua một bao phân 25kg giá chỉ 280 ngàn đồng/bao, nay với loại phân đó nhưng giá lên đến 420 ngàn/bao. Không chỉ giá phân bón tăng mà giá một số vật tư khác cũng tăng lên khá cao”, bà Hoàn nói.
Để giảm chi phí phân bón, gia đình bà Hoàn đã giảm bớt việc bón phân hóa học cho hoa màu, thay vào đó tăng lượng phân chuồng, việc này dù vất vả hơn nhưng đổi lại tiết kiệm được khoản tiền không nhỏ.
Tại cánh đồng trồng lúa ở Đồng Môn, TP Hà Tĩnh, chị Trần Thị Thái (29 tuổi, ngụ thôn Thanh Tiến, xã Đồng Môn) đang bón đạm cho hơn 1 sào lúa.
Chị cho biết, hai vợ chồng làm nghề tự do, chỉ làm một ít ruộng để lấy lương thực. Hiện nay giá vật tư quá cao trong khi giá lúa không tăng nên thu nhập không khá lên được.
Đang dặm lại một số khu vực mạ bị chết vì ngập nước, bà Nguyễn Thị Thanh (60 tuổi, ngụ thôn Tiến Thanh, xã Đồng Môn) than thở: so với năm ngoái giá phân bón tăng gần gấp đôi, chi phí quá cao nên làm ruộng chỉ lấy công làm lãi. Dù thu nhập bấp bênh nhưng người dân không có nghề gì khác buộc phải bám ruộng lấy lương thực sinh sống và chăn nuôi thêm.
Ông Nguyễn Trí Hà – chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Tĩnh – cho biết, vụ xuân toàn tỉnh gieo cấy diện tích trên 59.570 ha lúa, kế hoạch gieo trỉa 10.384 ha lạc. Về phân bón, so với cùng kỳ năm ngoái thì năm nay giá tăng gần gấp đôi, giá các chi phí tăng lên dẫn đến người dân gặp khó khăn, than phiền.
“Nguyên nhân phân bón tăng giá nguyên liệu đầu vào, chi phí sản xuất, chi phí vận chuyển đều tăng. Hơn nữa dịch bệnh COVID-19 cũng là một nguyên nhân dẫn đến giá phân bón tăng lên gần gấp đôi”, ông Hà nói thêm.